Tiêu điểm

ĐBQH: 'Tội phạm lợi dụng tiền ảo, tài sản ảo để rửa tiền, tài trợ khủng bố’

(VNF) - Đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam, cho rằng tiền ảo và tài sản ảo đã trở thành kênh để tội phạm lợi dụng rửa tiền, tài trợ khủng bố.

ĐBQH: 'Tội phạm lợi dụng tiền ảo, tài sản ảo để rửa tiền, tài trợ khủng bố’

Theo đại biểu Dương Văn Phước, Việt Nam là một trong những thị trường chơi tiền ảo rất lớn.

Thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách về dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cho rằng, hiện nay Nhà nước chưa công nhận tiền ảo, tuy nhiên, Việt Nam là một trong những thị trường lớn của tiền ảo.

“Đây lại là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu, trở thành kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng rửa tiền”, ông Phước nói.

Theo ông Phước, thời gian gần đây liên tiếp có những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo.

“Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, do các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền chưa quy định về vấn đề này.

Do đó, việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào luật là hết sức cần thiết, không chỉ đáp ứng các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền trên thế giới mà còn nhằm đảm bảo an ninh tài chính trong nước, không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền tham nhũng, khủng bố”, ông Phước nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng Luật phòng chống rửa tiền (sửa đổi) lần này cần bao quát đầy đủ các lĩnh vực nhạy cảm, nhất là đối với các tổ chức cung cấp bộ tài sản ảo, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay, cho vay dựa trên nền tảng của công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm.

Giải trình về vấn đề trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho hay, dự thảo ban đầu có quy định về tài sản ảo. Tuy nhiên, qua rà soát thấy, hệ thống pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về cơ quan quản lý cấp phép tài sản ảo. Vì vậy, các cơ quan đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội phương án giao Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết, cụ thể.

Còn về giao dịch đáng ngờ, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp thu, chỉnh sửa và tiếp tục hoàn thiện bổ sung. Thống đốc cho biết dự thảo luật giao Ngân hàng Nhà nước là đầu mối trong phòng chống rửa tiền nhưng thực tế các giao dịch phát sinh rất nhiều, trong đó, có nhiều giao dịch thuộc các bộ, ngành quản lý. Do đó, dự thảo luật đã đưa ra quy định liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan.

“Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đầu mối là Ngân hàng Nhà nước và rà soát, bổ sung một số trách nhiệm của các cơ quan liên quan”, bà Hồng nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) gồm 4 chương và 63 điều (giữ nguyên số chương và tăng 10 điều, bỏ 1 điều). Sau khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách, dự thảo luật sẽ tiếp tục được hoàn thiện, trình Quốc hội thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới.

Tin mới lên