Tài chính

Định giá TTCK Việt Nam chưa rẻ?

(VNF)- Không chỉ chứng khoán Việt Nam, trong năm 2018 thị trường chứng khoán Trung Quốc và Thái Lan cũng lao dốc với mức giảm 23% và 13%, đưa P/E của các thị trường này xuống 13.7x và 16.5x. Thị trường Việt Nam đang giao dịch ở định giá tương đương với Malaysia (17.7x) và thấp hơn thị trường Indonesia (20.6x) và Philippines (18.9x).

Định giá TTCK Việt Nam chưa rẻ?

P/E TTCK Việt Nam hiện tại vẫn khá cao so với lịch sử 5 năm gần đây và chưa rẻ hơn đáng kể so với các thị trường trong khu vực.

Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa đưa ra báo cáo thị trường tài chính tiền tệ tháng 6+7/2018.

Thị trường chứng khoán đã đủ hấp dẫn?

Theo SSI, thị trường chứng khoán tháng 6 và đầu tháng 7 tiếp tục nối dài xu hướng giảm tạo ra chuỗi giảm mạnh nhất trong nhiều năm. Sau khi chạm ngưỡng hỗ trợ mạnh 920-930 và phục hồi nhẹ vào đầu tháng 6, chỉ số VN-Index tiếp tục giảm sâu phá vỡ ngưỡng 900 điểm, về mức thấp nhất là 893,16 điểm vào phiên ngày 11/7, giảm 25,8% so với mức đỉnh 1.204 và giảm 9,3% so với cuối năm 2017.

Khối lượng giao dịch không được cải thiện, kết hợp với tâm lý của nhà đầu tư bị tác động tiêu cực bởi các sự kiện trên thị trường quốc tế như FED tăng lãi suất, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và các đối tác leo thang khiến cho chỉ số thị trường chưa thể thoát khỏi xu hướng giảm.

Thị trường trong nước thiếu vắng thông tin hỗ trợ trong khi MSCI chưa xem xét nâng hạng đối với thị trường Việt Nam khiến cho nhà đầu tư rụt rè trong việc giải ngân, điều này đã được phản ánh qua số liệu thanh khoản thị trường tháng 6. Giá trị giao dịch bình quân hai sàn trong tháng 6 chỉ đạt 5.623 tỷ và tiếp tục giảm xuống 3.911 tỷ đồng trong 2 tuần đầu tháng 7, mức thấp nhất trong 17 tháng.

Tháng 6 cũng là tháng thứ 5 liên tiếp nhà đầu tư nước ngoài duy trì đà bán ròng trên thị trường khớp lệnh, tuy nhiên quy mô bán ròng đã giảm đáng kể so với 2 tháng trước xuống mức 1.800 tỷ đồng. Nếu tính cả giao dịch thỏa thuận thì khối ngoại tiếp tục mua ròng nhẹ 201 tỷ đồng trong tháng. Thị trường tiếp tục bị bán ròng 1.557 tỷ đồng khớp lệnh trong hai tuần đầu tháng 7 và chỉ mua ròng 117 tỷ đồng thỏa thuận.

Tính chung từ đầu năm, tổng giá trị mua ròng của khối ngoại là 33.876 tỷ đồng, trong đó khối này mua ròng qua kênh thỏa thuận với giá trị 44.558 tỷ đồng nhưng bán ròng 10.681 tỷ đồng khớp lệnh tạo áp lực rất lớn lên tâm lý thị trường.

SSI cho hay, hiện tại định giá P/E của thị trường đã giảm xuống 17.2x, tương đương thời điểm trước sóng tăng mạnh kéo dài 6 tháng từ tháng 10/2017. Tuy nhiên, mức định giá này vẫn khá cao so với lịch sử 5 năm gần đây. Trong giai đoạn từ 2012-2017, P/E của VN-Index dao động trong khoảng từ 10.3x – 17.4x, với mức trung bình ở 13.8x.

Định giá của thị trường Việt Nam cũng chưa rẻ hơn nhiều so với các thị trường trong khu vực. Không chỉ chứng khoán Việt Nam, trong năm 2018 thị trường chứng khoán Trung Quốc và Thái Lan cũng lao dốc với mức giảm -23% và -13%, đưa P/E của các thị trường này xuống 13.7x và 16.5x. Thị trường Việt Nam đang giao dịch ở định giá tương đương với Malaysia (17.7x) và thấp hơn thị trường Indonesia (20.6x) và Philippines (18.9x)”, SSI cho biết thêm.

Thị trường phái sinh có hút vốn từ thị trường cơ sở?

Trong khi thị trường chứng khoán cơ sở giao dịch ảm đạm, chứng khoán phái sinh tiếp tục lên ngôi và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Thanh khoản thị trường liên tục bứt phá tạo các kỷ lục mới khối lượng 164.872 HĐ trong phiên ngày 6/7, tương đương 14.705 tỷ đồng, gấp 3 lần giao dịch trên thị trường cơ sở.

Thị trường phái sinh phát huy lợi thế giúp nhà đầu tư tận dụng được xu hướng giá xuống và giao dịch trong ngày T+0. Thanh khoản thị trường phái sinh tăng là hệ quả của sự thiếu cơ hội đầu tư trên thị trường cơ sở.

“Mặc dù thanh khoản gia tăng, giao dịch trong ngày chiếm đại đa phần các giao dịch phái sinh. Khối lượng giao dịch trong ngày gấp khoảng 10 lần khối lượng mở (OI) cuối ngày. Đây cũng là điểm khác biệt rất lớn giữa thị trường Việt Nam và các thị trường phát triển, nơi khối lượng giao dịch là thiểu số so với khối lượng mở do xu hướng đầu tư mang tính dài hạn hơn”, SSI nhìn nhận.

Cùng với khối lượng giao dịch gia tăng, khối lượng mở cũng có sự cải thiện, tuy nhiên mức tăng không đáng kể. Trong khi KLGD bình quân phiên trong 1 tháng gần đây đã tăng gấp 3 lần mức độ giao dịch hồi đầu năm, từ 40.000 HĐ lên 130.000 HĐ/phiên, OI chỉ tăng nhẹ từ mức trung bình hơn 10.000 HĐ lên 14.000 HĐ trong tháng 7.

Bên cạnh đó, do giá trị một hợp đồng đã giảm đáng kể, tổng giá trị OI vẫn chỉ ở khoảng 1200 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 1000 tỷ đồng trong những tháng đầu năm. Đây là tổng giá trị danh nghĩa của các hợp đồng tương lai đang giao dịch, giá trị thực tế của dòng vốn đầu tư vào thị trường nhỏ hơn do hiệu ứng đòn bẩy phái sinh.

“Giá trị này không đáng kể so với lượng tài sản trên thị trường cơ sở và thực tế cũng tăng không nhiều khi thị trường cơ sở lao dốc. Do đó, không có đủ cơ sở để cho rằng thị trường phái sinh đã thu hút vốn từ thị trường chứng khoán cơ sở”, SSI nhận định.

Về vấn đề điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ, từ ngày 18/7, tỷ lệ ký quỹ ban đầu được VSD nâng từ mức 10% lên 13% nhằm giảm thiểu rủi ro trên thị trường phái sinh. Việc nâng tỷ lệ ký quỹ ban đầu đồng nghĩa với việc cắt giảm tỷ lệ đòn bẩy đối với nhà đầu tư phái sinh.

Tỷ lệ ký quỹ thực tế sau khi tính toán cộng thêm các ngưỡng sử dụng tài khoản cho phép và biên độ dao động giá sẽ cao hơn tỷ lệ ký quỹ thông báo. Với tỷ lệ ký quỹ 10% như trước đây, thì tỷ lệ ký quỹ thực tế tối thiểu các công ty chứng khoán có thể áp dụng là 12,5%, tương đương tỷ lệ đòn bẩy là 1:8. Với tỷ lệ ký quỹ mới áp dụng là 13%, tỷ lệ ký quỹ thực tế cũng phải nâng lên tương ứng trên 16% để đảm bảo cho các CTCK không vi phạm quy chế của VSD, tương đương tỷ lệ đòn bẩy giảm xuống 1:6.

“Mặc dù tỷ lệ đòn bẩy giảm, các lợi thế về giao dịch T+0 và bán trước mua sau trong xu thế giá xuống vẫn là lợi thế quan trọng của các hợp đồng tương lai. Việc tăng tỷ lệ ký quỹ sẽ dẫn đến một số tài khoản bị gọi bổ sung ký quỹ. Tuy nhiên nhà đầu tư có thể lựa chọn bổ sung ký quỹ để duy trì số lượng hợp đồng đang nắm giữ, hoặc đóng bớt vị thế hợp đồng mà không cần phải bổ sung tiền. Do đó, quyết định nâng tỷ lệ ký quỹ có thể không tác động nhiều tới dòng tiền trên thị trường phái sinh cũng như thị trường cơ sở”, SSI nêu quan điểm.

Theo SSI, việc thay đổi tỷ lệ ký quỹ không phải hiếm trên thế giới. Đây là công cụ để các sở giao dịch điều tiết thị trường bằng cách điều chỉnh linh hoạt tỷ lệ này phù hợp với diễn biến thị trường và mức độ rủi ro hiện hữu. Cụ thể, có thể nâng tỷ lệ ký quỹ khi nhận thấy rủi ro thị trường đang có xu hướng gia tăng và giảm tỷ lệ ký quỹ khi rủi ro giảm bớt.

Tin mới lên