Tiêu điểm

Đề xuất bảo lãnh tín dụng cho khoản vay mới đối với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch

(VNF) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần xem xét có chính sách bảo lãnh tín dụng cho khoản vay mới của các khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và sử dụng nhiều lao động như doanh nghiệp trong các ngành du lịch, dệt may, da giày, hàng không,... và các khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa (tương tự như chính sách bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp thời kỳ khủng hoảng những năm 2008-2009).

Đề xuất bảo lãnh tín dụng cho khoản vay mới đối với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 2/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Báo cáo đã đưa ra hàng loạt đề xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hậu dịch.

Bộ KH&ĐT nhấn mạnh Chính phủ phải thực hiện rà soát, kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi cơ chế, chính sách không còn phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực, ngành mà trước đây nhà nước đảm trách, ngoại trừ những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh, quốc phòng và điều hành vĩ mô.

Cùng với đó, xác định các nhóm ngành hàng, nguyên vật liệu đầu vào bị thiếu hụt từ nhập khẩu và doanh nghiệp trong nước có khả năng sản xuất thay thế để định hướng cho doanh nghiệp dịch chuyển cơ cấu sản xuất thay thế nhập khẩu, để chủ động được nguyên vật liệu sản xuất trong chuỗi sản phẩm của các doanh nghiệp trong điều kiện giao thương bị hạn chế, không có nguồn nguyên vật liệu sản xuất tại một số ngành, lĩnh vực như hiện nay.

Theo Bộ KH&ĐT, Chính phủ cần nghiên cứu huy động các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn thực hiện vai trò dẫn dắt, mở đường trong sản xuất ngành, lĩnh vực mới để đáp ứng yêu cầu này; tập trung vào các ngành sản xuất, chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp mũi nhọn.

Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da giày (là các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu) tăng cường sản xuất, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh (đặc biệt là các doanh nghiệp FDI).

Báo cáo nhấn mạnh đến việc duy trì ổn định các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất Việt Nam có lợi thế như cao su, xơ, sợi,...; tập trung phát triển các loại vật liệu cơ bản như thép cán nóng, thép chế tạo, vải, các loại vật liệu mới để bảo đảm tự chủ nguồn nguyên vật liệu trong nước, thay thế một phần nguồn nhập khẩu.

Bộ KH&ĐT cho hay, phải phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; hạn chế xuất khẩu những mặt hàng trong nước có nhu cầu (như quặng sắt) nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất.

Đặc biệt, hỗ trợ hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết do doanh nghiệp Việt làm chủ, trước hết là chuỗi cung ứng hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu của thị trường nội địa, đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ và đẩy mạnh liên kết trong toàn chuỗi cung ứng.

"Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt tại các thị trường có thể sớm hết dịch như Hàn Quốc, Trung Quốc,... Đặc biệt khai thác các thị trường/khu vực thị trường hiện đang có các thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam", báo cáo nêu.

Một loạt kiến nghị liên quan đến việc hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo cũng được Bộ KH&ĐT đưa ra.

Cụ thể, bộ này kiến nghị xem xét hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo cho chủ doanh nghiệp, hỗ trợ tư vấn tại doanh nghiệp giúp doanh nghiệp tái cơ cấu, phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đào tạo cho lao động để đáp ứng kế hoạch tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình kinh doanh, sản phẩm.

Đáng chú ý, xem xét có chính sách bảo lãnh tín dụng cho khoản vay mới của các khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và sử dụng nhiều lao động như doanh nghiệp trong các ngành du lịch, dệt may, da giày, hàng không,... và các khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa (tương tự như chính sách bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp thời kỳ khủng hoảng những năm 2008-2009).

Thêm vào đó, Chính phủ cần có chính sách cấp bù lãi suất có thời hạn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Liên quan đến cơ sở hạ tầng, Bộ KH&ĐT cho rằng cần có cơ chế tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp khu vực tư nhân đầu tư phát triển các cụm, khu công nghiệp, hệ thống kho bãi hiện đại, tiên tiến; tăng cường đầu tư công vào việc xây dựng, phát triển và đổi mới cơ ở hạ tầng như cảng biển, cảng hàng không, đường sá, hệ thống giao thông đường thủy nội địa, bến phà,...

Cùng với đó, thực hiện và công bố công khai quy hoạch đất đai tương xứng tỷ lệ phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Cũng theo Bộ KH&ĐT, Chính phủ cần tăng chi tiêu trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ số do doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhằm tạo thị trường cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển, đồng thời nâng cao năng lực phòng chống các dịch bệnh như dịch Covid - 19.

Ngoài ra, nghiên cứu giao hoặc đặt hàng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển các giải pháp, nền tảng công nghệ số phục vụ phòng chống dịch và phục vụ các ngành, lĩnh vực thiết yếu: y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng, chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong quản lý,...

Tin mới lên