Tiêu điểm

Điện mặt trời mái nhà tự dùng: Khuyến khích nhưng thiếu cơ chế, sẵn tiền vẫn khó đầu tư

(VNF) - Quy hoạch điện VIII đã phê duyệt nhưng hiện chưa có quy định, hướng dẫn đầu tư, lắp đặt cụ thể rõ ràng cho mô hình điện mặt trời mái nhà tự dùng. Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất còn lúng túng, chưa chủ động được việc đầu tư và phát triển.

Điện mặt trời mái nhà tự dùng: Khuyến khích nhưng thiếu cơ chế, sẵn tiền vẫn khó đầu tư

Dù Quy hoạch điện VIII đã ra đời nhưng hiện chưa có quy định, hướng dẫn đầu tư, lắp đặt cụ thể rõ ràng cho mô hình điện mặt trời mái nhà tự dùng.

Quy định thiếu rõ ràng

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) vừa được ban hành được thiết kế mang đậm chất chuyển dịch năng lượng. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm 31 - 39%; năm 2050 là 67,5 - 71,5%. 

Đặc biệt, Quy hoạch điện VIII nêu rõ: điện mặt trời mái nhà được ưu tiên phát triển cho mô hình tự dùng nhằm phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp cần không giới hạn công suất, với giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp lưới tải, nên cần ban hành chính sách đột phá để phát triển.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Hà Mạnh - Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 cho biết: Sản lượng tiêu thụ của May 10 chiếm đến 90% là xuất khẩu nên yêu cầu phải chứng minh được xanh hóa trong sản xuất đang là điều kiện tất yếu của doanh nghiệp. Trong đó có quy trình sử dụng năng lượng tái tạo là điều kiện bắt buộc.

Hiện tại May 10 đã triển khai đưa vào sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà cho nhà máy dự án mới Bỉm Sơn Thanh Hóa từ giữa tháng 4/2023.

“Sau nhà máy ở Bỉm Sơn, hiện tại chúng tôi đang có kế hoạch lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) cho nhà máy của May 10 tại Đồng Hới - Quảng Bình, nhà máy Hưng Hà tỉnh Thái Bình…Tuy nhiên, hiện nay quy định lắp đặt điện mặt trời mái cho mô hình tự dùng chưa rõ ràng, nên doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn”, Ông Mạnh chia sẻ.

Với các điều kiện thị trường hiện nay, giá thành điện từ năng lượng xanh đã thấp hơn giá thành mua từ EVN nên việc này là một lợi ích lớn, liên quan đến chi phí điều hành doanh nghiệp. Do đó khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp lúc này là hành lang pháp lý chưa được rõ ràng và minh bạch để doanh nghiệp yên tâm đầu tư lắp đặt.

Ông Vũ Văn Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ xanh Hùng Việt cho biết; bên cạnh những điều chỉnh, đề xuất hoàn thiện về hành lanh pháp lý thì các cơ quan đồng hành cùng doanh nghiệp cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các chủ doanh nghiệp. Bởi hiện vẫn còn một bộ phận các doanh nghiệp chưa hiểu rõ về vai trò và ý nghĩa của năng lượng xanh trong sản xuất. 

“Trước những yêu cầu bắt buộc của các ngành hàng xuất, tôi tin rằng từ Quy hoạch điện VIII, các hướng dẫn liên quan được ban hành, sẽ có nhiều doanh nghiệp nhanh chóng sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất, mục tiêu giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050 sẽ sớm từng bước hiện thực hóa”, ông Hải kỳ vọng. 

Quyết định chung chung, doanh nghiệp khó triển khai

Theo các doanh nghiệp, hiện nay việc lắp điện mặt trời mái nhà đang gặp nhiều vướng mắc bởi tiêu chí, nhất là với doanh nghiệp tự lắp đặt phục vụ cho mục tiêu kinh doanh và sản xuất. Doanh nghiệp nhiều khi chỉ nhận được những quyết định mang tính chung chung của các công ty điện lực địa phương, không biết triển khai như thế nào.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) thông tin, mới đây VASEP nhận được văn bản các doanh nghiệp thành viên cho biết có nhu cầu lắp điện mặt trời áp mái cho nhà máy thủy sản và bao bì.

Đại diện VASEP mong muốn Chính phủ nhanh chóng ban hành cơ chế lắp đặt điện mặt trời áp mái để các công ty chuyên về lĩnh vực này có thể áp dụng và giúp doanh nghiệp trong ngành lắp đặt, đáp ứng được trách nhiệm môi trường từ các nước nhập hàng đang yêu cầu. 

“Đồng thời, Bộ Công thương nhanh chóng hỗ trợ về cơ chế để doanh nghiệp nhanh chóng đầu tư và lắp đặt điện mặt trời áp mái được đấu nối và có lắp đặt thiết bị chống phát ngược”, ông Nam nói. 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, Quy hoạch điện VIII ra đời là rất tốt, nhưng chi tiết về quản lý cần được chuẩn hóa để có một tiêu chuẩn thống nhất trên cả nước.

“Các nhà phát triển năng lượng mặt trời, điện áp mái cần phải có tầm nhìn, đưa ra các khả năng an toàn trong lắp đặt và sử dụng. Về phía cơ quan quản lý cũng cần tính đến phương án đưa phần điện dư thừa lên hệ thống lưới điện để tạo ra nguồn thu cho doanh nghiệp thực hiện lắp đặt năng lượng tái tạo, năng lượng xanh”, ông Giang nói.

Tin mới lên