Diễn đàn VNF

Đằng sau kỷ lục 10,5 tỷ USD: Một bước chậm chân, mất đơn hàng vào tay đối thủ

(VNF) - Nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam đã mất đơn hàng vào tay đối thủ do chậm triển khai các cam kết bền vững.

Rào cản kỹ thuật vào các thị trường lớn

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản trong 11 tháng năm 2023 ước đạt 85,13 tỷ USD. Trong đó: xuất khẩu 47,84 tỷ USD; nhập khẩu 37,29 tỷ USD. Như vậy, toàn ngành nông lâm thủy sản xuất siêu 10,5 tỷ USD tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo cũng cho thấy, thị trường nhập khẩu chính nông lâm thủy sản 11 tháng qua gồm có: Châu Á chiếm 28,1% thị phần nhập khẩu của Việt Nam, châu Mỹ chiếm 23,5%, châu Đại Dương chiếm 7%, châu Phi chiếm 4,7% và châu Âu chiếm 4%.

Tuy nhiên, việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao về sản xuất và xuất khẩu bền vững đang là thách thức cho ngành nông lâm thủy sản.

Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản - Bộ NN&PTNT, trong thời gian qua, một khối lượng lớn nông sản của Việt Nam bị các nước trả về do vướng rào cản kỹ thuật của thị trường nhập khẩu. Thậm chí, một số quốc gia đã đưa ra cảnh báo về việc vi phạm tiêu chuẩn và khả năng chế tài một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ NN&PTNT mới đây đã phải đưa ra cảnh báo sẽ tạm dừng sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng xuất khẩu (chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng) vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của Trung Quốc và tái phạm nhiều lần.

Hay như thông tin Cục Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh (FSA) và Cục Tiêu chuẩn Thực phẩm Scotland (FSS) cho rằng, trái thanh long Việt Nam có dư lượng thuốc trừ sâu, tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, FSA và FSS đang đề xuất đưa trái thanh long Việt Nam từ Phụ lục II (sản phẩm phải được xét nghiệm và được cấp giấy chứng nhận an toàn tại Việt Nam trước khi xuất khẩu) sang Phụ lục I (sản phẩm phải được xác minh và tái kiểm thực tế 50% tại cảng đến trước khi được phép lưu thông trên thị trường).

Nếu đề xuất này được thực thi sẽ rất khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái thanh long của Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Quý, Tổng Giám đốc Công ty TNHH XNK Thành Công VINA, một đơn vị có hàng trăm hecta nông sản xuất khẩu tại Long An cho hay: “Chúng tôi đã tới từng thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc tiêu chuẩn của họ đều rất khắc khe, không có chuyện thị trường nào “dễ tính” hay du di. Do đó, sản phẩm xuất khẩu phải đảm bảo chất lượng”.

Xuất khẩu xanh: Con đường bền vững

Theo một số chuyên gia, nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước được cho là đã mất đơn hàng vào tay đối thủ do chậm triển khai các cam kết bền vững. 

Lấy ví dụ từ EU, đây là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới nhưng thị phần của Việt Nam chỉ chiếm 0,18% tổng giá trị nhập khẩu của EU, một phần là do chưa tuân thủ được các tiêu chuẩn khắt khe của khu vực này.

Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần xác định yếu tố tăng trưởng xanh để đáp ứng các tiêu chuẩn cao về sản xuất và xuất khẩu bền vững. Điều này vừa giúp vượt điểm nghẽn kỹ thuật tại các thị trường khó tính vừa tạo cơ hội giúp tăng lợi thế cạnh tranh.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng nhấn mạnh đến tính cấp thiết phải chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp, đồng thời nhận định “xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội”.

Bà Nguyễn Thị Thanh An - Trưởng Đại diện Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) tại Việt Nam cho biết, từ sự thành công của dự án về trồng rau ở Mộc Châu đạt chứng nhận VietGAP cho thấy việc nhắm đến các kênh phân phối giá trị cao như các chuỗi bán lẻ hàng đầu tại Hà Nội sẽ góp phần tạo ra những thay đổi bền vững trong quy trình canh tác và chế biến.

“Câu chuyện này khẳng định vai trò của các doanh nghiệp trong việc khuyến khích nông dân áp dụng các tiêu chuẩn được chứng nhận cho các thị trường chất lượng cao”, bà An chia sẻ.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc điều hành quốc gia của Bureau Veritas Việt Nam - tổ chức hàng đầu thế giới về kiểm nghiệm, giám định và chứng nhận khẳng định, quy trình chứng nhận mang lại nhiều cơ hội học hỏi từ những thực tiễn tốt nhất của các đối tác trong chuỗi cung ứng và thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế cao hơn. Qua đó, thương hiệu nông sản Việt Nam có thể được nâng tầm và quảng bá tốt hơn.

Ông Dũng nhấn mạnh lại vai trò của các đơn vị dẫn đầu chuỗi cung ứng trong việc thúc đẩy nông dân và doanh nghiệp chế biến thực phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu, lấy ví dụ từ thành công của dự án Trung hòa carbon cho hệ thống trang trại của Vinamilk. Trang trại Nghệ An của Vinamilk là trang trại đầu tiên được chứng nhận trung hòa carbon PAS 2060.

Một nghiên cứu công bố gần đây trên tạp chí quốc tế Journal of Supply Chain Management và Business Strategy and the Environment của nhóm nghiên cứu tại RMIT chỉ ra rằng nỗ lực xuất khẩu mang lại cho các doanh nghiệp cách tiếp cận chủ động trong việc giải quyết áp lực xanh từ khách hàng và mở lối cho các biện pháp bền vững tốt hơn. Những phát hiện này nêu bật thực tế rằng doanh nghiệp địa phương có thể tiếp cận với những thị trường khó tính hơn và học hỏi các tiêu chuẩn, quy trình và mô hình mới.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam nhận định: “Một khi tất cả các công ty cố gắng cạnh tranh về chi phí, chất lượng và giao hàng, thì làm xanh hóa quy trình có thể là yếu tố để giành được đơn hàng và có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường”.

“Đáp ứng các quy định về môi trường và yêu cầu bền vững cao hơn là nhiệm vụ cần thiết trong việc phát triển chiến lược kinh doanh trong mỗi doanh nghiệp. Đây cũng là một việc nên làm bởi vì đây thường không còn là sự lựa chọn nữa mà là yêu cầu bắt buộc do thực tế của nền kinh tế tuần hoàn đặt ra”, TS Hùng nói.

Tin mới lên