Tài chính

DATC ‘đòi’ đặc quyền xử lý nợ xấu: Xóa nợ lãi, nợ gốc, chuyển nợ thành vốn góp

(VNF) – Bộ Tài chính mới đây đã có tờ trình Chính phủ đề xuất một loạt đặc quyền cho DATC trong xử lý nợ nói chung và xử lý nợ xấu nói riêng, trong đó đáng chú ý nhất là các đề xuất xóa nợ lãi, nợ gốc, chuyển nợ thành vốn góp. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiến nghị tăng vốn điều lệ cho DATC thêm 4.000 tỷ, lên mức 10.000 tỷ đồng.

DATC ‘đòi’ đặc quyền xử lý nợ xấu: Xóa nợ lãi, nợ gốc, chuyển nợ thành vốn góp

DATC muốn tăng vốn điều lệ thêm 4.000 tỷ, lên mức 10.000 tỷ đồng

Như VietnamFinance từng đề cập trong bài viết trước, Bộ Tài chính đã liệt kê một loạt các lý do cho rằng Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) – đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính - đang không được đối xử bình đẳng như Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Bộ Tài chính mới đây đã chính thức có tờ trình Chính phủ về việc đề nghị xây dựng Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC, theo đó đề xuất một loạt đặc quyền trong xử lý nợ nói chung và xử lý nợ xấu nói riêng, chia thành 3 nhóm chính sách chính.

Ở nhóm chính sách đầu tiên, Bộ Tài chính đề xuất mở rộng phạm vi kinh doanh của DATC không chỉ là nợ xấu, mà bao gồm cả tài sản nợ đọng, dự án dở dang, dự án cần hỗ trợ xử lý nợ để hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác.

Cùng với đó là mở rộng đối tượng tham gia xử lý nợ và tài sản sang các tổ chức, cá nhân thuộc thành phần kinh tế khác, các đơn vị sự nghiệp thực hiện sắp xếp, chuyển đổi.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiến nghị bổ sung và phát triển một loạt chức năng như: phát triển hoạt động quản lý đầu tư, khai thác tài sản, dự án; mở rộng hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp gắn với xử lý nợ, tài sản và dự án; phát triển hoạt động tư vấn, dịch vụ tài chính, quản lý vốn góp.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung cho DATC quyền được hỗ trợ tài chính dưới hình thức tài trợ vốn vay ngắn hạn, bảo lãnh đối với các doanh nghiệp được DATC tham gia tái cơ cấu có khó khăn về tài chính.

Nhóm chính sách thứ hai thậm chí còn nhiều đặc quyền hơn.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất cho phép DATC chủ động tiếp cận hoặc được cấp có thẩm quyền chỉ định DATC tiếp cận, khảo sát các doanh nghiệp có vốn nhà nước hoặc các doanh nghiệp khác cần sự hỗ trợ của DATC.

Quy định cụ thể hơn cơ chế chỉ định đối với các trường hợp DATC tham gia thực hiện theo phương án tái cơ cấu, ví dụ như: chỉ định đối tượng mua nợ là DATC, chỉ định mức giá bán nợ cho DATC, chỉ định các biện pháp hỗ trợ tài chính, xử lý tài sản (nếu cần)…

Đối với các khoản nợ tiếp nhận là các khoản nợ khó đòi được các DNNN loại trừ, bàn giao cho DATC khi cổ phần hóa, chuyển đổi sở hữu, DATC kiến nghị bổ sung cơ chế chủ động trong việc xóa nợ lãi khi doanh nghiệp khách nợ hoàn trả đủ nợ gốc trong 12 tháng, xóa nợ lãi và sử dụng một phần phí được hưởng để xóa nợ gốc

Đối với các khoản nợ đã mua, DATC kiến nghị bổ sung cơ chế chủ động theo nguyên tắc thu hồi được toàn bộ mua nợ và có lãi đối với các phương án mua bán xử lý nợ. Theo đó, xóa nợ lãi và một phần nợ gốc theo nguyên tắc trên.

Cùng với đó là thảo thuận với khách nợ và các bên liên quan để thu nợ bằng tài sản, bao gồm cả quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất; thỏa thuận với khách nợ và bên thứ ba để thực hiện chuyển giao nghĩa vụ trả nợ sang bên thứ ba trên nguyên tắc đảm bảo thuận lợi hơn cho DATC; thỏa thuận với chủ sở hữu doanh nghiệp khách nợ về việc chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần để tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp khách nợ; được chủ động bán các khoản nợ sau khi đánh giá không còn khả năng thu hồi được giá vốn mua nợ.

Bộ Tài chính kiến nghị DATC được quyền chuyển nợ thành vốn góp

Với nhóm chính sách thứ ba, Bộ Tài chính đề xuất quy định hoạt động đầu tư vốn tại các doanh nghiệp do DATC tái cơ cấu (chuyển nợ thành vốn góp) không phải là hoạt động đầu tư ra ngoài ngành.

Về hoạt động chuyển nhượng vốn, đối với doanh nghiệp tái cơ cấu, kiến nghị bổ sung DATC được thực hiện bán đấu giá cả lô cổ phần kèm nợ phải thu và các hình thức khác phù hợp với quy định pháp luật.

Bộ Tài chính lý giải, DATC có cả cổ phần và nợ phải thu tại doanh nghiệp, nếu chỉ bán được cổ phần thì DATC sẽ gặp khó trong việc thu hồi nợ phải thu do DATC không còn Người đại diện vốn để chi phối hoạt động trả nợ, trong khi đó, nếu chỉ bán nợ phải thu thì sau khi mua nợ, nhà đầu tư yêu cầu xử lý TSBĐ để thu nợ mà không tiếp tục đầu tư, tái cơ cấu sẽ dẫn đến doanh nghiệp có thể phá sản, ảnh hưởng đến giá trị cổ phần của DATC.

Ngoài ra, để đáp ứng thi hành nghị định trên, DATC muốn được bổ sung vốn điều lệ thêm 4.000 tỷ đồng đến năm 2020. Hiện doanh nghiệp này đang có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng.

Nghị định dự kiến sẽ trình Chính phủ vào quý IV/2018, có hiệu lực từ 1/12019.

Tin mới lên