Cuộc chiến chip Mỹ - Trung: Washington chuẩn bị siết 'vòng kim cô'
Minh Ý -
16/10/2023 17:36 (GMT+7)
(VNF) - Theo Bloomberg, một năm sau "đòn giáng" đầu tiên, Mỹ đang có kế hoạch thắt chặt các biện pháp hạn chế Trung Quốc tiếp cận với các thiết bị bán dẫn và nhà sản xuất chip tiên tiến.
Vừa thắt chặt, vừa nới lỏng
Theo nhiều nguồn tin, trong những biện pháp hạn chế sắp tới, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tìm cách tăng cường kiểm soát việc bán chip đồ họa cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và thiết bị sản xuất chip tiên tiến cho các công ty Trung Quốc.
Mỹ cũng sẽ áp dụng các biện pháp kiểm tra bổ sung đối với các công ty Trung Quốc đang cố gắng trốn tránh các hạn chế xuất khẩu bằng cách định tuyến các chuyến hàng qua các quốc gia khác, đồng thời bổ sung các công ty thiết kế chip Trung Quốc vào danh sách hạn chế thương mại, yêu cầu các nhà sản xuất ở nước ngoài phải có giấy phép của Mỹ để thực hiện các đơn đặt hàng.
Ngoài ra, các quy định mới sẽ hạn chế vận chuyển một số loại chip nhất định cho các công ty con và chi nhánh ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc, đồng thời bắt đầu yêu cầu giấy phép xuất khẩu các công nghệ bị cấm sang các quốc gia có thể được sử dụng làm trung gian.
Bên cạnh đó, Washington có thể sẽ giảm bớt các hạn chế chung, vì một số "cánh chim đầu đàn" cho biết họ cần bán vào thị trường chip lớn nhất thế giới. Theo quy định mới, các công ty sẽ được phép xuất khẩu sang Trung Quốc tất cả trừ chip đồ họa tiêu dùng mạnh nhất, thường được sử dụng trong PC dành cho game thủ, và sẽ phải thông báo cho chính phủ Mỹ trước khi vận chuyển một số chip tiêu dùng chọn lọc.
Theo các quan chức Mỹ, các quy tắc cập nhật sẽ không bao gồm các hạn chế đối với quyền truy cập của các công ty Trung Quốc vào các dịch vụ điện toán đám mây của Mỹ hoặc đồng minh.
Mỹ cũng gia hạn miễn trừ cho các công ty Hàn Quốc Samsung Electronics Co. và SK Hynix Inc., cùng với gã khổng lồ chip Đài Loan Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., để tiếp tục vận chuyển một số công nghệ sản xuất chip bị hạn chế đến các cơ sở của họ ở Trung Quốc.
Dự kiến, những biện pháp thắt chặt sẽ được công bố sớm nhất vào đầu tuần này.
Phía Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận về thông tin này, nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning ngày 16/10 đã cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh rằng đất nước của bà phản đối “Mỹ chính trị hóa, công cụ hóa và vũ khí hóa các vấn đề thương mại và công nghệ”.
Bà Ning nói thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến và bảo vệ chắc chắn các quyền và lợi ích của mình”.
Các cổ phiếu liên quan tới chip tại châu Á đã giảm điểm sau khi Bloomberg đưa tin về việc Washington dự định thắt chặt "vòng kim cô" về chip với Bắc Kinh. Tại Nhật Bản, cổ phiếu Tokyo Electron, Advantest Corp và Disco Corp đều giảm ít nhất 1,7%, trong khi các cổ phiếu của Hàn Quốc như Hana Micron Inc cũng trượt dốc.
Khắc phục những kẽ hở còn sót lại
Việc thắt chặt các quy định hạn chế sẽ giúp Washington tinh chỉnh và khắc phục những "kẽ hở" còn sót lại của những biện pháp hạn chế về công nghệ và chip được công bố từ tháng 10 năm ngoái, theo Bloomberg.
Cụ thể, sau khi công bố các hạn chế ban đầu về chip cách đây một năm trong một nỗ lực tích cực nhằm hạn chế sự phát triển công nghệ của Trung Quốc, một bước đi mà chính quyền Tổng thống Biden cho rằng là cần thiết cho an ninh quốc gia, chính quyền này đã bị chỉ trích vì nhận thấy có những thiếu sót trong các biện pháp kiểm soát xuất khẩu ban đầu.
Nguyên nhân được cho là lệnh hạn chế được đưa ra trước khi nhận được sự ủng hộ của các đồng minh chủ chốt, đặc biệt là Hà Lan và Nhật Bản, cho phép các công ty thiết bị chip ở những quốc gia này tiếp tục bán thiết bị tiên tiến cho khách hàng Trung Quốc.
Những "kẽ hở" này đã tạo điều kiện để Bắc Kinh tiếp tục phát triển năng lực công nghệ trong nước. Một ví dụ điển hình gần đây là Huawei, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc, cuối tháng 8 vừa qua đã gây xôn xao giới công nghệ bằng một con chip 7nm được sử dụng trong chiếc điện thoại thông minh mới nhất Mate 60 Pro.
Việc một con chip tiên tiến được sử dụng bởi một công ty Trung Quốc, đặc biệt là khi công ty này đã chịu đủ các biện pháp trừng phạt qua 2 đời Tổng thống Mỹ, chứng tỏ khả năng vượt trội của các công ty công nghệ tại quốc gia tỷ dân, đồng thời cũng khiến Washington phải xem xét lại các biện pháp hạn chế của mình.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone