Tiêu điểm

ĐBQH: ‘Người dân ăn nhiều cá, trứng, thịt bò thì bình ổn giá thịt lợn để làm gì?’

(VNF) - Bình luận về đề xuất đưa thịt lợn vào mặt hàng để bình ổn giá, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng người dân đang dịch chuyển dùng nhiều thuỷ sản, trứng và thịt bò, nên thịt lợn không phải là hàng thiết yếu để bình ổn giá.

ĐBQH: ‘Người dân ăn nhiều cá, trứng, thịt bò thì bình ổn giá thịt lợn để làm gì?’

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh)

Quốc hội đang thảo luận, xem xét thông qua dự thảo Luật Giá sửa đổi. Trong đó, đề xuất đưa thịt lợn vào hàng bình ổn giá nhận được sự quan tâm lớn từ các đại biểu Quốc hội.

Thảo luận ở hội trường Quốc hội sáng nay (1/6), đại biểu Nguyễn Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) cho biết có ý kiến còn băn khoăn về danh mục bình ổn giá, nhiều cử tri cho rằng đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá là khó khả thi.

“Thịt lợn không phải là thiết yếu, do thói quen tiêu dùng của người dân hiện nay đa dạng hơn, có sự chuyển dịch sang sử dụng nhiều sản phẩm thuỷ sản, trứng gia cầm, thịt bò. Trong khi đó, rất khó có thể tính toán được chi phí chăn nuôi lợn vì chăn nuôi của chúng ta hiện nay đang nhỏ lẻ, hàng triệu hộ chăn nuôi, năng suất thấp, dịch bệnh còn đang là thách thức”, bà Anh nói.

Với nguồn cung và thị trường, đại biểu Anh cho rằng: Hiện 80% thịt lợn được bán ở chợ truyền thống nên việc tính toán giá thành sản phẩm, hỗ trợ giá dưới giá thành, can thiệp vào giá là rất khó. Bên cạnh đó, nếu đưa vào mặt hàng bình ổn giá thì cần kinh phí khá lớn, trong khi ngân sách đang khó khăn.

“Qua nghiên cứu kinh nghiệm thế giới, chưa quốc gia nào đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn. Từ lý do nêu trên, một số hiệp hội, ngành hàng nêu quan điểm cần đánh giá tác động đề xuất đưa thịt lợn vào danh mục hàng bình ổn giá trong dự thảo Luật Giá sửa đổi”, bà Anh nói.

Vị đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Ninh đề nghị Chính phủ điều tiết hiệu quả, căn cơ về thị trường thực phẩm nói chung, thịt lợn nói riêng. Chính phủ cần có nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kho lạnh, trữ đông thịt gia súc, gia cầm để điều tiết giá. Khi giá thịt xuống mức thấp, xả kho để bình ổn giá, cần có chính sách hỗ trợ tái đàn của người chăn nuôi, ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi cả người chăn nuôi, người tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu.

Tin mới lên