Tài chính quốc tế

Cuộc đấu phía sau chiến sự ở Ukraine: Nga 'sẩy chân', Mỹ chớp thời cơ, EU lỗ đậm

(VNF) - Cuộc chiến Nga - Ukraine và các đòn trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và phương Tây đã khiến Nga không còn giữ được vị trí nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của châu Âu. Trước tình hình đó, Mỹ đã nhanh tay chớp lấy thời cơ, trở lại vị trí thống trị trong lĩnh vực năng lượng trên toàn cầu kể từ những năm 1950.

Cuộc đấu phía sau chiến sự ở Ukraine: Nga 'sẩy chân', Mỹ chớp thời cơ, EU lỗ đậm

Cách đây 3 năm, do ảnh hưởng của đại dịch, giá dầu của Mỹ lần đầu tiên rơi xuống mức âm. Tổng thống đương nhiệm khi đó là ông Donald Trump buộc phải kêu gọi Nga và Ả Rập Xê Út cắt giảm sản lượng dầu nhằm khôi phục trật tự cho thị trường năng lượng toàn cầu cũng như hỗ trợ các nhà sản xuất dầu khí tại Mỹ. Thế nhưng, sau 3 năm, chiến sự Nga – Ukraine và những biến chuyển trên thị trường năng lượng toàn cầu đã khiến câu chuyện trên chỉ còn là một ký ức xa vời.

Châu Âu quyết tâm "cai" khí đốt của Nga

Giá nhiên liệu tăng vọt và cuộc khủng hoảng năng lượng do liên quan đến căng thẳng Nga – Ukraine làm đảo lộn hoàn toàn các mô hình giao dịch năng lượng toàn cầu vốn được thiết lập từ lâu. Thế thống trị nhiên liệu hóa thạch của Nga tại châu Âu đã bị phá vỡ.

Thị trường châu Âu không còn là điểm đến của các nhà sản xuất dầu khí Nga.

Ở chiều ngược lại, các nhà sản xuất dầu khí của Mỹ từng “lâm nguy” vào năm 2020 nay đã tận dụng được cơ hội để kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ.

Tờ Financial Times nhận định ngay cả khi EU đang cố gắng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch thì nhiên liệu hóa thạch của Mỹ vẫn đang đóng một vai trò không thể thiếu tại lục địa già.

Chỉ vài ngày sau khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra, Bỉ đã công bố REPowerEU – kế hoạch cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga vào cuối năm 2022, thay thế chúng trước năm 2030. Đi cùng với đó là mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng và tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh.

Theo sau đó là các nước phương Tây với hàng loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với ngành năng lượng Nga như cấm nhập khẩu dầu thô Nga qua đường biển hay áp trần giá lên dầu thô Nga ở mức 60 USD/thùng. Đáp lại, Nga cũng mạnh tay siết nguồn cung năng lượng cho châu Âu bằng việc khóa van đường ống dẫn khí đốt và chuyển sang các khách hàng ở châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ.

Nga từng là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của châu Âu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, tính đến năm 2021, Nga đã cung cấp khoảng 150 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm cho châu Âu, đáp ứng được 40% nhu cầu của EU.

Tính đến thời điểm cuối tháng 1/2022, Nga vẫn là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của châu Âu, chiếm tới 31% nhập khẩu dầu thô của khu vực này. Khi đó, Mỹ chiếm 13% và đứng ở vị trí thứ hai.

Trong những tháng đầu tiên khi Nga và EU tung đòn đáp trả lẫn nhau, châu Âu gần như “hoảng loạn” trước cuộc khủng hoảng năng lượng khi nguồn cung khan hiếm đẩy giá dầu lên mức cao kỷ lục.

Tuy nhiên, mùa đông năm ngoái không quá khắc nghiệt trong khi lạm phát khiến nhu cầu sử dụng năng lượng của người dân giảm đi đáng kể đã giúp lục địa già từng bước vượt qua cơn khủng hoảng. Đáng chú ý hơn cả, từ việc phụ thuộc phần lớn vào Nga, nay châu Âu đã có thêm cho mình nguồn cung cấp dầu thô mới từ Mỹ, Na Uy và Kazakhstan.

Mỹ thay Nga “gồng gánh” thị trường châu Âu

Theo thống kê của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, nhập khẩu LNG của châu Âu trong năm 2022 đạt mức cao kỷ lục là 94,73 triệu tấn, trong đó, khoảng 38,86 triệu tấn LNG được nhập từ Mỹ, chiếm 41%.

So với năm 2021, lượng LNG mà Mỹ xuất sang châu Âu đã tăng tới 154%. Nhờ đó, Mỹ trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu tăng 12% so với nửa cuối năm 2021.

Từ việc chiếm 31% trong quý I/2022, Nga chỉ còn chiếm 4% tổng lượng nhập dầu thô của EU. Trái lại, lượng dầu thô xuất khẩu của Mỹ sang châu Âu tăng tới 60% sau khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra. Theo thống kê của Nhà Trắng, số lượng các chuyến hàng khí đốt tự nhiên của Mỹ đến châu Âu trong năm 2022 đã tăng gấp đôi so với năm 2021.

So sánh lượng dầu thô của Mỹ xuất khẩu sang các quốc gia EU trong 2 giai đoạn.

Nhờ châu Âu, xuất khẩu dầu thô của Mỹ đã tăng hơn 10% trong 11 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. Các lô hàng chở dầu thô đạt mức cao kỷ lục lục trong quý cuối cùng của năm ngoái.

Các nhà xuất khẩu dầu của Mỹ còn ký được những hợp đồng cung ứng khí đốt dài hạn với châu Âu. Vào tháng 6, SEFE của Đức – một tổ chức do nhà nước điều hành – đã ký kết hợp đồng với Venture Global LNG – nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ để mua khí đốt trong vòng 20 năm.

Mặc dù Mỹ giúp “xoa dịu” phần nào cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu nhưng rõ ràng lục địa này cũng phải chấp nhận việc mua khí đốt với mức giá “trên trời”. Giá LNG của Mỹ vận chuyển đến châu Âu đắt hơn so với giá khí đốt tự nhiên của Nga.

Theo WSJ, doanh thu xuất khẩu LNG của Mỹ đã tăng lên 35 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1 – tháng 9 năm 2022, từ mức 8,3 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2021.

Công ty dầu khí đá phiến Chesapeake Energy từng phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào đầu năm 2020 khi doanh thu gần như bằng 0. Tuy nhiên, nhờ cuộc chiến Nga – Ukraine, công ty này đã hồi sinh thần kỳ và kiếm được 1,3 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2022.

Nga tìm kiếm khách hàng từ châu Á

Khi “miếng bánh” châu Âu không còn “ngọt”, Nga dần chuyển sang các khách hàng ở khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.

Trung Quốc là một trong những khách mua dầu lớn nhất của Nga.

Trung Quốc tiếp tục là khách hàng mua nhiên liệu hóa thạch (với 80% là dầu thô) hàng đầu của Nga với lượng nhập khẩu đạt 30 tỷ USD tính đến ngày 16/6/2023, theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA).

Ấn Độ cũng là điểm đến lý tưởng của dầu Nga sau khi chiến sự Nga – Ukraine bùng nổ. Lượng dầu thô từ Nga xuất khẩu sang Ấn Độ đã tăng gấp 10 lần so với trước khi cuộc chiến diễn ra.

Tuy nhiên, giá bán dầu Nga cho khách hàng Trung Quốc và Ấn Độ lại ở mức thấp hơn đáng kể so với giá bán trước đó tại thị trường châu Âu. Chính vì thế, theo dữ liệu của Bộ Tài chính, doanh thu từ dầu khí của Nga trong 6 tháng đầu năm 2023 đã giảm 47%, xuống còn 37,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, doanh thu từ việc xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch sang Trung Quốc của Nga đã giảm 210 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2023 xuống còn 178 triệu USD vào 6 tháng đầu năm 2023.

Ấn Độ khó có thể tiếp tục mua dầu thô từ Nga sau khi sức mua đạt đỉnh.

Ngoài doanh thu giảm, có vẻ như Nga còn phải đối mặt với một kịch bản xấu hơn nữa, đó là Ấn Độ có thể đã đạt đỉnh và khó có thể mua thêm.

Ông Janiv Shah, nhà phân tích cấp cao tại Rystad Energy chia sẻ với tờ CNBC rằng: “Ấn Độ sẽ xem xét việc tiếp tục nhập khẩu dầu thô của Nga. Tuy nhiên, có lẽ việc mua dầu thô từ Nga đã đạt đến giới hạn, gây khó khăn cho quyết định có mua thêm hay không”.

Các nhà phân tích tại Kpler cho rằng Ấn Độ khó có thể mua thêm dầu thô của Nga do những hạn chế về cơ sở hạ tầng cũng như nhu cầu giữ mối quan hệ với các nhà cung cấp dầu thô khác trên thế giới. Bloomberg cũng chỉ ra những người mua dầu trên toàn cầu đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung để tránh các vấn đề tiềm ẩn về thanh toán và giao hàng khi có khủng hoảng xảy ra.

Ai là người hưởng lợi?

Câu trả lời là Mỹ. Cuộc chiến Nga – Ukraine đã mang lại cơ hội “có một không hai” cho ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ. Phó chủ tịch S&P Global Daniel Yergin cho hay cuộc chiến này đã giúp Mỹ đã trở lại vị trí thống trị trong lĩnh vực năng lượng trên toàn cầu kể từ những năm 1950.

Trong khi đó, ông Bob McNally, cựu cố vấn Nhà Trắng, hiện đang điều hành Tập đoàn Năng lượng Rapidan khẳng định: “Đối với các nhà xuất khẩu dầu khí Mỹ, đây quả thực là một món quà trời cho”.

Tin mới lên