Cư dân Ciputra phản đối chủ đầu tư nhồi thêm nhà cao tầng

Nguyễn Hà - 25/05/2019 07:38 (GMT+7)

Quy hoạch khu đô thị đẳng cấp bậc nhất thủ đô được đề xuất tăng số toà nhà và mỗi toà thêm vài chục tầng căn hộ. 

VNF
Một góc Khu đô thị Ciputra đã bàn giao cho cư dân về sinh sống

Hàng trăm hộ dân sống tại Khu đô thị Ciputra (Khu đô thị Nam Thăng Long, Hà Nội) đang rất bất bình trước đề xuất điều chỉnh quy hoạch giai đoạn 2 của chủ đầu tư và đồng loạt ký tên phản đối việc này gửi UBN TP Hà Nội. Ciputra là một trong những khu đô thị cao cấp bậc nhất Hà Nội do Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu tư, thuộc quận Tây hồ và Bắc Từ Liêm. 

Đại diện cư dân cho biết, chủ đầu tư đã xây dựng đồ án quy hoạch điều chỉnh trong khu đô thị. Trong đó, một ô đất trước quy hoạch 5 tòa nhà với chiều cao từ 5 đến 47 tầng thì nay được đề xuất điều chỉnh tăng thành 8 tòa cao từ 45 đến 68 tầng. 

Một lô đất diện tích gần 13.400 m2 có chức năng bãi đỗ xe nay xin điều chỉnh, chuyển sang hạ ngầm bãi đỗ xe và kết hợp kinh doanh thương mại. Còn tại ô đất TM-13 diện tích gần 55.000 m2, vốn quy hoạch làm khu thương mại hỗn hợp, sân, vườn và đường nội bộ thì nay được đề xuất chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng với dân số gần 3.000 người. 

Bà Nguyễn Thị Xuyên, Tổ trưởng tổ dân phố Nam Thăng Long cho biết, trong cuộc họp lấy ý kiến cộng đồng ngày 18/4, 100% cư dân tại đây đã không đồng ý việc điều chỉnh bởi cho rằng sự thay đổi đó đều vì lợi ích nhóm của chủ đầu tư. Theo bà Xuyên, việc thay đổi quy hoạch một số khu của chủ đầu tư nhằm tăng lợi nhuận từ việc xây dựng khu nhà ở thấp tầng, giá trị thương mại cao hơn. Trong khi đó, đơn vị này lại dồn lượng lớn cư dân vào khu cao tầng ở ô đất TM-13 bằng việc tăng số tòa nhà (từ 5 lên 8) và tăng số tầng (từ 47 tầng lên 68 tầng).

"Rõ ràng chủ đầu tư đang muốn thu lợi một cách triệt để trên các khu đất chưa xây dựng", bà Xuyên nói. 

Trong khi đó, ông Đỗ Đức Du (nhà 15T6) cho rằng, phương án điều chỉnh mà chủ đầu tư đưa ra điều chỉnh dân số tăng gần gấp đôi trong khi đó hạ tầng kỹ thuật không thay đổi sẽ khiến khu vực này trở nên ngày càng quá tải. Điều đó cũng đồng nghĩa khu đô thị được quảng cáo đẳng cấp sẽ bị phá vỡ.  

"Chúng tôi kiến nghị UBND TP. Hà Nội dừng việc điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Ciputra giai đoạn 2 vì việc này phục vụ lợi ích của chủ đầu tư, không phải cho cộng đồng dân cư", bà Xuyên nói. 

Trước đó, hồi cuối tháng 2, UBND TP. Hà Nội đã có thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND xem xét về việc điều chỉnh quy hoạch tại Khu đô thị Ciputra. Theo kết luận, lãnh đạo thành phố thống nhất về nguyên tắc chủ trương điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số ô đất do Sở Quy hoạch – Kiến trúc đề xuất dựa trên kiến nghị của chủ đầu tư. Song, lãnh đạo thành phố cũng nhấn mạnh cần làm rõ sự phù hợp và khả năng đáp ứng hạ tầng, cũng như phải đảm bảo sự đồng thuận của cộng đồng dân cư trước khi đề xuất điều chỉnh.

Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến cộng đồng dân cư về việc điều chỉnh các ô đất nêu trên không nhận được sự đồng thuận và đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị UBND TP việc không chấp thuận thay đổi quy hoạch.

Gần đây, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết đã giao cho Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội báo cáo, làm rõ sự phù hợp với quy hoạch, thủ tục thực hiện. Ông cũng cho biết, trong quy trình đó có việc phải xin ý kiến cộng đồng, nếu không được đồng thuận thì cơ quan này cũng không đồng ý thay đổi quy hoạch.

Khu đô thị Nam Thăng Long Ciputra có quy mô 301 ha được đầu tư bởi Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long, một liên doanh giữa Tổng Công Ty Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Đô thị (Việt Nam) và Tập đoàn Ciputra (Indonesia). Đây là một trong những dự án đồng bộ cao cấp đầu tiên được xây dựng tại Hà Nội với đầy đủ tiện ích, dịch vụ. Số cư dân dự kiến khi Khu đô thị được phát triển hoàn thiện là 50.000 người và hiện có hơn 7.000 cư dân sinh sống. 

Theo VnE
Cùng chuyên mục
Tin khác