Tài chính quốc tế

'Mang sản xuất về quê nhà': Bốn cú sốc làm nảy sinh xu hướng kinh tế mới

(VNF) - Gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cùng nhiều bất ổn về địa chính trị trên toàn cầu đã góp phần tạo ra một xu hướng mới, đó là "xu hướng kinh tế hướng nội".

'Mang sản xuất về quê nhà': Bốn cú sốc làm nảy sinh xu hướng kinh tế mới

Xu hướng "kinh tế hướng nội" liệu có thể thay thế cho "toàn cầu hóa"?

Trong nhiều thập kỷ qua, toàn cầu hóa đã trở thành bệ đỡ cho sự thành công của nhiều nền kinh tế trên toàn cầu, thúc đẩy thương mại giữa châu Á và phương Tây. Thế nhưng, sau những sự kiện quan trọng như Anh rời khỏi Liên minh châu Âu hay cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, quá trình toàn cầu hóa đã chậm lại.

Giữa lúc này, một xu hướng thay thế toàn cầu hóa dần được nhen nhóm, đó là xu hướng “kinh tế hướng nội”. Nói một cách dễ hiểu, kinh tế hướng nội chính là “mang sản xuất về quê nhà” nhằm giảm thiểu những rủi ro từ biến động thất thường của thị trường, cú sốc đại dịch hay những bất ổn về tình hình địa chính trị.

Theo Economist, kinh tế hướng nội thực chất là phản ứng của các quốc gia trước 4 cú sốc, bao gồm cú sốc kinh tế, bất ổn địa chính trị, năng lượng và trí tuệ nhân tạo.

Thay vì phụ thuộc vào các nước khác, nhiều quốc gia lựa chọn "kinh tế hướng nội".

Nếu như cuộc khủng hoảng tài chính 2007 – 2009 chỉ phần nào làm lung lay xu hướng toàn cầu hóa thì suy thoái toàn cầu năm 2020 đã khiến niềm tin về toàn cầu hóa sụp đổ. Đại dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, biến một hệ thống trước đây có vẻ như hiệu quả và thuận tiện trở thành nguồn gốc của sự bất ổn.

Chuỗi cung ứng đứt gãy dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu, sản xuất bị gián đoạn, đẩy giá cả leo thang và dẫn đến lạm phát ở nhiều quốc gia. Điển hình là ngành công nghiệp sản xuất ô tô đã chứng kiến mức giảm 7,7 triệu xe trong sản lượng ô tô toàn cầu, tương đương với mức thiệt hại 210 tỷ USD vào năm 2021 do thiếu hụt chip.

Song song với cú sốc kinh tế, các quốc gia còn phải đối mặt với cú sốc mang tên bất ổn địa chính trị. Cuộc xung đột trên đất liền lớn nhất tại châu Âu kể từ năm 1945 đang diễn ra tại Ukraine, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến cả hai liên tục đáp trả bằng những đòn đánh kinh tế đã khiến quan niệm “hội nhập kinh tế sẽ dẫn đến hội nhập chính trị” không còn chính xác.

Tiếp đến là cú sốc năng lượng khi Nga cắt nguồn cung khí đốt giá rẻ cho châu Âu. Sau hơn 50 năm phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga, nền kinh tế châu Âu bỗng dung trật nhịp khi bị cắt nguồn cung. Sự phụ thuộc vào một quốc gia khác đã khiến châu Âu phải đối mặt với rủi ro và rắc rối mà khó có thể giải quyết chỉ trong ngày một ngày hai.

Cuối cùng là cú sốc về trí tuệ nhân tạo có thể khiến hàng triệu người lao động thất nghiệp. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cuộc cách mạng AI có thể đe dọa 27% việc làm khi nhiều công việc có nguy cơ bị tự động hóa.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung góp phần không nhỏ vào việc hình thành kinh tế hướng nội.

Xu hướng kinh tế hướng nội phát triển khi các quốc gia trên thế giới không muốn một lần nữa phải chịu những cú sốc tương tự. Các nhà lãnh đạo toàn cầu đã không ít lần đề cập đến “quyền tự chủ chiến lược” hay “tự chủ kinh tế” như một cách nói thay thế cho xu hướng kinh tế hướng nội.

Các quốc gia bắt đầu tung ra nhiều khoản trợ cấp khổng lồ kèm theo yêu cầu về hàm lượng nội địa để khuyến khích sản xuất trong nước. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã thực thi Đạo luật chip để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn và Đạo luật giảm lạm phát (IRA) để trợ cấp cho ngành năng lượng xanh trong nước.

Liên minh châu Âu thì triển khai “Kế hoạch công nghiệp thỏa thuận xanh” nhằm hỗ trợ công nghệ vi điện tử của 14 quốc gia thành viên. Tham vọng của khối là nắm giữ 40% công nghệ chủ chốt cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh và 20% chất bán dẫn toàn cầu sẽ được sản xuất tại EU.

Ấn Độ đã vạch ra các kế hoạch và sáng kiến như Make in India; Chương trình sản xuất theo giai đoạn (PMP); Sản xuất tại Ấn Độ, Khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) và Atma-Nirbhar Bharat (Ấn Độ tự lực) để tăng sản xuất nội địa và trở thành trung tâm sản xuất của toàn thế giới.

Từ “Made in China”, thế giới giờ đây có thêm "Made in America", "Made in Europe", "Make in India", "Made-in-Canada plan" và "A Future Made in Australia".

Theo Economist, các quốc gia ngày càng quan tâm đến chính sách công nghiệp, đặc biệt là những quốc gia giàu có. Trong quý I/2023, các doanh nghiệp ở các nước giàu có đã nhận được khoản tiền trợ cấp nhiều hơn khoảng 40% so với mức trung bình trong những năm trước đại dịch Covid-19.

Ấn Độ là một trong những nước tích cực khuyến khích phát triển sản xuất trong nước.

Trong quý II năm nay, Mỹ đã chi 25 tỷ USD trợ cấp cho các doanh nghiệp. Chính phủ các nước thuộc G7 dự chi tới 400 tỷ USD cho ngành bán dẫn trong thập kỷ tới. Kể từ năm 2020, chính phủ các nước đã phân bổ 1.300 tỷ USD để đầu tư vào ngành năng lượng sạch.

Đáp lại, giới doanh nghiệp cũng đang dần thích ứng với chính sách “kinh tế hướng nội”. Các CEO đề cập đến việc đưa hoạt động sản xuất về nước thường xuyên hơn trong khi các nhà đầu tư cũng tích cực hưởng ứng.

Theo ngân hàng Goldman Sachs, kể từ đầu 2022, giá cổ phiếu trung bình của các công ty Mỹ "được coi là được hưởng lợi từ việc chi tiêu bổ sung cho cơ sở hạ tầng" đã tăng 13%, trái ngược với mức giảm 9% của toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của nền kinh tế hướng nội. Lightyear, công ty ô tô năng lượng mặt trời của Hà Lan được chính phủ và Ủy ban Châu Âu hỗ trợ đã ngừng sản xuất do gặp khó khăn về tài chính. Britishvolt, công ty pin điện được chính phủ Anh cam kết hỗ trợ, cũng sụp đổ.

Những nỗ lực của thúc đẩy ngành công nghiệp chip của Mỹ cũng không thuận lợi và chưa thu được kết quả như kỳ vọng. Những ví dụ “người thật việc thật” này khiến nhiều người lo ngại rằng hiệu quả của “kinh tế hướng nội” về bản chất chỉ là sự thổi phồng do những người quá bi quan về toàn cầu hóa.

Tin mới lên