Tài chính

Doanh nghiệp bán lẻ sẵn sàng cho chu kỳ tiêu dùng mới

(VNF) - Khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023 và đại hội cổ đông đi qua, các doanh nghiệp lại tiếp tục tìm hướng đi mới trong bối cảnh các yếu tố khó đoán của nền kinh tế trong và ngoài nước vẫn đang hiện hữu.

Doanh nghiệp bán lẻ sẵn sàng cho chu kỳ tiêu dùng mới

Khởi đầu gập ghềnh

Trong quý I/2023, lợi nhuận ròng của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) giảm mạnh 98,5% so với cùng kỳ, xuống mức thấp kỷ lục 10 năm trở lại đây. Kết quả này đã phản ánh tác động tiêu cực của nhu cầu tiêu dùng giảm trong bối cảnh lãi suất cao, tâm lý thận trọng, trì hoãn chi tiêu của loạt nhóm khách hàng. Kết thúc quý này, doanh thu thuần MWG cũng giảm 28% so cùng kỳ; lợi nhuận gộp giảm 36%, tương ứng mức giảm ròng hơn 2.900 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Dòng sản phẩm ICT vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh số của chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh nhưng cũng phải ghi nhận nguồn thu sụt giảm 40% do sức cầu yếu. Bách Hoá Xanh cũng giảm tới 20% về số điểm bán so với quý I/2022.

Cũng ghi nhận kết quả kinh doanh lao dốc, Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HoSE: FRT) cho biết liên tục chịu ảnh hưởng xấu từ áp lực giảm cầu, sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường bán lẻ, đặc biệt là tại chuỗi FPTShop. Áp lực trên đã làm doanh thu thị trường chung của FRT sụt giảm rất mạnh trong quý vừa qua. Tuy vẫn duy trì được mức doanh thu quý I/2023 đi ngang so với cùng kỳ, đạt 7.752 tỷ đồng, nhưng lãi sau thuế của doanh nghiệp giảm tới 99% chỉ còn 2 tỷ đồng. Và với kết quả này, FRT chỉ hoàn thành vỏn vẹn 8,3% kế hoạch lợi nhuận năm.

Từng khẳng định là “doanh nghiệp chưa có một quý nào lỗ”, trong quý I/2023, Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld, HoSE: DGW) ghi nhận doanh thu giảm 44% so với cùng kỳ đạt 3.900 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 78 tỷ đồng, giảm 63% so với quý I/2022.

Ban lãnh đạo Digiworld từng dự báo sức mua của ngành bán lẻ sẽ tiếp tục yếu cho đến năm 2024, nửa sau của năm 2023 có thể phục hồi so với nửa đầu 2023 nhưng không nhiều, sức mua được kỳ vọng sẽ quay trở lại bình thường vào nửa cuối năm 2024.

Sẵn sàng cho chu kỳ tiêu dùng mới

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), DGW đang đối mặt với một năm đầy thách thức trong năm 2023 khi tiêu dùng người dân suy giảm và sự thắt chặt tài chính tiêu dùng đối với sản phẩm không thiết yếu.

Tuy nhiên trên thực tế, trước bối cảnh khó khăn, DGW đã chủ động chuẩn bị loạt kế sách để đối phó với những “cơn gió ngược”, tìm kiếm cơ hội trong các ngành hàng mới.

Theo đó, “đi trước một bước”, DGW đã và đang gặt hái thành quả trong việc tìm cơ hội từ hướng đi mới là ngành hàng gia dụng. Trong 2 năm gần đây, DGW đã ký hợp đồng phân phối sản phẩm với nhiều thương hiệu tiềm năng như Whirlpool và Joyong trong ngành hàng gia dụng, hàng tiêu dùng với ABInBev và thiết bị công nghiệp thông qua sáp nhập Achison. Đây được đánh giá sẽ là chất xúc tác tăng trưởng cho công ty trong giai đoạn tiếp theo của tiêu dùng Việt Nam.

Với việc liên tục mở rộng phân phối qua các nhóm hàng và phân khúc mới, DGW sẽ đa dạng hóa hơn để giảm rủi ro phụ thuộc vào phân phối ICT. Công ty chứng khoán VNDirect kỳ vọng doanh thu thiết bị gia dụng, hàng tiêu dùng và thiết bị công nghiệp sẽ tăng tỷ trọng trong doanh thu của DGW trong 2023-2026, tăng từ 11,9% trong năm 2023 lên 17,6% trong năm 2026.

Năm 2022, FPTShop của FRT cũng đã thử nghiệm bán hàng gia dụng và ghi nhận tín hiệu tích cực, đóng góp 2,5% tổng doanh thu với biên lãi gộp khá cao 20-25%. FRT kỳ vọng 3 năm tới, mảng này sẽ đóng góp tỷ trọng 15% tổng doanh thu chuỗi FPT Shop. Riêng năm 2023, theo kế hoạch của FRT, công ty sẽ tập trung vào việc từng bước cải thiện lãi gộp bằng cách bán thêm nhóm hàng gia dụng trong các cửa hàng FPTShop hiện hữu. Được biết, đến nay đã có hơn 300 cửa hàng FPTShop bán hàng gia dụng, dự kiến sẽ tăng lên con số 600 cửa hàng vào cuối năm.

Ngoài ra, công ty cũng dần mở rộng danh mục sản phẩm theo mô hình shop-in-shop. Theo tờ trình năm nay, FRT có thể sẽ bổ sung hàng loạt ngành mới vào như bán mô tô, xe máy; bảo dưỡng và sửa chữa mô tô, xe máy; bán phụ tùng và các bộ phận phụ trợ của mô tô, xe máy; bán lẻ xe đạp và phụ tùng trong các cửa hàng chuyên doanh; sửa chữa xe đạp, đồng hồ, đồ dùng cá nhân và gia đình khác chưa được phân vào đâu.

Cũng là đi tìm động lực tăng trưởng mới, trong bối cảnh ngành hàng ICT đã không còn yếu tố đột biến thì MWG lại chọn cách tham gia vào cuộc chiến hạ giá, mặc dù hướng đi này được ban lãnh đạo công ty đánh giá sẽ làm tỷ suất lợi nhuận giảm. “Với lợi thế tài chính mạnh và rủi ro hàng tồn kho được kiểm soát tốt, TGDĐ/ĐMX sẽ chủ động thực hiện chiến lược giá cả cạnh tranh để thu hút và giữ chân khách hàng”, lãnh đạo MWG cho biết.

Và, chiến lược hạ giá bước đầu đã cho thấy hiệu quả khi nhờ đẩy mạnh chương trình “giá rẻ quá” để thu hút khách hàng, doanh thu tháng 4/2023 của MWG hồi phục 20% so với tháng trước.

Theo ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG, chiến lược giá cạnh tranh không phải là hướng đi cho riêng năm 2023 khó khăn mà là hướng đi lâu dài để công ty phục vụ nhóm khách hàng yêu thích TGDĐ/ĐMX nhưng trước đây e ngại về giá.

“Nếu tình hình vĩ mô tốt trong 6 tháng cuối năm thì MWG sẽ về đích cả doanh thu và lợi nhuận, ngược lại thì chỉ về đích doanh thu”, lãnh đạo MWG khẳng định.

Đưa ra đánh giá chung về triển vọng của các doanh nghiệp bán lẻ, theo luận điểm của BSC, thị trường tiêu dùng Việt Nam là một thị trường tiềm năng trong thời gian tới nhờ vào dân số trên 100 triệu người và dân số trẻ với 70% người dưới 35 tuổi, trong đó phần lớn giới trẻ nắm bắt tốt xu hướng công nghệ. Cùng với đó là sự phát triển của thương mại điện tử và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu, đang kích thích nhu cầu của nhiều loại sản phẩm từ điện tử tiêu dùng đến thiết bị gia dụng.

Những yếu tố này dự kiến sẽ giúp tốc độ tăng trưởng doanh thu các sản phẩm này bền vững là 6 -10% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2026.
 

Tin mới lên