Ngân hàng

ĐHCĐ VPBank: Có thể bán vốn cho cổ đông chiến lược ngoại vào cuối năm nay

(VNF) - Sau khi bán 50% vốn tại FE Credit, cùng với lợi nhuận tích lũy và thu nhập từ việc ký lại hợp đồng bảo hiểm, vốn chủ sở hữu cuối năm 2021 của VPBank có thể lên đến 90.000 tỷ đồng. Tuy vậy, ngân hàng này vẫn đang lên kế hoạch huy động thêm vốn thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài, có thể thực hiện vào cuối năm nay.

ĐHCĐ VPBank: Có thể bán vốn cho cổ đông chiến lược ngoại vào cuối năm nay

Đại hội đồng cổ đông thường niên VPBank 2021

Chiều 29/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.

Chia sẻ tại đại hội, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết trước đây, công ty tài chính tiêu dùng FE Credit đóng góp 45-50% lợi nhuận của ngân hàng nhưng hiện nay chỉ đóng góp khoảng gần 30% lợi nhuận.

Thay vào đó, ngân hàng sẽ dành 80% nguồn lực để tập trung phát triển 2 phân khúc chiến lược gồm phân khúc khách hàng bán lẻ và phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Năm 2020, mảng bán lẻ đã mang về cho VPBank 2.000 tỷ đồng lợi nhuận, trong khi đó, mảng SME đem về 600 tỷ đồng lợi nhuận.

Quý I vừa qua, ngân hàng ghi nhận mức tăng tổng dư nợ 3,6%, trong đó, riêng 2 phân khúc trên tăng trưởng trên 7%.

Năm 2021, dự kiến mảng bán lẻ sẽ đem về cho VPBank 3.000 tỷ đồng lợi nhuận, trong khi mảng SME dự kiến ghi nhận hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận. Ông Vinh cho biết đây mới chỉ là bước đầu trong chiến lược đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của VPBank trong thời gian tới.

Với mảng tài chính tiêu dùng, FE Credit dự kiến sẽ đem về cho VPBank khoảng hơn 4.500 tỷ đồng, tăng trưởng sẽ tập trung vào nửa cuối năm. Mức tăng dư nợ tín dụng cả năm sẽ vào khoảng 16-20% trong trường hợp được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Tổng giám đốc VPBank cho hay năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 20%. Tăng trưởng lợi nhuận dự kiến 28%, trong đó lợi nhuận ngân hàng mẹ dự kiến tăng 35-38% và thời gian tới, phần đóng góp của ngân hàng mẹ sẽ ngày càng cao hơn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đức Vinh cũng tin rằng nguồn vốn mới từ thương vụ bán cổ phần tại FE Credit sẽ giúp ngân hàng mẹ VPBank có thêm nguồn lực phát triển.

Ông Vinh nhấn mạnh thành quả chuyển đổi số bắt đầu từ năm 2016 đã được hiện thực hóa vào năm 2020 khi chi phí hoạt động giảm 7% dù doanh thu tăng.

Về chi phí vốn, năm 2021, VPBank đặt mục tiêu giảm 1,2-1,5% chi phí vốn bình quân, phấn đấu tiến gần hơn đến tỷ lệ chi phí vốn của các ngân hàng khác. Riêng quý I, ngân hàng mẹ đã giảm được hơn 1% chi phí vốn.

Chia sẻ về thương vụ bán vốn tại FE Credit, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng cho biết khi lựa chọn phương án bán vốn, có 2 phương án được đưa ra, một là IPO sau đó niêm yết, hai là bán vốn cho cổ đông chiến lược.

"Nếu theo phương án IPO thì định giá của FE Credit có thể còn cao hơn, thậm chí lên đến 4 tỷ USD. Nhưng chúng tôi quyết định hợp tác với SMBC để tận dụng nguồn vốn rẻ và kinh nghiệm từ họ nhằm tiếp tục phát triển FE Credit lên những tầm cao mới", ông Dũng nói.

Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết thêm: "Không phải VPBank bỏ đi 'gà đẻ trứng vàng'. FE Credit vẫn là thành viên quan trọng của VPBank. Sau khi bán vốn tại FE Credit, lợi nhuận của công ty này sẽ vẫn được hạch toán hợp nhất vào báo cáo tài chính của VPBank".

Sau thương vụ này, ông Vinh cho hay hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng sẽ vượt quá 20%.

"Ban lãnh đạo ngân hàng chắc chắn sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh, đặc biệt là ở các phân khúc chiến lược như bán lẻ và SME. Bên cạnh đó, trước đây ngân hàng chưa có nhiều vốn nên chưa thể mở rộng kinh doanh ra một số mảng thì nay, ngân hàng sẽ tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới", ông Vinh nói.

Sau khi bán 50% vốn tại FE Credit, cùng với lợi nhuận tích lũy và thu nhập từ việc ký lại hợp đồng bảo hiểm, Tổng giám đốc VPBank cho biết vốn chủ sở hữu cuối năm 2021 của ngân hàng có thể lên đến 90.000 tỷ đồng.

Với lượng vốn "khủng" này, năm 2022, dự kiến ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 75.000 tỷ đồng.

Mặc dù nguồn vốn sẽ rất dồi dào nhưng theo tiết lộ từ Chủ tịch Ngô Chí Dũng, VPBank vẫn đang lên kế hoạch huy động thêm vốn thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài, có thể thực hiện vào cuối năm nay.

Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh thông tin thêm, ngân hàng có thể sẽ dùng thêm cả lượng cổ phiếu quỹ hiện có để bán cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình cổ đông đã được thông qua.

* * *

Ngay trước thềm đại hội, VPBank thông báo đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (Tập đoàn SMBC) để bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit). Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do Tập đoàn SMBC sở hữu 100% vốn, là pháp nhân đứng ra mua phần vốn góp này.

Phía VPBank cho biết trong thương vụ này, FE Credit được định giá 2,8 tỷ USD.

Theo tài liệu đại hội, VPBank trình cổ đông thông qua Phương án chuyển nhượng tối đa 50% phần vốn góp của VPBank tại FE Credit (tương đương 50% vốn điều lệ), trong đó, chuyển nhượng 49% vốn tại FE Credit cho SMBC Consumer Finance và chuyển nhượng 1% vốn cho Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC).

Năm 2021, VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 17,4%, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 10,5%. Dư nợ cấp tín dụng dự kiến tăng 16,6%, tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ dưới 3%.

Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế mục tiêu năm 2021 của VPBank là 16.654 tỷ đồng, tăng 27,9% so với năm ngoái.

HĐQT VPBank yêu cầu ban điều hành ngân hàng tiếp tục mục tiêu tăng trưởng chất lượng, song song với việc tăng trưởng quy mô và hiệu quả; tối ưu hóa hạn mức tín dụng, đặc biệt tập trung đẩy mạnh các phân khúc chiến lược. Cùng với đó, nâng cao chất lượng tài sản và kiểm soát rủi ro; quản trị chặt chẽ các rủi ro tiềm ẩn, sẵn sàng các kịch bản nếu dịch bệnh có diễn biến phức tạp hơn trong năm 2021.

Đa dạng hóa nguồn vốn và tối ưu bảng cân đối tiếp tục là 2 trọng tâm sẽ được đẩy mạnh trong năm 2021 để giúp VPBank nâng cao tính cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt, đẩy mạnh các chương trình số hóa, song song với việc siết chặt các biện pháp đảm bảo an toàn trong giao dịch trên các nền tảng số, nâng cao độ ổn định của các hệ thống công nghệ nền tảng, xây dựng thương hiệu VPBank như một ngân hàng thân thiện nhất với khách hàng nhờ áp dụng công nghệ.

Ngoài ra, kiện toàn các biện pháp tối ưu hóa quy trình vận hành, tự động hóa các bước công việc, để rút ngắn thời gian xử lý giao dịch và giảm thiểu lỗi vận hành, qua đó tăng năng suất lao động và giảm chi phí xử lý giao dịch.

Tại đại hội, HĐQT VPBank trình cổ đông thông qua kế hoạch không chia cổ tức, đồng nghĩa giữa lại khoản lợi nhuận 8.851 tỷ đồng còn lai sau trích quỹ bắt buộc nhằm giữ lại nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Song song, trình cổ đông thông qua chủ trương bán 15 triệu cổ phiếu quỹ cho cán bộ công nhân viên (cổ phiếu ESOP) với giá ưu đãi 10.000 đồng/cổ phiếu.

HĐQT VPBank cũng trình cổ đông phê duyệt chủ trương một số nội dung và các vấn đề phân công, giao nhiệm vụ cho HĐQT, trong đó có nội dung liên quan đến bán vốn tại công ty con.

Cụ thể, thông qua phương án bán vốn đầu tư (phần vốn góp, cổ phần) của VPBank tại các công ty con như sau: (i) tỷ lê bán: toàn bộ hoặc một phần tùy thuộc vào thỏa thuận với nhà đầu tư với mức tối đa trong phạm vi pháp luật cho phép; (ii) giá mua bán phần vốn góp: không thấp hơn giá trị của phần vốn điều lệ tương ứng; (iii) đối tác mua bán: nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật; (iv) trường hợp chuyển nhượng một phần vốn điều lệ, đồng ý hình thức pháp lý của công ty con đó sau chuyển nhượng vốn là công ty cổ phần hoặc công ty TNHH hai thành viên trở lên, tùy thuộc vào thỏa thuận với nhà đầu tư và trên cơ sở phù hợp với các quy định pháp luật.

Giao và ủy quyền cho HĐQT tìm kiếm nhà đầu tư, thỏa thuận với nhà đầu tư và quyết định các vấn đề liên quan đến giao dịch chuyển nhượng vốn của VPBank tại các công ty con.

Tin mới lên