Cuộc đua giữa hai 'ông lớn' ngành nhựa: Người Thái tạo khác biệt

Thanh Long - 26/09/2019 14:03 (GMT+7)

(VNF) - Trong khi Nhựa Tiền Phong phụ thuộc hoàn toàn vào các đối tác ngoại trong vấn đề nguyên vật liệu đầu vào thì Nhựa Bình Minh đang tiến tới chủ động hoàn toàn nguồn nguyên vật liệu, nhờ nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn SCG (Thái Lan).

VNF
Cuộc đua giữa hai 'ông lớn' ngành nhựa: Người Thái tạo khác biệt

Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong, HNX: TNP) là một trong những doanh nghiệp đứng đầu ngành nhựa với thị phần lớn nhất toàn miền Bắc chiếm khoảng 70% và gần 30% cả nước. Cổ đông lớn nhất của Nhựa Tiền Phong là SCIC với tỷ lệ sở hữu trên 37%.

Tiền thân của Nhựa Tiền Phong là Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong thành lập năm 1960 và chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần năm 2005. Hoạt động kinh doanh chính của công ty là sản xuất các sản phẩm ống nhựa như u.PVC, ống HDPE, ống nhựa PPR và các sản phẩm phụ tùng u.PVC, HDPE, PPR phục vụ cho ngành xây dựng, cấp thoát nước.

Kết quả kinh doanh của Nhựa Tiền Phong tăng trưởng khá ổn định qua các năm. Từ năm 2014 đến năm 2017, doanh thu và lợi nhuận của "ông lớn" này liên tục ghi nhận tăng trưởng. Sang năm 2018, không tránh được xu hướng chung, lợi nhuận của Nhựa Tiền Phong giảm mạnh, dù vậy, doanh thu thuần vẫn tiếp tục tăng trưởng.

6 tháng đầu năm 2019, Nhựa Tiền Phong trở lại đà tăng trưởng khi lợi nhuận trước thuế đạt 251 tỷ đồng, gần gấp rưỡi cùng kỳ năm ngoái; phần lớn nhờ doanh thu tăng tới 20% (đạt 2.489 tỷ đồng), trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 23%.

Kỳ vọng tăng trưởng trong trung, dài hạn của doanh nghiệp nhựa đứng đầu miền Bắc này đang được đặt vào dự án mở rộng nhà máy sản xuất tại Bình Dương và Nghệ An, giúp nâng năng lực sản xuất lên 150.000 tấn/năm. Đáng chú ý, nhà máy mới tại Nghệ An được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp trong đó mức 10% từ 2018-2028 và mức 15% trong các năm sau đó. Đây là một lợi thế giúp công ty tiết kiệm đáng kể chi phí.

Tuy nhiên, vẫn còn đó rủi ro cho Nhựa Tiền Phong.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Sacombank - SBS (SBSC), điểm yếu của Nhựa Tiền Phong là doanh nghiệp này vẫn phải nhập khẩu 100% nguyên liệu nhựa từ các nhà cung cấp nước ngoài, kéo theo đó là rủi ro tỷ giá và rủi ro biến động chi phí đầu vào.

Trên thực tế, việc chi phí nguyên vật liệu tăng mạnh trong năm 2018 đã khiến lợi nhuận của Nhựa Tiền Phong giảm trên 30%, bất chấp doanh thu thuần vẫn tăng nhẹ khoảng 2%.

Điểm yếu của Nhựa Tiền Phong thực ra cũng là điểm yếu chung của các doanh nghiệp nghiệp sản xuất thành phẩm nhựa tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đã có sự thay đổi lớn kể từ khi đối thủ của Nhựa Tiền Phong, Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP), về tay người Thái.

Nhựa Bình Minh thành lập năm 1977, chuyên sản xuất các sản phẩm ống PVC cứng, HDPE (ống gân và ống trơn), phụ tùng ống, bình phun thuốc trừ sâu, nón bảo hộ lao động và các sản phẩm nhựa kỹ thuật khác. Hiện tại thị phần của doanh nghiệp này bao phủ 45% thị trường nhựa miền Nam và chiếm 28% thị trường nhựa cả nước.

"Ông lớn" ngành nhựa này hiện đã trở thành thành viên của Tập đoàn SCG của Thái Lan. SCG hiện tại nắm giữ hơn 50% cổ phần của Nhựa Bình Minh thông qua Nawaplastics Industries.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), việc là công ty con của SCG giúp Nhựa Bình Minh trở thành mắt xích cuối trong chuỗi giá trị ngành nhựa của SCG, bao gồm: Xi măng - Vật liệu xây dựng, Hóa chất ngành hạt nhựa và Bao bì - Nhựa thành phẩm.

"Với việc hưởng lợi từ chuỗi giá trị ngành nhựa trong hệ sinh thái SCG, Nhựa Bình Minh có thể nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty trong điều kiện giá nguyên liệu đang chiếm đến 70-75% cơ cấu giá vốn hàng bán, đồng thời giảm bớt sự ảnh hưởng lớn bởi biến động giá trên thị trường thế giới đối với nguyên vật liệu nhập khẩu của công ty", PHS cho hay.

Sở dĩ Nhựa Bình Minh được hưởng lợi như vậy là bởi Công ty TNHH Nhựa và hóa chất TPC Vina - nhà cung cấp chính nguyên liệu bột nhựa lớn nhất của Nhựa Bình Minh - chính là công ty con của SCG.

Được biết, SCG hiện đang sở hữu 70% vốn điều lệ TPC Vina.

PHS phân tích thêm, trong tình trạng các doanh nghiệp trong ngành nhựa đều phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu vốn chịu rủi ro tỷ giá, việc nhập nguyên vật liệu từ TPC Vina giúp cho Nhựa Bình Minh có được lợi thế so với các đối thủ trong ngành khi tình hình nguyên vật liệu nhập ngoại biến động mạnh.

Bên cạnh đó, SCG còn đang sở hữu 100% dự án hóa dầu Long Sơn, dự kiến hoàn thành 2023. Khi hoàn thành, dự án này hứa hẹn sẽ cung cấp lượng lớn hạt nhựa PVC, HDPE cho Nhựa Bình Minh, góp phần giúp doanh nghiệp này có thể chủ động hoàn toàn nguồn nguyên vật liệu.

Cùng chuyên mục
Tin khác