Đại gia Tasco gặp vận khó: BOT lùm xùm, nhà đất hụt thu
H.Tú -
04/08/2018 15:54 (GMT+7)
Doanh nghiệp Tasco của ông Phạm Quang Dũng đang bước vào một giai đoạn khó khăn ở cả 2 mảng gồm các dự án BOT giao thông và bất động sản. Kinh doanh không còn thuận lợi và dễ dàng như những gì mà lãnh đạo doanh nghiệp mong muốn.
Những dự án BOT “gà đẻ trứng vàng” như thu phí tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc, vốn giúp lợi nhuận của Tasco tăng hàng chục lần năm 2014 giờ liên tục bị người dân phản đối. BOT Mỹ Lộc có dấu hiệu lặp lại sự cố ở Tân Đệ, liên tục phải xả trạm do tài xế tập trung phản đối trạm thu phí. Trong khi đó, nguồn thu từ nhà đất cũng sụt giảm đáng kể.
Dấu hiệu sụt giảm
Công ty Cổ phần Tasco (HUT) vừa có báo cáo giải trình kết quả kinh doanh quý II năm 2018 hợp nhất với doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, giảm tương ứng 28,4% và 33,3% xuống chỉ còn 294 tỷ đồng và 33,5 tỷ đồng.
Nguyên nhân được Tasco đưa ra khiến doanh thu giảm là vì chưa bàn giao hết sản phẩm bất động sản cho khách hàng và công ty chuyển đổi định hướng sản xuất kinh doanh từ hoạt động xây lắp sang lĩnh vực đầu tư. Do đó, lợi nhuận sau thuế giảm theo.
Doanh thu và lợi nhuận của Tasco liên tục ở mức thấp và có xu hướng giảm trong nhiều năm qua. Gần đây, đại gia Tasco cũng chia tay dự án BOT. Các chỉ số tài chính cho thấy kinh doanh BOT không còn mấy hấp dẫn.
Kết quả kinh doanh Tasco bắt đầu giảm mạnh và gây bất ngờ từ quý II và III/2017 với doanh thu thuần quý III chỉ còn 380 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ. Lợi nhuận chỉ còn 43 tỷ, không còn ở mức “trăm tỷ” như các quý trước đó.
Đây cũng là thời điểm giá cổ phiếu HUT bắt đầu giảm mạnh, từ mức trên 12.000 đồng/cổ phiếu, xuống chỉ còn 5.500 đồng/cổ phiếu như hiện tại. Giá cổ phiếu tụt giảm sâu xuống dưới so với giá sổ sách (hiện ở mức 12.800 đồng/cổ phiếu).
Trước đó, đại gia trong lĩnh vực các dự án BOT - Tasco là một cái tên đình đám trên sàn chứng khoán với hàng loạt quỹ đầu tư trong và ngoài nước có mặt như: PYN Elite Fund, Windstar Resource Limited, Vinacapital, Lucerne Enterprise Ltd, Asean Smallcap Fund, VOF,...
Tasco được biết đến như "ông trùm" trong lĩnh vực các dự án BOT, chuyên xây dựng các tuyến đường giao thông, sau đó thu phí. Tasco sở hữu hàng loạt dự án BOT, BT như dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 đoạn qua thành phố Hài Phòng; dự án xây dựng cải tạo nâng cấp quốc lộ 1; Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 đoạn qua tỉnh Thái Bình; dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc,...
Việc đầu tư vào các dự án này đã đem lại cho Tasco một khoản lợi nhuận lớn. Riêng trong năm 2014, Tasco bứt phá với khoản lãi gần 260 tỷ đồng, gấp 21 lần lợi nhuận của năm 2013. Khoản lợi nhuận tăng đột biến nhờ dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc đưa vào vận hành và thu phí.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh và hướng đi của Tasco đã có nhiều thay đổi. Các quỹ ngoại dường như cũng không còn tỏ ra mặn mà đối với cổ phiếu này. Có những dấu hiệu cho thấy các quỹ bắt đầu rút ra. Vinacapital hồi đầu thág 6 đã bán ra 500.000 cổ phiếu HUT, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn hơn 6,7 triệu đơn vị (2,68%).
Hồi cuối tháng 6, Tasco cũng đã phải nhượng 70% vốn điều lệ công ty con duy nhất thuộc ngành điện cho đối tác ngoại. Tasco bán 70% cổ phần tại Công ty Cổ phần Tasco Năng lượng (vốn 420 tỷ đồng) cho đối tác ngoại là Công ty Risen Energy (Hongkong) Co., Limited.
Bất động sản không dễ ăn
Tasco phát triển chiến lược trong giai đoạn 2016-2020 hướng vào đầu tư bất động sản (BĐS) theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng (đầu tư các dự án BT hạ tầng giao thông). Tasco đầu tư lớn vào lĩnh vực bất động sản với lợi thế là quỹ đất đối ứng từ các dự án giao thông.
Hàng loạt dự án bất động sản của Tasco thu hút sự quan tâm của dư luận như: dự án Foresa Villa (khu nhà ở sinh thái Xuân Phương rộng 38ha), dự án văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp 48 Trần Duy Hưng, dự án đầu tư xây dựng nhà ở South Building - Pháp Vân, dự án Xuân Phương Residence...
Tuy nhiên, việc triển khai có vẻ không được thuận lợi như dự kiến. Hà Nội gần đây đã đưa ra các giải pháp để xử lý những sai phạm về trật tự xây dựng cũng như quy hoạch tại các dự án của TASCO trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, ở cả Xuân Phương Residence và Foresa Villa.
Tasco cũng từng thừa nhận 2017 là một năm đầy thách thức của công ty và mảng kinh doanh bất động sản không đạt kỳ vọng, ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh chung. Doanh thu và lợi nhuận của Tasco đều giảm 28% so với năm trước và chỉ đạt khoảng 66% kế hoạch năm.
Trong năm 2017, công ty vẫn chưa bán hàng dự án Foresa Mỹ Đình như dự kiến. Thủ tục điều chỉnh quy hoạch 1/500 kéo dài so với dự kiến, dẫn đến tiến độ toàn dự án bị chậm. Có dự án chưa ký được hợp đồng mua bán với khách hàng.
Cùng với những khó khăn ở BOT Đông Hưng, Quốc lộ 10 Hải Phòng (vướng mặt bằng), BT 39 (chưa quyết toán xong), thu phí không dừng VETC (khó khăn lặp đặt thiết bị), giá thành tăng cao,... Tasco đặt mục tiêu tài chính năm 2018 khá khiêm tốn, doanh thu giảm so với 2017 xuống còn 2,1 ngàn tỷ đồng, lợi sau thuế giảm 30,5% xuống 207 tỷ đồng.
Mảng đầu tư BOT hạ tầng giao thông được cho là có độ an toàn cao do được vay ngân hàng nhiều (80-85%), thu được tiền tươi từ phí, doanh nghiệp không lo lắng về dòng tiền. Tuy nhiên, mảng kinh doanh “gà để trứng vàng” này giờ không còn dễ như trước, khi liên tục gặp sự phản đối gay gắt từ người dân.
Lĩnh vực y tế cũng là mảng mới của Tasco. Năm 2015, Tasco đã cùng Bộ Y tế đầu tư Bệnh viện mắt Hà Nội 2 (hoạt động từ 4/2017). Tasco đang có kế hoạch hợp tác với bệnh viện Nhi và bệnh viện Phụ sản Trung ương đầu tư các dự án mới tại Pháp Vân.
Tuy nhiên, kết quả cũng chưa phản ánh vào các báo cáo của doanh nghiệp.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone