Dịch Covid-19: Châu Âu bùng nổ số ca nhiễm, Mỹ cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia

Minh Đăng - 12/03/2020 09:02 (GMT+7)

(VNF) - Toàn châu Âu được đặt trong tình trạng báo động sau khi bùng nổ số ca nhiễm và tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét đề xuất ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trước dịch Covid-19, theo đạo luật Stafford.

VNF
Italy hiện là một trong những điểm bùng phát dịch Covid-19 mạnh nhất thế giới.

Italy: Số người chết vì Covid-19 tăng kỷ lục

Italy hiện là một trong những điểm bùng phát dịch Covid-19 mạnh nhất thế giới. Trong ngày 11/3, số ca tử vong do nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch Covid-19 tại Italy tăng thêm 196 ca, nâng tổng số người chết do dịch bệnh lên 827 ca.

Tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Italy cũng tăng mạnh lên 12.462 ca so với 10.149 ca một ngày trước đó. Tuy nhiên, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết khoảng 600 ca nhiễm mới được xác nhận vào 10/3 nhưng đến 11/3 mới được báo cáo.

Chính phủ Italy hồi đầu tuần đã ban bố lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước với hơn 60 triệu dân, yêu cầu người dân hạn chế đi lại, tránh tụ tập đông người.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 11/3 tiếp tục siết lệnh phong tỏa, yêu cầu toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar đóng cửa ít nhất 2 tuần, ngoại trừ các hiệu thuốc và cửa hàng kinh doanh thực phẩm, nhu yếu phẩm.

Pháp: 2.281 người nhiễm virus SARS-CoV-2

Pháp ghi nhận thêm con số kỷ lục 15 ca tử vong có liên quan tới dịch Covid-19 trong ngày 11/3, nâng tổng số người chết từ đầu mùa dịch lên con số 48. Cũng trong vòng 24 giờ qua, Pháp thiết lập kỷ lục mới về số ca nhiễm SARS-CoV-2, với gần 500 trường hợp mới, nâng tổng số người nhiễm dịch lên 2281.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho biết Pháp hiện đang ở giai đoạn 2 của dịch. Mục tiêu của giai đoạn 2 vẫn sẽ là kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.

Chính phủ Pháp ban hành lệnh cấm người dân đến thăm các cơ sở dưỡng lão, các cơ sở chăm sóc y tế dài hạn, nơi ở tập trung của những người cao tuổi - đối tượng rất nhạy cảm và dễ bị virus Sars-CoV-2 tấn công. Chỉ những trường hợp thực sự cần thiết và có sự đồng ý của người quản lý các cơ sở này, mới được thực hiện.

Tây Ban Nha trở thành ổ dịch lớn thứ 2 tại châu Âu

Cho tới nay, Tây Ban Nha ghi nhận 2.140 ca nhiễm và 48 ca tử vong vì Covid-19, đưa nước này trở thành ổ dịch lớn thứ hai tại châu Âu, sau Italy.

Madrid vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 tại Tây Ban Nha, chiếm một nửa số ca nhiễm và 31 ca tử vong.

Các nhà chức trách Tây Ban Nha đã nhanh chóng triển khai hàng loạt biện pháp để kiểm soát dịch bệnh, bao gồm đóng cửa các trường học, bảo tàng tại Madrid, khử trùng phương tiện công cộng tại thủ đô và cấm các chuyến bay từ Italia.

Đức: Nghị sĩ Quốc hội đầu tiên nhiễm bệnh 

Người phát ngôn đảng đoàn Dân chủ Tự do (FDP) trong Quốc hội Đức tối 11/3 xác nhận một nghị sĩ quốc hội liên bang của đảng này đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hiện những người liên quan tới nghị sĩ FDP nêu trên đã được cách ly phòng ngừa tại nhà.

Trước đó, khoảng 15 nghị sĩ đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và nhân viên làm việc trong Quốc hội Đức đã phải cách ly tại nhà phòng nguy cơ bị lây nhiễm do đã có tiếp xúc với một trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đến từ Bộ Tư pháp liên bang.

Đức hiện có 1.908 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và 3 trường hợp tử vong ở Nordrhein-Westfalen.

Iran: 354 ca tử vong

Iran ghi nhận thêm 63 ca tử vong vì dịch Covid-19 trong ngày 11/3, con số cao nhất trong một ngày tại nước này, nâng tổng số người chết lên 354.

Cũng trong ngày 11/3, Iran ghi nhân thêm 958 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 9.000.

Iran hiện chưa áp các lệnh phong tỏa bắt buộc, nhưng giới chức liên tục kêu gọi người dân hạn chế đi lại, đồng thời sử dụng biện pháp đóng cửa các khách sạn và nơi cư trú khác để kiềm chế dòng người.

Một số quan chức Iran đã tử vong vì dịch Covid-19, trong đó có Fatemeh Rahbar, nữ nghị sĩ đại diện cho Tehran và Mohammad Mirmohammadi, cố vấn cho lãnh tụ tinh thần tối cao. Một số quan chức cấp cao Iran cũng nhiễm nCoV, như Phó tổng thống Masoumeh Ebtekar và Thứ trưởng Y tế Iraj Harirchi.

Ông Trump cân nhắc ban bố trình trạng khẩn cấp quốc gia

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/3 tuyên bố sẽ cấm cửa du khách từ châu Âu, ngoại trừ Anh, trong một tháng bắt đầu từ 13/3 nhằm ngăn chặn sự lây lân của dịch Covid-19.

Tại Mỹ hiện có khoảng 1.300 ca nhiễm và 38 ca tử vong. 23 bang tại Mỹ và thủ đô Washington. DC đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Tổng thống Trump đang xem xét đề xuất ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trước dịch bệnh Covid-19, theo đạo luật Stafford.

Ông Trump cho biết chính quyền của ông sẽ cung cấp gói cứu trợ kinh tế khẩn cấp đối với những người Mỹ bị ảnh hưởng bởi Covid-19. 

Xem thêm >> Bầu cử Mỹ 2020: Ông Joe Biden khả năng cao sẽ là người đối đầu với Tổng thống Trump

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.