Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Sau 17 ngày làm việc, đợt I của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV được đánh giá là đã mang đến những màn chất vấn đi vào thực chất. Đáng chú ý, trong lần đầu tiên Tổng kiểm toán Nhà nước tham gia phiên chất vấn của Quốc hội, câu chuyện ba công ty kiểm toán trong nhóm Big4 thực hiện kiểm toán cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nhưng không phát hiện sai phạm đã được đưa ra kèm theo câu hỏi về trách nhiệm của kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Trả lời chất vấn, Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, Ngân hàng SCB là công ty đại chúng nên thuộc đối tượng phải kiểm toán độc lập và trách nhiệm ở vụ việc xảy ra tại SCB thuộc về các doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập.
Liên quan đến trách nhiệm của kiểm toán độc lập, Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam).
- Sau phiên họp Quốc hội vừa qua, câu chuyện của ba công ty kiểm toán trong nhóm Big4 liên quan tới đại án SCB - đại án lớn nhất trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam lại một lần nữa nóng lên, khiến cho dư luật đặt ra câu hỏi về trách nhiệm cũng như yêu cầu về việc đảm bảo tính độc lập trong hoạt động của các công ty kiểm toán. Xin ông cho biết, những yêu cầu này hiện đang được thể hiện trong luật pháp như thế nào?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Đầu tiên, trước khi cáo buộc sai phạm hay lỗi của đơn vị kiểm toán trong các đại án như Ngân hàng SCB, theo tôi, chúng ta cần làm rõ kiểm toán làm gì và vai trò của họ.
Phù hợp với thông lệ và luật pháp, kiểm toán độc lập có ba chức năng chính, nói ngắn gọn, đó là: Thứ nhất, kiểm tra và đánh giá các báo cáo tài chính (BCTC) xem có phù hợp với chuẩn mực kế toán hay không; thứ hai, đánh giá và xác nhận hoạt động tài chính của pháp nhân tuân thủ pháp luật; thứ ba, đánh giá tính hiệu quả về tài chính của pháp nhân, chủ yếu là các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, dù cho việc sử dụng kiểm toán độc lập là trách nhiệm bắt buộc của một số loại hình doanh nghiệp như công ty cổ phần đại chúng hay ngân hàng thì mọi hoạt động kiểm toán vẫn phải dựa trên cơ sở hợp đồng. Có nghĩa rằng, như trong trường hợp Ngân hàng SCB, vấn đề là hợp đồng yêu cầu công ty kiểm toán làm gì trong ba chức năng, nhiệm vụ chính nói trên.
Tôi không có thông tin về các hợp đồng kiểm toán đó nên không thể bình luận cụ thể, nhưng xin nói rằng vụ SCB là một đại án liên quan đến nhiều sai phạm và tội phạm khác nhau về tài chính. Vậy, câu hỏi đặt ra là kiểm toán có tham gia vào tất cả các hoạt động có sai phạm đó không hay chỉ đơn thuần thực hiện một nhiệm vụ cơ bản và tối thiểu, đó là kiểm toán các BCTC để công bố chính thức?
Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở chỗ, một khi các kiểm toán viên kiểm tra, thẩm định và đánh giá thì họ dựa trên thông tin và tài liệu nào, do ai cung cấp và họ có phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin, tài liệu đó hay không? Bởi đó chính là lĩnh vực quản trị ngân hàng hay doanh nghiệp, nó phải minh bạch và trung thực ngay từ đầu, trước khi kiểm toán vào kiểm tra. Do đó, khi phát hành báo cáo kiểm toán, như một cách ứng xử chuyên nghiệp, đơn vị kiểm toán thường ghi rõ việc chịu trách nhiệm đến đâu hay không chịu trách nhiệm về tính xác thực và trung thực của các thông tin và tài liệu nhận được.
Cho nên, để đánh giá tính có liên quan của kiểm toán thì dễ nhưng để xác định hay cáo buộc kiểm toán có sai phạm, cần điều tra, xác minh, thẩm định rất cụ thể và chuyên nghiệp. Quan trọng nhất và cuối cùng, đó phải là kết luận của Toà án. Tôi nói vậy bởi chẳng hạn như trong vụ SCB, đã xác định có tội phạm hối lộ đối với một số cá nhân, giả sử có kiểm toán viên liên quan mà bị cáo buộc tội này thì đó là vấn đề hoàn toàn khác so với sai phạm về thẩm định và đánh giá BCTC, tức liên quan đến nghiệp vụ kiểm toán.
Bàn về tính độc lập của kiểm toán, chắc chắn và rõ ràng rằng đó là yêu cầu quan trọng hàng đầu. Độc lập được hiểu là khi thẩm định, đánh giá và kết luận một vấn đề thì kiểm toán viên chỉ căn cứ vào chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và niềm tin nội tâm của mình, không bị chi phối bởi các yếu tố khác, đối tượng khác cho dù đó là sự cám dỗ, mua chuộc về vật chất hay áp lực từ các mối quan hệ pháp lý, chính trị và xã hội. Cụ thể, kiểm toán viên không buộc nghe lệnh của cấp trên để làm trái với ý chí của mình, kể cả khi bị đe doạ đến an toàn về thân thể, tính mạng và lợi ích vật chất, uy tín của cá nhân và gia đình.
Pháp luật, cụ thể là Luật Kiểm toán độc lập và các luật liên quan khác vừa yêu cầu, vừa đồng thời tạo ra cơ chế hỗ trợ, bảo vệ để các đơn vị kiểm toán và kiểm toán viên thực hành và ứng xử nghề nghiệp như vậy. Chẳng hạn, để độc lập hành nghề thì cá nhân kiểm toán viên phải có đủ trình độ, kinh nghiệm chuyên môn để được đào tạo để công nhận và cấp thẻ, chịu sự giám sát về đạo đức của hội nghề nghiệp sau đó, hay khi tác nghiệp gặp các trường hợp dẫn đến ảnh hưởng đến tính độc lập như xung đột lợi ích thì vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ từ chối, nếu bị ép buộc, đe doạ có tính khủng bố thì có quyền tố giác tội phạm v.v..
Tuy nhiên, qua câu chuyện của ngân hàng SCB, chúng ta phải nhận thấy tính bao trùm rộng lớn của sự việc đi kèm với độ phức tạp của nó cao gấp nhiều lần khía cạnh quản trị tài chính chuyên nghiệp của hoạt động ngân hàng, mà trong đó kiểm toán độc lập BCTC chỉ là một khâu mà thôi. Tôi xin thưa rằng, câu hỏi tiếp theo sau tính độc lập còn quan trọng hơn, đó là toàn bộ hoạt động quản trị doanh nghiệp và kế toán nội bộ có trung thực và minh bạch hay không, để từ đó hình thành lên BCTC cho kiểm toán độc lập thẩm định và đánh giá, xác nhận?
Liên quan đến vấn đề này, chúng ta đều biết rằng, có nhiều cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát không chỉ nội bộ mà còn của ngân hàng cấp trên và các cơ quan chức năng của Nhà nước. Đó là các thiết chế quyền lực được pháp luật trao quyền mà không phải hợp đồng, luôn luôn có quyền can thiệp độc lập vào các hoạt động toàn diện của ngân hàng mà không chỉ là BCTC như chức năng của kiểm toán.
- Về bản chất, các đơn vị kiểm toán độc lập về bản chất cũng là doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận. Liệu rằng, xung đột lợi ích có phải là một nguyên nhân chính dẫn đến các sai phạm không, thưa ông? Theo ông, làm thế nào để đảm bảo rằng các công ty kiểm toán thực sự độc lập và không bị ảnh hưởng bởi các lợi ích từ khách hàng của mình và phải làm sao để ngăn chặn tình trạng cố tình làm sai vì lợi ích?
Tôi hiểu câu hỏi ở đây là các công ty kiểm toán có vì áp lực cạnh tranh của thị trường mà phải chiều lòng khách hàng để làm sai, tức từ bỏ hay hạn chế tính độc lập của mình hay không. Tôi đồng ý đây là vấn đề tế nhị và nhạy cảm, có thể xảy ra và cũng khó kiểm soát. Tuy nhiên, câu trả lời phụ thuộc vào vị thế thị trường, uy tín xã hội và chất lượng quản trị nội bộ của các công ty kiểm toán.
Về phía các doanh nghiệp, bao gồm cả ngân hàng, tức là khách hàng kiểm toán, rất có thể nhiều khi họ chỉ coi kiểm toán là nghĩa vụ phải tuân thủ theo pháp luật mà không phải là thành tố cần thiết của quản trị minh bạch và chuyên nghiệp. Do đó, họ có thể lấy “lợi ích” để mua chuộc các công ty hay kiểm toán viên, sử dụng họ như tấm bình phong để che đậy những điểm khuất tất, bất lợi của doanh nghiệp.
Mặc dù đó là thực tế, nhưng tôi tin và cũng biết rằng nhiều công ty kiểm toán và kiểm toán viên không hành xử theo cách dễ dãi, vi phạm chuẩn mực đạo đức và vì lợi ích ngắn hạn như vậy, đặc biệt là các công ty lớn có uy tín, các kiểm toán viên có tên tuổi.
Hơn nữa, chúng ta cũng cần phân biệt rõ giữa công ty kiểm toán và các kiểm toán viên là nhân viên của họ. Có thể công ty không có chủ trương làm sai nhưng cá nhân kiểm toán viên thì chưa chắc vậy. Trong trường hợp đó, vấn đề không chỉ là kiểm soát nội bộ mà còn là thị trường lao động. Chẳng hạn, một công ty kiểm toán nước ngoài vốn có uy tín tốt và quản trị nghiêm minh nhưng phải thuê lao động địa phương là các kiểm toán viên, trong khi chất lượng đào tạo và sát hạch kiểm toán viên lại chưa cao.
Do đó, biện pháp khắc phục vấn đề này, theo tôi, cần đa dạng và đồng bộ.
Trước hết, cần tăng cường chất lượng trình độ kiểm toán viên vì họ mới là hạt nhân của câu chuyện.
Thứ hai, cần có cơ chế theo dõi, giám sát tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của các kiểm toán viên cũng như các tổ chức kiểm toán một cách sát sao và thường xuyên thông qua các hội nghề nghiệp.
Thứ ba, bên cạnh kiểm toán độc lập thì cần củng cố và tăng hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế kiểm tra, giám sát khác về hoạt động tài chính của các cơ quan chức năng của Nhà nước đối với nhóm doanh nghiệp đặc thù, có sở hữu và lợi ích công, bao gồm các ngân hàng thương mại và các công ty cổ phần đại chúng, doanh nghiệp ghi danh trên sàn chứng khoán.
Cuối cùng, tôi cho rằng truyền thông độc lập và chuyên ngành để đưa tin, phân tích và cảnh báo đóng vai trò rất quan trọng.
- Hiện tại, trách nhiệm pháp lý của các công ty kiểm toán độc lập thiên về xử lý trách nhiệm hành chính như phạt tiền hay rút giấy phép hành nghề với đối với kiểm toán viên. Ông/bà đánh giá như thế nào về hệ thống quy định và luật pháp hiện hành về trách nhiệm của kiểm toán nói chung và kiểm toán độc lập nói riêng ở Việt Nam? Liệu có cần thêm sự giám sát và cơ chế nặng tay hơn hay không?
Tôi không có quan điểm và cách tiếp cận cho rằng cứ tăng nặng các chế tài xử phạt thì sẽ giảm bớt được tiêu cực, sai phạm và tội phạm. Biện pháp này có thể có tác dụng ít nhiều một cách nhất thời nhưng rất ngắn hạn và không cơ bản.
Xét về khung pháp luật, chúng ta đã có nhiều đổi mới, cập nhật và hoàn thiện theo hình mẫu và kinh nghiệm của thế giới ở mức khá đầy đủ, bao gồm cả các chế tài. Điển hình nhất là các pháp luật về xử lý trách nhiệm hình sự, vốn đã và đang được áp dụng khá thường xuyên với các mức xử phạt khá nặng so với thông lệ chung. Tuy nhiên, có lẽ hiệu quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng. Hiện nay, sau những sự vụ như ngân hàng SCB, cả hệ thống chính trị đang vào cuộc để xử lý không chỉ đối với các tội phạm đã có mà còn đề ra các biện pháp đồng bộ và toàn diện có tính ngăn chặn cho tương lai.
Riêng cá nhân tôi, là một luật sư, là người hành nghề chuyên nghiệp độc lập như kiểm toán, cũng có cách nhìn riêng. Đó là hai khó khăn hay tồn tại cần khắc phục.
Thứ nhất, đó là tình trạng tội phạm có tổ chức đã đến mức báo động mà đại án SCB là điển hình. Ở mức độ đó, tội phạm đã đứng trên pháp luật và mọi cơ chế kiểm tra, thanh tra và giám sát thông thường. Cho nên, Nhà nước cần có giải pháp với các biện pháp khẩn cấp và công cụ đặc biệt để xử lý vấn để này nhằm loại trừ và ngăn chặn.
Thứ hai, đối với nghề chuyên nghiệp, tổ chức không quan trọng bằng các cá nhân. Điều này nghĩa là, cần củng cố chất lượng hoạt động của các hội đoàn nghề nghiệp mà các kiểm toán viên bắt buộc là hội viên, theo tinh thần các hội viên tự theo dõi, giám sát lẫn nhau. Tuy nhiên, trên tất cả, đó không phải là mục tiêu chủ đạo, mà quan trọng hơn các hội đoàn là nơi sinh hoạt, giao lưu công việc, nơi tôn vinh phẩm chất đạo đức và danh dự cá nhân, nơi tìm kiếm hạnh phúc nghề nghiệp nữa, của các kiểm toán viên.
Nếu làm được hai điều có tính thiết yếu này, tôi cho rằng, môi trường kinh tế, tài chính của doanh nghiệp mà chúng ta đang trải qua sẽ có bước chuyển biến tích cực.
- Ngoài trách nhiệm pháp lý, các công ty kiểm toán còn phải tuân thủ các chuẩn mực đạo đức và nghề nghiệp nào? Việc tuân thủ này có được giám sát và kiểm tra thường xuyên không?
Đối với kiểm toán viên hay kể cả luật sư cũng vậy, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp chính là trách nhiệm pháp lý. Theo tôi biết, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên không phải là quy chế nội bộ của các hội nghề nghiệp về kiểm toán mà do Bộ Tài chính ban hành. Điều đó có nghĩa rằng nó có tính pháp quy, có thể cưỡng chế thi hành.
Cụ thể, một kiểm toán viên vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp sẽ bị xử lý không chỉ theo quy chế nội bộ của hội nghề nghiệp có liên quan mà còn có thể bị xử lý bằng các chế tài luật pháp như hành chính và hình sự. Họ có thể bị rút thẻ hành nghề, bị cảnh cáo hay xử phạt tiền, thậm chí bị truy tố về hình sự.
Về khâu thực thi, rất tiếc tôi không có thông tin về các cơ chế giám sát nội bộ của các hội nghề nghiệp của kiểm toán viên. Tuy nhiên, để củng cố hiện trạng theo hướng này, tôi cho rằng đó chính là các đầu mối về tổ chức mà các cơ quan chức năng của Nhà nước như Bộ Tài chính cần sử dụng để cùng theo dõi, giám sát và phối hợp hành động.
- Trên thế giới, trong các vụ bê bối tài chính đã xảy ra trên thế giới đều có sự tiếp tay của các công ty kiểm toán, giúp các ông chủ làm đẹp sổ sách, che giấu những thực trạng xấu của doanh nghiệp nhằm qua mắt cơ quan chức năng và nhà đầu tư. Xin ông cho một vài bình luận về câu chuyện này và chia sẻ thêm thông lệ quốc tế khi áp chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập.
Chúng ta đều biết một sự vụ pháp luật và sự cố nghề nghiệp điển hình là Công ty Kiểm toán Arthur Andersen, một trong năm công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, đã phải ngừng hoạt động do liên quan và là tác nhân của vụ phá sản Tập đoàn Enron ở Hoa Kỳ. Qua sự vụ đó, tôi tin tất cả con người trên thế giới đều rút ra được một bài học rằng không có gì là tuyệt đối và vĩnh cửu. Mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Tôi không nói rằng các công ty kiểm toán hàng đầu không có trình độ, kinh nghiệm hay độ tin cậy về quản trị nội bộ và tiêu chuẩn đạo đức, mà vấn đề và rủi ro nhằm ở thuộc tính cá nhân của con người, tức các kiểm toán viên khi hành xử nghề nghiệp. Khi sự vụ được coi là gian lận về kiểm toán nơi trên xảy ra, nó đã được xử lý và chịu chế tài nặng nhất cả về pháp luật và thị trường. Các cá nhân có liên quan chịu án tù, còn Công ty Kiểm toán Arthur Andersen đã phải rút lui khỏi thị trường bởi mất hết uy tín.
Rủi ro của nghề kiểm toán chính là vậy. Tuy nhiên, điều trớ trêu và đáng tiếc là sai phạm của một số cá nhân có thể dẫn đến sụp đổ của cả một tập đoàn doanh nghiệp. Do đó, tôi xin nhấn mạnh lại giải pháp căn cơ, đó chính là củng cố không ngừng trình độ nghề nghiệp và chuẩn mực đạo đức của kiểm toán viên.
Và ngoài biện pháp giám sát qua hội đoàn như đã đề xuất thì vấn đề tăng cường quản trị nội bộ của các công ty kiểm toán cũng rất quan trọng. Thực tế cho thấy, ngay sau vụ Arthur Andersen xảy ra, cùng với hoàn thiện và siết chặt các quy chế về kế toán và kiểm toán, hầu hết các công ty kiểm toán trên thế giới đã đều có các động thái này.
Ngoài ra, xin lưu ý rằng để phát triển doanh nghiệp, các công ty kiểm toán đã và đang mở rộng sang các dịch vụ “bán kèm” là tư vấn về tài chính và pháp luật. Họ có lợi thế để làm như vậy nhưng ngược lại cũng làm tăng rủi ro và tính chịu trách nhiệm về nghề nghiệp, bởi yếu tố xung đột lợi ích. Trong sự vụ Athur Andersen cũng có yếu tố như vậy, là vấn đề rất nhạy cảm.
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.