M&A

ĐHĐCĐ FECON: Nới room ngoại lên 100%, đẩy mạnh đầu tư và M&A

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của Công ty Cổ phần FECON (HOSE: FCN) ngày 27/4 đã thông qua kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận năm 2018 với tỷ lệ tăng trên 50%.

ĐHĐCĐ FECON: Nới room ngoại lên 100%, đẩy mạnh đầu tư và M&A

ĐHĐCĐ FECON: Nới room ngoại lên 100%, đẩy mạnh đầu tư và M&A.

Để thực hiện điều đó, FECON sẽ tái cấu trúc mạnh mẽ thông qua việc nới room ngoại và đẩy mạnh các hoạt động thoái vốn, đầu tư, M&A.

Tự tin với mục tiêu khủng năm 2018

Trình bày báo cáo của Hội đồng quản trị trước các cổ đông, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT FECON cho biết, toàn hệ thống FECON năm 2017 đã đạt doanh thu hợp nhất 2.320 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất 177,5 tỷ đồng, chưa đạt như kỳ vọng và kế hoạch đặt ra.

Nguyên nhân kết quả kinh doanh không đạt kế hoạch, ông Khoa lý giải, đó là do chủ yếu các dự án nằm trong kế hoạch chậm triển khai do phụ thuộc tình hình giải phóng mặt bằng và nguồn vốn của các chủ đầu tư, bao gồm các dự án Nhiệt điện Nam Định, Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhiệt điện Vân Phong, Hóa dầu Long Sơn... 

Bên cạnh đó, mảng truyền thống thi công nền móng cạnh tranh khốc liệt và không lành mạnh từ các đối thủ, dẫn đến lợi nhuận các dự án không thể cải thiện nhiều trong năm, đặc biệt là các dự án liên quan đến mảng bất động sản và các dự án quy mô nhỏ.

Tuy nhiên, trong năm 2017, công ty đã tiến hành và thực thi tốt một số trọng tâm như: quản lý chi phí và dòng tiền hiệu quả; tập trung hợp tác đầu tư với các đối tác trong và ngoài nước cho những dự án đầu tư có hiệu quả cao thuộc lĩnh vực: Hạ tầng giao thông, Hạ tầng năng lượng, Xử lý chất thải rắn và chống ngập; vận hành hệ thống quản trị một cách hiệu quả đồng thời thực hành tốt các công cụ hỗ trợ cho quản trị điều hành; phát triển lực lượng thi công; đẩy mạnh các hoạt động Phát triển công nghệ, Đào tạo nội bộ, hoạt động thương hiệu, hoạt động kết nối, qua đó xây dựng văn hóa công ty ngày càng trở nên đặc sắc.

Về cơ sở để thực hiện thành công mục tiêu năm 2018, ông Trần Trọng Thắng, Tổng giám đốc FECON lý giải, các dự án theo đuổi từ 2017 và các dự án mới năm 2018 trọng điểm quốc gia như Nghi Sơn 2, Lọc hóa dầu Long Sơn, nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất, các dự án hạ tầng tiếp tục theo đuổi tại TP. HCM, các dự án đầu tư gồm điện mặt trời, điện gió… là cơ sở để FECON đặt ra mục tiêu tham vọng trên.

Theo ông Thắng, tổng giá trị hợp đồng ký từ đầu năm 2018 đến nay là 1.200 tỷ đồng, cùng với các hợp đồng chuyển tiếp từ năm 2017, tổng giá trị các gói thầu công ty thực hiện trong quý I và quý II là khoảng 2.000 tỷ đồng.

Ông Thắng cho biết, kết quả kinh doanh quý I vừa qua đạt 420 tỷ đồng, lợi nhuận xấp xỉ 30 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 43% và 40% so với cùng kỳ năm 2017. Doanh thu quý II/2018 dự kiến đạt 600 - 700 tỷ đồng.

Báo cáo của HĐQT cũng cho biết, trong năm 2018, FECON tập trung hợp tác đầu tư với các đối tác trong và ngoài nước cho các dự án có hiệu quả cao thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông, Hạ tầng năng lượng sạch, Xử lý chất thải rắn và chống ngập, chống xói lở; Tập trung triển khai đầu tư ít nhất 1 dự án năng lượng, 1 dự án giao thông.

Tái cấu trúc mạnh mẽ cả bên trong và bên ngoài

Cùng với việc mở rộng lĩnh vực hoạt động từ nhà thầu xây dựng sang đầu tư các dự án năng lượng, giao thông, FECON cũng triển khai hoạt động tái cấu trúc mạnh mẽ trong năm 2018.

Điều này thể hiện rõ qua việc tại Đại hội hôm nay, HĐQT đã trình và được ĐHĐCĐ thông qua việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với cổ phiếu của Công ty lên 100%. Theo lý giải từ FECON, việc nâng tỷ lệ nhằm mục đích phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài, tạo thanh khoản cho cổ phiếu, đảm bảo lợi ích của cổ đông.

Trao đổi tại Đại hội, ông Phạm Việt Khoa cho hay, FECON đã tiếp xúc 5 nhà đầu tư mong muốn làm cổ đông chiến lược, trong đó 2 doanh nghiệp tiềm năng là các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản. Theo ông Khoa, tiêu chí để lựa chọn cổ đông chiến lược là vững mạnh tài chính, có uy tín trên thị trường quốc tế, có khả năng mang đến cho FECON các dự án lớn, đưa FECON vào mạng lưới đối tác của các cổ đông chiến lược.

"Theo cam kết thì tôi không được tiết lộ. Hy vọng khoảng 2 tháng nữa, thông tin này sẽ được tiết lộ và xin ý kiến cổ đông bằng văn bản", ông Khoa nói.

Đồng thời, Công ty cũng sẽ tái cấu trúc tổ chức hoạt động các Phòng/Ban theo mô hình Service Center, tái cấu trúc lại một số đơn vị thành viên gồm FECON INS, FC Hải Đăng, FC Miltec & FGH; thoái vốn một số danh mục đầu tư kém hiệu quả và đầu tư mua bán - sáp nhập (M&A) một đến hai công ty liên quan đến xây dựng công nghiệp.

Theo ông Khoa, việc M&A sẽ giúp FECON đảm bảo các điều kiện về hồ sơ năng lực để tham gia đấu thầu và là thầu chính trong các dự án xây dựng, qua đó quản lý dòng tiền hiệu quả.

"FECON đang xem xét 2 công ty, một ở miền Bắc và một ở miền Nam, nếu họ tăng vốn thì có thể vào 30-35%. Định hướng là để đi cùng nhau chứ không thôn tính", ông Khoa khẳng định.

Tin mới lên