Thị trường

Đề xuất 'mở cửa' cho doanh nghiệp ngoại tham gia bán lẻ xăng dầu

Bộ Công thương vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu.

Đề xuất 'mở cửa' cho doanh nghiệp ngoại tham gia bán lẻ xăng dầu

Thị trường xăng dầu được cho là sẽ cạnh tranh hơn với sự cho phép các nhà đầu tư ngoại tham gia

Trong đó, nội dung mới rất đáng chú ý là quy định tạo thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tham gia phân phối xăng dầu.

Theo đó, điều 1 của dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung điều 1 của Nghị định 83 quy định ngoài các thương nhân kinh doanh xăng dầu được Thủ tướng phê duyệt chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, thương nhân kinh doanh xăng dầu được quyền chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%.

Lý giải đề xuất này, trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công thương - đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo nghị định, cho hay do xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng lớn đến dân sinh, an ninh năng lượng, nên khi mở cửa lĩnh vực này, Bộ đã tính toán rất kỹ thời điểm phù hợp.

Khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, xăng dầu là lĩnh vực Việt Nam không cam kết mở cửa để doanh nghiệp trong nước có cơ hội lớn mạnh, xây dựng cơ sở vật chất và trấn giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống phân phối xăng dầu trong nước. Đến nay, sau 13 năm, Việt Nam đã mở cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực quan trọng như điện, dầu khí, hàng không…

Theo Bộ Công thương, sự tham gia của nhà đầu tư ngoại vào một số doanh nghiệp nhà nước lớn được Thủ tướng cho phép (như vào Tổng công ty dầu Việt Nam - PVOil, là 35%, Tổng công ty dầu Bình Sơn là 49%, Tập đoàn xăng dầu 20%) đã góp phần cải thiện đáng kể quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đặc biệt là giúp giá trị doanh nghiệp tăng thông qua giá trị cổ phiếu.

Trao đổi thêm với phóng viên, một lãnh đạo cấp vụ của Bộ Công thương, đồng thời là thành viên tổ điều hành giá xăng dầu, cho biết ban soạn thảo đã cân nhắc kỹ và đưa ra mức giới hạn cổ phần chuyển nhượng là 35%, chính là để giới hạn được mức độ can thiệp vào hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư ngoại với doanh nghiệp trong nước, nhất là không để họ có quyền phủ quyết trong khi tỷ lệ này đủ giúp doanh nghiệp nội thu hút được vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp.

Tin mới lên