Cựu CEO Microsoft Vũ Minh Trí kể chuyện khởi nghiệp giáo dục ở tuổi 44
Kim Yến -
18/09/2017 15:00 (GMT+7)
Từ bỏ danh vọng trong làng công nghệ, Vũ Minh Trí bất ngờ chuyển hướng sang khởi nghiệp lĩnh vực giáo dục ở tuổi 44 với hoài bão tạo ảnh hưởng lớn hơn cho các thế hệ tiếp theo.
Vũ Minh Trí là CEO nổi bật trong làng công nghệ, từng đưa Sony Ericsson Việt Nam, Yahoo Việt Nam, Qualcomm Đông Dương và Thái Lan…vượt qua những cơn khủng hoảng, doanh thu tăng trưởng đáng kể. 5 năm tại Microsoft Việt Nam, anh đã tạo cuộc bứt phá ngoạn mục, trở thành công ty tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu của Microsoft.
Sự chuyển hướng bất ngờ của Vũ Minh Trí sang lĩnh vực giáo dục lại một lần nữa cho thấy "cái neo nghề nghiệp" chính là đích đến của đời doanh nhân, vì một tương lai tốt đẹp hơn cho giới trẻ, cho đất nước.
Nói về Microsoft, giới công nghệ còn nhắc mãi đến trường hợp huyền thoại khi Microsoft cứu Apple, một đối thủ đáng gờm nhất trong ngành công nghệ, theo anh, quan niệm về hợp tác hiện nay đã thay đổi thế nào, nhất là trong lĩnh vực công nghệ?
Doanh nhân Vũ Minh Trí: Nhìn vào bức tranh toàn cảnh trong phát triển công nghệ, có thể thấy ranh giới giữa đối thủ và partnership rất mong manh, một người có thể vừa là thù vừa là bạn, từ đó đẻ ra một thuật ngữ mới "Frienemy" trong kinh doanh( kết hợp hai từ Friend và Enemy).
Có thể thấy rất rõ điều này qua trường hợp khi Apple sắp chết, Microsoft nhảy vô cứu vào tháng 8/1997, sau khi quyết định đầu tư khoản tiền 150 triệu USD vào Apple. Nếu Apple chết, tương lai của thị trường máy tính sẽ rất mù mịt.
Microsoft là công ty viết phần mềm, còn Apple làm ra những sản phẩm phần cứng tạo cảm hứng cho người dùng thì mới thấy máy tính là hữu dụng, một ông chết thì ông kia cũng chết theo. Đây là bài toán tạo ra thị trường, hai bên cùng có lợi, chứ không hẳn chỉ là tình bạn.
Trường hợp Qualcomm với các nhà sản xuất chip 3G cũng vậy. Qualcomm có hai mảng kinh doanh chính, một mảng là licensing, bất kỳ ai sản xuất trang thiết bị 3G dựa trên công nghệ WCDMA của Qualcomm đều phải trả bản quyền cho Qualcomm.
Với mảng kinh doanh này, tất cả những "ông lớn" như Mediatek, Nvidia, Broadcom, Apple, Samsung khi sản xuất chip 3G đều là bạn của Qualcomm hết, vì nếu họ bán được càng nhiều hàng thì Qualcomm thu tiền bản quyền càng nhiều. Qualcomm lại có mảng thứ hai là sản xuất và kinh doanh chip, lúc này, Qualcomm lại là đối thủ với mấy con chip của các công ty trên.
Khi là CEO của Việt Nam ở Qualcomm, tôi phải phát triển cả hai mảng kinh doanh đó một cách hài hòa. Ví dụ đối với mảng kinh doanh chipset, khi Samsung không sử dụng chipset của Qualcomm cho các sản phẩm của mình thì chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ những thương hiệu khác có sử dụng Snap Dragon, Nokia chẳng hạn. Lúc này rõ ràng chúng tôi là đối thủ của nhau.
Nhưng đối với mảng licensing, do Samsung chiếm thị phần cao trong phân khúc 3G, nên Samsung lại là đối tác lớn của Qualcomm để phát triển thị trường 3G… Ví dụ này cho thấy trong thời buổi hiện nay, sự cạnh tranh, hợp tác phát triển cùng nhau có một ranh giới rất mờ.
Một câu chuyện khác là sự hợp tác giữa Facebook và Microsoft. Facebook và Microsoft rõ ràng là đối thủ cạnh tranh nhau trong mảng sản phẩm về mạng xã hội trong môi trường doanh nghiệp. Nhưng Facebook lại sử dụng Office 365 của Microsoft cho các hoạt động bên trong công ty mình để gia tăng hiệu suất làm việc. Đứng ở khía cạnh này, Facebook là khách hàng chiến lược của Microsoft.
Khi dịch vụ điện toán đám mây đang phát triển nhanh chóng, chúng ta thấy rất nhiều những vụ mua bán sát nhập nhằm kết hợp những công nghệ nền tảng với nhau để đưa ra những sản phẩm mới. Microsoft mua LinkedIn là một ví dụ.
Với chiến lược xây dựng và cung cấp các dịch vụ Cloud thông minh, Microsoft đã tích hợp LinkedIn vào Dynamic 365 để đưa ra rất nhiêu tính năng mới tận dụng công nghệ và kho dữ liệu khổng lồ của mạng xã hội LinkedIn.
Nhưng rất tiếc tâm lý làm ăn của phần lớn doanh nghiệp Việt còn nhỏ lẻ, có thể hợp tác một hai dự án đầu thành công, nhưng sau đó lại tan rã, nhiều hợp tác đã biến thành thôn tính, mất đi thương hiệu, có hợp tác chỉ là triệt phá lẫn nhau trong cùng chuỗi, cùng hệ thống….?
Trong rất nhiều trường hợp, các doanh nghiệp Việt Nam đang đánh nhau với miếng bánh đang có chứ không phải miếng bánh mới, nên tâm thế "giết nhau", chứ không phải tâm thế làm sao có miếng bánh lớn hơn.
Trở lại câu chuyện của Microsoft, trong buổi họp mặt toàn bộ nhân viên năm 2017, CEO Microsoft đã trình bày 5 công ty có vốn hóa lớn nhất toàn cầu năm 1997, trong đó có Microsoft và các đại gia về nước giải khát và viễn thông.
Năm 2007, nhìn vào danh sách 5 công ty có vốn hóa lớn nhất toàn cầu, xuất hiện thêm mấy ông lớn của ngành dầu khí, các đại gia viễn thông và nước giải khát biến mất, Microsoft vẫn còn ở đó.
10 năm sau (năm 2017), tất cả công ty dầu khí, viễn thông biến mất khỏi top đầu vì không có khả năng phát triển nhanh như các công ty công nghệ. Microsoft vẫn nằm trong tốp đầu vì luôn dấn thân tạo ra những thị trường mới. Nếu chỉ hài lòng với thị trường PC thì dù có chiếm được 100% thị phần, doanh số của Microsoft chỉ dừng lại ở 25 tỷ USD/năm.
Doanh số 1 quý của Microsoft bây giờ đã hơn 25 tỷ USD do Microsoft đang cùng tạo ra một thị trường mới có độ lớn 4,5 nghìn tỷ USD. Thị trường của chuyển đổi số (Digital Transformation) cho tất cả các doanh nghiệp.
Chúng ta có thể thấy, Microsoft, Google, Amazon, Facebook,… đang cạnh tranh nhau quyết liệt trên nhưng trên rất nhiều khía cạnh họ cùng làm việc với nhau để tạo ra và phát triển thị trường này.
Trong lịch sử kinh doanh của Việt Nam, tinh thần hợp tác dường như là một điểm yếu cốt tử đã khiến cho doanh nghiệp mất đi nhiều cơ hội để bật lên, tạo sự đột phá, làm tổn thương đến sức mạnh quốc gia… Anh có thể chia sẻ những bài học quý giá qua những trải nghiệm thực tiễn ngay tại Việt Nam và trên thế giới của Microsoft để xây dựng năng lực partnership cho nhà lãnh đạo?
Đầu tiên hai bên phải có tầm nhìn tương lai cùng nhau. Nếu tầm nhìn khác nhau, một bên muốn có lời liền, một bên lại muốn phát triển đến năm thứ ba thứ năm mới có lời rất lớn thì nhất định không có điểm gặp nhau. Tầm nhìn đến từ người lãnh đạo. Nếu lãnh đạo các bên tầm nhìn không giống nhau thì tan rã là điều báo trước.
Thứ hai khi tầm nhìn giống nhau, hai bên phải thấy "tôi được gì trong hợp tác này?". Tại sao chúng ta lại mạnh hơn khi hợp tác với nhau. Nếu anh tăng trưởng gấp 10, tôi gấp 1 hoặc 2 lần là không vui rồi.
Thứ ba là đóng góp của 2 bên là gì? Nếu không bàn bạc chi tiết thấu đáo từ đầu thì rất dễ dẫn đến tình trạng sau một thời gian hợp tác, một bên hoặc cả hai bên đều cảm thấy bị thiệt và dẫn đến tan rã.
Vì sao đang ở vị trí CEO của một công ty công nghệ lớn nhất nhì thế giới, anh lại đột ngột quyết định chuyển hướng sang giáo dục, và đầu quân cho Nguyễn Hoàng Group mảng đại học và sau đại học?
Tôi bắt đầu vị trí CEO ở rất nhiều công ty công nghệ từ giai đoạn khó khăn nhất, giống như cái bánh xe khổng lồ ấy, nếu không nỗ lực đẩy tới là lại quay lui, nhưng mình quyết không nản, khi có đà rồi thì bánh xe sẽ chạy tốt thôi.
Cách đây 10 năm, tôi đã định hướng "cái neo nghề nghiệp" cho mình là sẽ đi làm cho tới năm 43 hoặc 45 tuổi, sau đó tập trung cho giáo dục, giảng dạy. Năm nay tôi 44 tuổi rồi, tôi nghĩ Microsoft là công việc cuối cùng, kết thúc giai đoạn quan trọng của Microsoft tại Việt Nam, thay đổi hình ảnh tiêu cực trong khách hàng, Chính phủ, định hướng, công việc kinh doanh khó khăn… giờ này tăng trưởng gấp 3 lần, tạo dấu ấn tích cực rất lớn với chính phủ…
Microsoft Việt Nam đang là một trong số ít công ty được lựa chọn xây dựng công nghệ thành phố thông minh ở khắp các tỉnh thành Việt Nam
Nếu tiếp tục ở lại với Microsoft, nhiệm vụ của tôi trong 5 năm nữa là phải chuyển đổi Microsoft thành một công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, giúp doanh nghiệp và nhà nước chuyển đổi số thành công.
Một lựa chọn nữa là đi theo đam mê đó là làm giáo dục. Có cơ hội làm ở những tập đoàn lớn, tôi là người biết rõ bên trong nó xảy ra thế nào? Làm thế nào để thành công. Càng làm tôi càng muốn chia sẻ để giúp cho thế hệ trẻ kiểm soát và thay đổi tương lai. Mọi thứ đều quy về tầm nhìn, làm giáo dục cho tôi cơ hội làm ra lợi ích lớn hơn
Gặp anh Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Group cũng lâu rồi, có dịp làm việc với nhau trong những lãnh vực khác, anh Việt hiểu đam mê của tôi về giáo dục, chúng tôi chia sẻ nhiều hơn, thấy gặp nhau. Càng nói chuyện càng làm cho quyết định của mình chín mùi. Và tôi đã quyết định hợp tác.
Với tôi, lần này không phải là công việc mà nó gần giống một startup, xuất phát từ đam mê và phải làm cho được.
Điều gì quan trọng nhất ở Nguyễn Hoàng Group mà anh có thể cống hiến được sức mình?
Nguyễn Hoàng có cái hay là cung cấp hệ thống giáo dục trọn gói từ mầm non tới đại học, sau đại học… với chương trình giáo dục tiên tiến, phát triển tiếng Anh, bao phủ nhiều phân khúc từ nhà giàu đến nhà không có điều kiện.
Riêng mảng đại học có Đại học quốc tế Hồng Bàng TP. HCM và Đại học Bà Rịa Vũng Tàu, sắp tới có thêm nhiều đại học nữa. Hệ thống PTTH đang chạy tốt, đầu ra chất lượng, rất nhiều học sinh tốt nghiệp lớp 12 được học bổng du học nước ngoài. Hệ đại học còn rất nhiều việc phải làm, tôi muốn tập trung thời gian rút ngắn khoảng cách giữa đại học Việt Nam và quốc tế, để liên thông hệ thống từ mầm non tới đại học, tạo ảnh hưởng lớn hơn.
Làm giáo dục phải có tâm, vì sản phẩm là con người, nếu các em bị hổng phần nào đó trong cuộc đời sinh viên cũng đâu có cơ hội để học lại, phải đem theo lỗ hổng đó cả đời luôn. Mình muốn bắt đầu từ hai trường đại học, hướng tới 100% môn học đều bằng tiếng Anh theo giáo trình đại học quốc tế. Phải bắt đầu từ những chuẩn mực nhỏ nhất để mang lại trải nghiệm quốc tế cho sinh viên.
Về cơ sở vật chất, một công trình kiến trúc độc đáo như con tàu tri thức mới khánh thành, thể hiện rõ thông điệp của nhà đầu tư: Cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên tốt, liên kết các trường đại học nước ngoài bảo đảm tính liên thông…Còn rất nhiều thứ phải làm ngay từ bây giờ.
Hơn lúc nào hết, cuộc cách mạng 4.0 sẽ làm thay đổi toàn bộ ngành giáo dục? Chiến lược của anh như thế nào?
Công nghệ thông tin sẽ thay dổi giáo dục ghê gớm, và thực tế đó đang diễn ra ở Đại học quốc tế Hồng Bàng (HIU) và Đại học Bà Rịa Vũng Tàu (BVU)
Mỗi trường đại học phải tạo điểm nhấn ngành học để xây dựng thương hiệu. Với đại học HIU điểm nhấn sẽ là một số ngành đặc thù liên quan đến cuộc cách mạng 4.0 và khối sức khỏe. Chúng tôi đẩy mạnh hợp tác với các trường hàng đầu trên thế giới để đem những chương trình tốt nhất từ nước ngoài cho những ngành học này.
Chúng tôi đẩy mạnh mảng kỹ năng để hỗ trợ cho mảng hàn lâm. Mình đã từng là sinh viên nên rất hiểu mong ước của sinh viên là được học tập, giảng dạy thế nào. Bao năm làm doanh nghiệp, mình cũng hiểu mong muốn của doanh nghiệp và điểm nghẽn giữa sinh viên mới ra trường và doanh nghiệp. Tôi sẽ tạo môi trường để doanh nghiệp "gặp" trường đại học.
HIU cũng đang triển khai ứng dụng công nghệ Office 365 của Microsoft cho giảng dạy và thư viện điện tử cho sinh viên với số lượng đầu sách lớn nhất nhì Việt Nam. Các công nghệ này sẽ hỗ trợ cho cách dạy và học hiện đại tại trường HIU và cũng giúp liên kết dễ dàng với các trường khác trong và ngoài nước. Nguyễn Hoàng Group đã đầu tư hết các công nghệ nền tảng chỉ cần triển khai tại các trường là đưa vào sử dụng.
CNTT sẽ giúp giao lưu với các sinh viên thế giới, tạo thành phòng học trực tuyến, sinh viên HIU có thể giao lưu với sinh viên thế giới về bất cứ đề tài nào rất dễ dàng từ giảng đường lớn, phòng học nhỏ, thư viện hay ngay cả từ café sách hoặc tại nhà.
Tôi rất may mắn khi nhận được sự đồng lòng của chủ tịch tập đoàn, HĐQT và các thầy hiệu trưởng, để quyết liệt đẩy nhanh hơn, tạo giáo dục tốt hơn. Rất nhiều dự định phải làm liền, nếu không sẽ chậm. Vui lắm vì mọi thứ đều liên quan tới con người, vì con người.
Nhiều hợp tác trong đại học tư thời gian qua ban đầu thì tốt đẹp, nhưng chỉ được hai, ba năm là đổ vỡ như trường hợp Đại học Hoa Sen, Đại học Phan Chu Trinh, anh có lo ngại nhiều không khi hợp tác cùng ông Hoàng Quốc Việt?
Doanh nhân Vũ Minh Trí: Tôi nhận được sự ủng hộ từ tập đoàn rất lớn. Đây là sự hợp tác giữa những con người có cùng tầm nhìn lâu dài chứ không chụp giật. Tôi tin vào tầm nhìn của Nguyễn Hoàng, đây là câu chuyện đầu tư nghiêm túc dài hơi, hai bên gặp nhau ở điều đó…
Việc còn lại bây giờ là của tôi và đội ngũ cán bộ công nhân viên của 2 trường đại học. Tôi sẽ đem đến quản trị đại học chuyên nghiệp và ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng dạy và học. Đội ngũ hiện nay sẽ phải liên tục nâng cấp để thực thi tốt chiến lược phát triển được đề ra cho những năm tới.
Nhiều đại học tư tan vỡ vì nhầm lẫn, không rạch ròi giữa vai trò Giám đốc điều hành (GĐĐH) của đại học và hiệu trưởng, anh nghĩ sao?
Quản trị đại học chuyên nghiệp thường có một GĐĐH hỗ trợ hiệu trưởng quản lý các công việc ngoài chuyên môn. Hiệu trưởng lo vể chất lượng giảng dạy, đội ngũ giáo viên, sản phẩm đào tạo, chương trình đã tốt chưa…còn GĐĐH nhìn trường giống như công ty, bảo đảm tiêu chí tuyển sinh, quan hệ doanh nghiệp, sinh viên ra trường có việc làm, có kỹ năng mềm, có vui chơi giải trí, quản lý cơ sở hạ tầng,…
Hai vị trí này không làm việc đơn lẻ mà phải phối hợp rất chặt chẽ với nhau
Chọn con đường trở thành nhà giáo dục dường như là đích đến của đời doanh nhân, điều này còn ảnh hưởng từ truyền thống của gia đình, nhất là cha anh?
Quyết định của tôi ảnh hưởng rất nhiều từ giáo dục gia đình. Tôi nhớ nhất là mỗi buổi sáng, trước khi ba đi làm, nhà có cái bảng đen rất lớn, ba giao bài cho từng người, chị lớn chỉ bài cho em nhỏ, làm thế nào khi ba về bài vở phải xong xuôi. Cứ theo truyền thống đó chị em tôi gần như không đi học thêm, và đều trở thành học sinh giỏi của trường.
Lúc chưa có trường công, ba lập trường tư tại nhà sử dụng một số giáo trình ba có từ thời Pháp. Ba rất đam mê với giảng dạy, ai không có tiền ba mời về hết để dạy đủ các môn, làm sao giúp cho mọi người biết đọc, biết tiếng Anh, biết làm toán…. Điều đó ảnh hưởng đến tôi sau này.
Nếu muốn đạt được mục tiêu, chính mình phải dấn thân. Không chỉ truyền dạy kiến thức, cha cũng là người rèn cho các con tố chất lãnh đạo và kỹ năng sống cần thiết để trở thành con người có ích.
Cộng hưởng với Nguyễn Hoàng, tôi hy vọng bước đi này sẽ tạo được ảnh hưởng lớn hơn so với các lựa chọn khác và cần rất nhiều người cùng làm, để hiện thực hóa giấc mơ đại học.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone