Đại gia vận tải Phú Yên tiếp tục vay tiền Chủ tịch

Phương Đông - 23/01/2019 18:05 (GMT+7)

Thuận Thảo vay thêm 7,5 tỷ đồng từ bà Võ Thị Thanh do chưa thể tiếp cận nguồn từ các tổ chức tín dụng.

VNF
Bà Võ Thị Thanh - Chủ tịch HĐQT Thuận Thảo

Báo cáo tài chính vừa được Công ty cổ phần Thuận Thảo (HoSE:GTT) công bố ghi nhận hai giao dịch trọng yếu với bên liên quan trong quý cuối năm 2018 là vay thêm 7,5 tỷ đồng và sau đó trả tiền gốc 750 triệu đồng cho Chủ tịch HĐQT Võ Thị Thanh. Điều này cho thấy công ty vẫn chưa thể tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng như kế hoạch đề ra.

Tại thời điểm cuối năm, Thuận Thảo đang nợ bà Thanh hơn 33 tỷ đồng. Phân nửa trong số này là các khoản vay cá nhân không tính lãi, còn lại là nợ tiền cổ tức, lương và thù lao.

Ngoài ra, công ty còn nợ tiền lương và thù lao của sáu cổ đông sáng lập với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng. Hầu hết trong số này đều là người thân của bà Thanh. Dù vậy, đây cũng chỉ là một phần nhỏ trong số nợ phải trả lên đến 1.542 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nợ của doanh nghiệp này là vay tài chính và chi phí phải trả ngắn hạn.

Vay nợ lớn khiến Thuận Thảo phải đối mặt áp lực tài chính suốt nhiều năm qua. Lũy kế lợi nhuận gộp bán hàng và dịch vụ năm 2018 đạt hơn 10 tỷ đồng, nhưng chưa tính đến chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp thì riêng chi phí lãi vay ngân hàng đã "ăn mòn" toàn bộ số tiền này.

Hoạt động kinh doanh bết bát khiến chuỗi thua lỗ của Thuận Thảo kéo dài sang năm thứ 5 liên tiếp, nâng tổng lỗ sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm lên 1.241 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu bị âm gần 800 tỷ đồng.

Hồi giữa năm, phía kiểm toán đã đưa ra ý kiến nhấn mạnh khoản lỗ mới phát sinh cộng thêm nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, khoản cho vay quá hạn thanh toán và nợ đến hạn trả hơn 1.200 tỷ đồng... dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Tuy nhiên, phản hồi ý kiến này, ban lãnh đạo Thuận Thảo cho biết đang làm việc với các nhà đầu tư để chuyển nhượng tài sản của các dự án để trả nợ cho ngân hàng, nợ thuế, nợ cá nhân. Công ty cũng làm việc với đơn vị mua bán nợ, xây dựng chiến lược trung và dài hạn cho việc tái cơ cấu tài chính, từng bước duy trì khả năng kiểm soát hoạt động kinh doanh...

Thuận Thảo dự kiến phát triển chuyên sâu lĩnh vực dịch vụ ăn uống, giải trí, nhà hàng - khách sạn... nhằm khai thác lợi thế độc quyền tại Phú Yên. Đồng thời, đánh giá mức độ xuống cấp của các công trình hiện tại để cải tạo và quy hoạch lại tránh trùng lắp.

"Với những biện pháp này, rủi ro về thanh khoản sẽ được kiểm soát và cải thiện. Do đó, việc sử dụng giả định hoạt động liên tục trong việc lập báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm là phù hợp", Phó Tổng giám đốc Võ Hoàng Chương từng cho hay.

Dấu hiệu tụt dốc của Thuận Thảo xuất hiện từ khoảng năm 2009, sau khi chuyển từ mô hình doanh nghiệp vận tải lên thành công ty trách nhiệm hữu hạn và tiếp đến là công ty cổ phần. Đây cũng là giai đoạn hoàng kim khi vốn điều lệ tăng "thần tốc" để mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực mới như dịch vụ lữ hành, bất động sản và nghỉ dưỡng.

Nhờ lợi thế sở hữu quỹ đất 337.000 m2 nằm ngay trung tâm thành phố Tuy Hòa, cộng với việc sáp nhập cùng lúc hai công ty hoạt động trong lĩnh vực địa ốc và du lịch nên Thuận Thảo nhanh chóng triển khai hàng loạt dự án lớn với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, chính quyết định mạo hiểm này đã khiến Thuận Thảo sa lầy.

Điển hình trong số những dự án từng được Thuận Thảo "ôm mộng" lãi trăm tỷ là khách sạn 5 sao đầu tiên và duy nhất của Phú Yên hiện nay. Công trình gồm 218 phòng ngủ hạng sang, kèm nhiều công trình phụ trợ như hồ bơi, phòng họp hiện đại... được đánh giá là nguyên nhân chính gây nên tình trạng sử dụng vốn vay quá lớn và kéo giảm tỷ suất lợi nhuận của công ty.

Đầu năm 2018, Ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Tài đã rao bán khoản nợ xấu hơn 2.300 tỷ đồng tại Thuận Thảo Nam Sài Gòn – một công ty cũng do bà Võ Thị Thanh làm Chủ tịch HĐQT, nhưng qua nhiều lần điều chỉnh giá khởi điểm vẫn chưa có người mua. Khoản vay được đảm bảo bằng trụ sở công ty tại quận 1, hai khu đất với tổng diện tích 22 hecta tại huyện Bình Chánh và hơn 5 triệu cổ phiếu GTT.

Doanh nghiệp này cũng có tham vọng lấn sân bất động sản khi ráo riết vay mượn vốn ngân hàng, đối tác để phát triển dự án nhà ở xã hội Tây Sài Gòn. Sau BIDV Phú Tài, Thuận Thảo Nam Sài Gòn ký hợp đồng vay 400 tỷ đồng từ Thuận Thảo với thời hạn một năm và lãi suất 14,4% nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán.

Chính bà Võ Thị Thanh có thời điểm phải thừa nhận mất khả năng thu hồi và trích lập dự phòng cho toàn bộ khoản vay này. Nguồn vốn theo đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau cú sảy chân vào bất động sản, dẫn đến tình trạng không còn vốn lưu động để sản xuất và tình hình tài chính mất cân đối.

Theo VNE
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.