Bất động sản

Đề xuất rót 5.000 tỷ đồng mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lên 10 làn xe

(VNF) - Theo đại diện Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (chủ đầu tư dự án), việc mở rộng và nâng cấp cao tốc này lên 10 làn xe sẽ có thể giải quyết được tình trạng ùn tắc trong những năm tới.

Đề xuất rót 5.000 tỷ đồng mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lên 10 làn xe

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thường xuyên bị ùn tắc vào những ngày cao điểm và cuối tuần.

Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vừa có văn bản báo cáo Ủy ban Kinh tế Quốc hội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từ quy mô 6 làn xe lên 8 - 10 làn xe theo hình thức BOT.

Theo ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, do lưu lượng xe đang tăng nhanh trong những năm gần đây nêu nếu không được mở rộng thì cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ mãn tải sớm hơn so với thiết kế và phương án tài chính ban đầu.

Cũng theo ông Khôi, quy mô thiết kế, tuyến đường 6 làn xe chỉ đáp ứng tối đa lưu lượng khoảng 92.000 PCU (xe con quy đổi)/ngày đêm. Tuy nhiên, lưu lượng thực tế trong năm 2020 đã lên tới hơn 100.000 PCU/ngày đêm. Điều này là nguyên nhân khiến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thường bị ùn tắc vào những ngày cao điểm và cuối tuần.

Theo nghị quyết 437 được Quốc hội ban hành thì các dự án BOT chỉ đầu tư với các tuyến đường mới, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu. Do đó, chủ đầu tư dự án kiến nghị Ủy ban Kinh tế Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh, bổ sung các nội dung nghị quyết 437 để mở rộng quy mô cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từ 6 làn xe hiện có lên 8 - 10 làn vào dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Nếu được chấp thuận, Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết sẽ tiến hành nghiên cứu lập dự án đầu tư và tổ chức thực hiện việc mở rộng tuyến đường lên 8-10 làn xe trong khoảng 3-5 năm với tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ có chiều dài 29km, tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 là nâng cấp tuyến cao tốc đã có trước đó, với tổng mức đầu tư 1.973 tỷ đồng; giai đoạn 2 mở rộng tuyến đường từ 4 lên 6 làn xe với tổng mức đầu tư 4.757 tỷ đồng (hoàn thành năm 2018).

Doanh thu năm đầu tiên (chỉ thu phí trong 3 tháng, từ tháng 10/2015) của dự án đạt hơn 104,5 tỷ đồng; năm 2016 là 617 tỷ đồng; năm 2017 đạt hơn 755,5 tỷ đồng... Đến năm 2019, tuyến đường này có doanh thu 751 tỷ đồng; năm 2020 là trên 721 tỷ đồng.

Tin mới lên