Tài chính quốc tế

Dân 'vung tiền' ăn chơi Tuần lễ vàng, Trung Quốc thu về hơn 100 tỷ USD

(VNF) - Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh và Trung thu kéo dài tới 8 ngày vừa qua ở Trung Quốc đã thúc đẩy người dân mạnh tay chi tiêu, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ như du lịch.

Dân 'vung tiền' ăn chơi Tuần lễ vàng, Trung Quốc thu về hơn 100 tỷ USD

Ảnh minh hoạ.

Năm nay, kỳ nghỉ Trung thu của Trung Quốc rơi vào ngày 29/9, chỉ 2 ngày trước kỳ nghỉ Quốc Khánh diễn ra vào ngày 1-6/10. Điều này có nghĩa là “tuần lễ vàng” năm nay tại Trung Quốc kéo dài tổng cộng 8 ngày, giúp mọi người có nhiều thời gian hơn để đi du lịch.

Đáng chú ý, đây cũng là Kỳ nghỉ Quốc Khánh đầu tiên của Trung Quốc kể từ khi bỏ mọi chế độ về đại dịch Covid-19. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi người dân Trung Quốc, vốn nổi tiếng là "chịu chi", sẵn sàng "vung tiền" để tận hưởng kỳ nghỉ lễ dài ngày.

Trước tuần lễ vàng, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cũng đã công bố kế hoạch kích thích ngành du lịch nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế sau Covid. Kế hoạch này bao gồm hỗ trợ cho ngành du lịch nội địa cũng như các biện pháp thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài hơn.

Điều này đã khiến kỳ nghỉ lễ kéo dài 8 ngày trong năm nay trở thành tuần lễ vàng bận rộn nhất trong nửa thập kỷ tại quốc gia tỷ dân.

Du lịch bùng nổ

Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cho biết dự kiến ​​​​"tuần lễ vàng" năm nay sẽ mang lại doanh thu 782,5 tỷ NDT (107,4 tỷ USD) cho ngành du lịch nội địa.

Theo đó, thành phố Bắc Kinh đã đón 6,8 triệu du khách trong 3 ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, trong khi tỉnh Quảng Đông ở phía nam đất nước cho biết 150 danh lam thắng cảnh lớn của họ đã đón được khoảng 7,8 triệu du khách trong cùng thời gian.

Theo Bộ Văn hóa và Du lịch, 826 triệu chuyến đi nội địa đã được thực hiện trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 8 ngày, tăng 71,3% so với năm trước và cao hơn 4,1% so với thời điểm năm 2019 - khi đại dịch Covid-19 chưa xuất hiện.

Doanh thu du lịch nội địa đạt 753,43 tỷ NDT, tăng 129,5% so với năm ngoái nhưng chỉ tăng 1,5% so với mức năm 2019.

Chỉ riêng trong ngày 2/10 - tức ngày thứ 4 của kỳ nghỉ lễ, số liệu từ Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc ước tính các tuyến đường sắt, đường bộ, đường thủy và máy bay của đất nước đã vận chuyển 53,4 triệu hành khách, tăng 56,4% so với số liệu cùng ngày của kỳ nghỉ lễ năm 2022.

Trong đó, các tuyến đường thủy của Trung Quốc ​​vận chuyển 1,5 triệu khách du lịch, tăng 114,2% so với cùng kỳ năm ngoái; 1,98 triệu hành khách di chuyển trên các chặng bay nội địa và quốc tế, tăng 221% so với năm 2022. Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc cho biết hệ thống đường sắt của nước này vận chuyển khoảng 16,4 triệu hành khách vào ngày 2/10, tăng 175,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết các con đường chính của đất nước, đặc biệt là những con đường gần các điểm đến nổi tiếng, có lưu lượng giao thông vô cùng đông đúc trong những ngày nghỉ lễ.

Chi tiêu tăng vọt

Dữ liệu do gã khổng lồ dịch vụ Meituan của Trung Quốc công bố cho thấy chi tiêu trung bình hàng ngày cho dịch vụ và bán lẻ tăng 153% trên khắp Trung Quốc trong tuần lễ vàng, trong khi mức tiêu thụ dịch vụ ăn uống tại nhà hàng tăng 254% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong số tất cả các thành phố của Trung Quốc, Thượng Hải, Bắc Kinh, Thành Đô, Trùng Khánh và Thâm Quyến chiếm 5 vị trí hàng đầu về tổng lượng chi tiêu, trong khi một số điểm đến du lịch nổi tiếng khác như Linzhi (Lâm Chi) của Tây Tạng và Sán Vĩ của Quảng Đông – có mức tăng trưởng cao nhất về lượng đặt khách sạn.

Trong bảy ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, doanh thu bán hàng của các công ty bán lẻ và cung cấp dịch vụ ăn uống quan trọng – được Bộ Thương mại theo dõi – đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tại các con phố mua sắm lớn trên cả nước, lượng người tiêu dùng tăng 94,7%.

Fliggy, nền tảng du lịch trực tuyến trực thuộc Tập đoàn Alibaba, cho biết mức độ phổ biến của các tour du lịch tự lái tăng đáng kể trong kỳ nghỉ lễ, với đơn đặt thuê xe tăng hơn 4,6 lần so với năm 2019. 

Tại Hải Nam, một trung tâm du lịch nhiệt đới và "thánh địa" mua sắm miễn thuế ở phía nam Trung Quốc, doanh số bán hàng miễn thuế đạt tổng cộng 1,01 tỷ NDT (140,24 triệu USD) trong giai đoạn 29/9-4/10. Con số này thể hiện sự gia tăng 94,2% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu do Hải quan Hải Khẩu công bố.

Tổng số người mua sắm đạt 130.000, tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà cung cấp dữ liệu ngành điện ảnh Dengta cho biết tính đến trưa 6/10, doanh thu phòng vé Trung Quốc trong tuần lễ vàng đã vượt 2,6 tỷ NDT, tăng mạnh so với mức 1,5 tỷ NDT năm ngoái, dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình 4,3 tỷ NDT trong giai đoạn 2019-2021. 

Chưa thể tạo đà tăng trưởng dài hạn

Mặc dù ghi nhận những con số hết sức khả quan trong năm nay, nhưng kỳ nghỉ tuần lễ vàng của Trung Quốc vẫn chưa thể tạo ra động lực rõ rệt cho nền kinh tế đang chậm lại này.

Theo một lưu ý từ công ty dịch vụ tài chính DongWu Securities, mức tiêu dùng trong kỳ nghỉ lễ vừa qua "chưa có tác động lan tỏa" tới tiêu dùng bất động sản và chưa đủ mạnh để thay thế các "trụ cột" kinh tế khác.

Nhà kinh tế trưởng Trung Quốc Lu Ting của Nomura cảnh báo rằng sự bùng nổ tiêu dùng có thể hạ nhiệt sau kỳ nghỉ lễ, do nhu cầu dịch vụ trực tiếp bị dồn nén giảm dần.

Ông Lu nhận định: “Trong tương lai, khi các trường học mở cửa trở lại và mùa hè sắp kết thúc, có vẻ như đà phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ có thể lại mất đà, đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng”.

Xem thêm >> Trung Quốc đổ hàng trăm tỷ USD vào 'át chủ bài' từng vực dậy nền kinh tế sau khủng hoảng năm 2008

Tin mới lên