Diễn đàn VNF

Đầu tư PPP èo uột: Cơ quan nhà nước không dám ký hợp đồng

(VNF) - Việc thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP) đang thiếu nhiều hướng dẫn khiến cho cơ quan nhà nước e ngại còn DN gặp khó khăn triển khai.

Đầu tư PPP èo uột: Cơ quan nhà nước không dám ký hợp đồng

Việc thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP) đang thiếu các mẫu hợp đồng dự án nên gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Thiếu mẫu hợp đồng

Theo báo cáo về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Việt Nam vừa được công bố, trong gần 3 năm qua, kể từ khi Luật PPP có hiệu lực, chỉ có 2 hợp đồng PPP mới được ký kết, 10 dự án đã trình trước đó được phê duyệt.

Ngoài số hợp đồng PPP trên, chỉ có 14 dự án đang trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư, đồng thời hơn 100 dự án PPP được triển khai trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành, đang tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết.

Có thể thấy là số hợp đồng PPP mới rất ít ỏi. Một trong nhiều nguyên nhân được chỉ ra là thiếu văn bản hướng dẫn chi tiết.

Ngoại trừ Bộ Giao thông – Vận tải đã ban hành các thông tư hướng dẫn về đầu tư theo phương thức này đối với các dự án thuộc phạm vi quản lý của bộ (chậm 6 tháng so với thời điểm mà Thủ tướng yêu cầu là quý 2-2022), nhiều lĩnh vực khác (điện lực, y tế, xử lý chất thải…) cũng có nhu cầu đầu tư PPP, nhưng các bộ quản lý đều chưa ban hành được hướng dẫn.

Điều này khiến không chỉ nhà đầu tư, mà cả cơ quan quản lý nhà nước cũng e ngại, “không dám quyết, dám ký”. Đơn cử, mẫu hợp đồng PPP là một trong những văn bản quan trọng trong quy trình tiếp cận, chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án đầu tư, có tính chất chỉ dẫn cho nhà đầu tư, thế mà ngay cả trong lĩnh vực giao thông, các doanh nghiệp vẫn đang phải chờ Bộ Giao thông – Vận tải hoàn thiện dự thảo hướng dẫn một số nội dung của loại hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M) đối với đường bộ cao tốc.

Lý giải nguyên nhân vấn đề này TS. Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch VIAC cho biết việc triển khai và thực hiện các dự án PPP trên thực tế vẫn còn tồn tại không ít khó khăn. Trong đó, với tính chất của các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng thường có quy mô đầu tư lớn, thời gian kéo dài, nên quá trình thực hiện luôn thường trực rủi ro, phát sinh tranh chấp giữa nhiều quan hệ pháp lý phức tạp và đan xen lẫn nhau của các chủ thể công - tư.

Hơn nữa, các doanh nghiệp phản ánh, việc thực hiện đầu tư PPP còn thiếu các mẫu hợp đồng dự án PPP khiến cho các bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị, triển khai dự án. Đồng thời, việc này còn gây khó khăn cho các cơ quan trong việc xây dựng các nguyên tắc hợp đồng minh bạch nhằm tạo sự công bằng trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Cụ thể, việc xây dựng và ban hành các mẫu hợp đồng dự án PPP, trong đó bao gồm mẫu hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), hợp đồng BLT (xây dựng – thuê dịch vụ - chuyển giao) và hợp đồng O&M (kinh doanh – quản lý) đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn thống nhất, đồng bộ cho các hợp đồng dự án PPP. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có mẫu hợp đồng BOT được Bộ Giao thông vận tải ban hành, còn lại vẫn chưa thống nhất được về cơ quan đầu mối soạn thảo và thời điểm ban hành.

Đảm bảo nguyên tắc minh bạch

Ông Nguyễn Tiến Huy, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng khẳng định để các hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) bền vững, phát triển thì rất cần có những bản khế ước, những hợp đồng chuẩn mực, hài hòa và tạo được sự đồng thuận, hài lòng của cả hai phía công và tư…

Tuy nhiên, việc chưa ban hành và áp dụng mẫu hợp đồng để nhằm thiết lập một mẫu tiêu chuẩn thống nhất cho các hợp đồng dự án PPP (một tài liệu trong bộ hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP) cũng gây khó khăn cho các cơ quan trọng việc xây dựng các nguyên tắc hợp đồng minh bạch nhằm tạo sự công bằng trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư…

Do vậy, việc tiến hành rà soát các mẫu hợp đồng hợp tác công - tư, tham khảo các kinh nghiệm quốc tế để đưa ra các kiến nghị trong việc đưa ra các mẫu hợp đồng PPP chuẩn mực là yêu cầu cấp thiết.

 “Việc xây dựng những mẫu hợp đồng PPP cần bảo đảm các nguyên tắc minh bạch, bình đẳng, thống nhất, đồng bộ, phân định hợp lý, rõ ràng về vai trò chia sẻ công bằng về trách nhiệm, chi phí, rủi ro và thụ hưởng, hài hòa về quyền, lợi, lợi ích giữa khu vực công và tư…”, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Nguyễn Tiến Huy lưu ý.

Để có thể phát huy được nguồn lực xã hội vào các dự án cơ sở hạ tầng Việt Nam, ông Huy khuyến nghị, cần gỡ bỏ các rào cản về mặt pháp lý, sửa đổi, bổ sung các quy định về hợp tác công - tư cụ thể rõ ràng hơn và có thêm chính sách nhằm khơi thông, huy động tối đa các nguồn lực từ lĩnh vực tư nhân để tiếp tục phát triển…

Đồng thời, cần nghiên cứu và có giải pháp, cơ chế để có thể áp dụng các mô hình, phương thức huy động nguồn lực tài chính mới tại Việt Nam. Trong đó có hai phương thức mới là đầu tư tài sản mới bằng nguồn thu từ các tài sản hạ tầng cũ (AR) và thu hút các nhà đầu tư tổ chức. Vì các nhà đầu tư tổ chức cần môi trường thuận lợi cho việc đầu tư của họ.

Tin mới lên