DATC ‘bội thu’ nửa đầu năm 2018, sắp thêm loạt đặc quyền xử lý nợ xấu

Thanh Long - 29/08/2018 15:49 (GMT+7)

(VNF) – DATC sắp được “trao” loạt đặc quyền xử lý nợ xấu, trong đó có đặc quyền chuyển nợ thành vốn góp.

VNF
DATC ‘bội thu’ nửa đầu năm 2018, sắp thêm loạt đặc quyền xử lý nợ xấu.

DATC sắp thêm loạt đặc quyền xử lý nợ xấu

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định Về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Nghị định “trao” loạt đặc quyền cho DATC trong xử lý nợ xấu.

Cụ thể, DATC được bổ sung chức năng là công cụ của Chính phủ tham gia “xử lý nợ xấu của các tổ chức kinh tế, tham gia hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ có tổ chức và có sự quản lý của Nhà nước”

DATC tiếp nhận nợ và tài sản của các đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện cổ phần hóa theo quy định của Chính phủ.

Đồng thời, DATC được tiếp nhận các tài sản khác theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là các tài sản tồn đọng, các tài sản gắn với xử lý nợ) để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý thu hồi cho Nhà nước.

Đáng chú ý, DATC được thực hiện các biện pháp phục hồi doanh nghiệp tái cơ cấu dưới hình thức cung cấp tài chính (tương tự như VAMC), bảo lãnh vay vốn tín dụng. DATC được xóa nợ trong trường hợp khách nợ đã giải thể, phá sản theo quy định của cấp có thẩm quyền

Nghị định cũng quy định “Trường hợp DATC tiếp nhận tài sản theo chỉ định để xử lý, thu hồi cho Nhà nước thì được hưởng phí xử lý tài sản theo hướng dẫn của Bộ Tài chính trên nguyên tắc bù đắp đủ chi phí xử lý tài sản cộng một phần chi phí quản lý”.

Đặc biệt, dự thảo Nghị định quy định nội dung DATC được chuyển nhượng phần vốn góp kèm nợ phải thu để phù hợp với đặc thù của hoạt động mua bán, xử lý nợ (bao gồm hình thức chuyển nợ thành vốn góp tại doanh nghiệp khách nợ).

Ngoài ra, dự thảo Nghị định bổ sung quy định đối tượng DATC tham gia tái cơ cấu gồm: doanh nghiệp nhà nước không thuộc danh mục Nhà nước cần nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa và các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định việc đề nghị DATC tham gia tái cơ cấu để chuyển thành công ty cổ phần trong trường hợp âm vốn chủ sở hữu. DATC xem xét quyết định tham gia tái cơ cấu theo thẩm quyền.

Doanh thu DATC tăng 50% trong 6 tháng đầu năm 2018

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 của DATC, cơ quan này ghi nhận 801 tỷ đồng doanh thu thuần trong 6 tháng đầu năm, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu là doanh thu xử lý nợ và tài sản mua theo thỏa thuận, chỉ định.

Do tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thuần tăng từ 87,2% lên 91,3% nên lợi nhuận gộp chỉ tăng 2,2% lên 69,6 tỷ đồng.

Trong kỳ, DATC ghi nhận 102 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 13,2%.

Sau khi trừ đi 7,9 tỷ đồng chi phí tài chính và 50,2 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, DATC đạt lợi nhuận trước thuế 113 tỷ đồng, tăng 14%.

Tính đến hết ngày 30/6/2018, tổng tài sản của DATC đạt 26.108 tỷ đồng, giảm nhẹ 200 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Phần lớn tài sản của DATC tập trung ở các phải thu dài hạn với 19.291 tỷ đồng, bao gồm: 10.307 tỷ đồng phải trả do phát hành Trái phiếu quốc tế, 4.788 tỷ đồng phải trả do phát hành Trái phiếu trong nước và 4.492 tỷ đồng phải trả do phát hành Hối phiếu dài hạn. Các khoản phải trả này đều liên quan đến việc tái cơ cấu SBIC (tiền thân là Vinashin).

Ngoài ra, DATC cũng đang gửi 3.020 tỷ đồng tiền gửi vào ngân hàng. Nguồn tiền gửi khá lớn của DATC đem về cho cơ quan này trên 100 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018.

Cùng chuyên mục
Tin khác