Tài chính

Doanh nghiệp bị đứt dòng tiền, trái phiếu sẽ ra sao khi đến kỳ đáo hạn?

(VNF) - Theo nhà sáng lập bất động sản EZ Property, những doanh nghiệp lớn đều có lượng phát hành trái phiếu rất lớn. Tuy nhiên, một vấn đề rất nghiêm trọng xảy ra đó chính là dòng tiền của doanh nghiệp lại không có, họ bị đứt dòng tiền, thậm chí một số doanh nghiệp lại "chết" trên đống tài sản hoặc có rất nhiều tài sản nhưng không có tiền… Đây chính là sự nguy hiểm.

Doanh nghiệp bị đứt dòng tiền, trái phiếu sẽ ra sao khi đến kỳ đáo hạn?

Thanh khoản trái phiếu sẽ khó khăn cho đến lúc nhà đầu tư bình tĩnh trở lại

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có quy mô ngày càng mở rộng nhưng nhiều hạn chế, như: có giai đoạn tăng nóng, cơ cấu thị trường còn thiếu cân đối, chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa cao, sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch.

Đặc biệt, các doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản tín dụng hoặc nợ trái phiếu đến hạn.

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy khối lượng trái phiếu đáo hạn của doanh nghiệp bất động sản, xây dựng trong giai đoạn 2022 – 2025 vào khoảng 374,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,9% tổng khối lượng đáo hạn. Với việc tập trung huy động khối lượng lớn, kỳ hạn chỉ khoảng 3-4 năm, trong khi thời gian thu hồi vốn các dự án bất động sản có thể kéo dài 5-10 năm, một số doanh nghiệp bất động sản có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán trái phiếu đã phát hành.

Đáng chú ý, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, một số vụ việc xảy ra gần đây liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với việc phát triển bền vững thị trường vốn, gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư.

“Trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là vấn đề rất nghiêm trọng sắp tới”

Trao đổi với VietnamFinance về chủ đề này, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property), cho rằng trái phiếu của các doanh nghiệp đáo hạn sẽ là một vấn đề rất nghiêm trọng trong thời gian tới.

Xét tất cả những doanh nghiệp hoạt động trên thị trường trái phiếu, ông Toản cho biết những doanh nghiệp lớn đều có lượng phát hành rất lớn. Tuy nhiên, một vấn đề rất nghiêm trọng xảy ra đó chính là dòng tiền của doanh nghiệp lại không có.

“Nhiều doanh nghiệp đang bị đứt dòng tiền, thậm chí một số doanh nghiệp lại chết trên đống tài sản hoặc có rất nhiều tài sản nhưng không có tiền. Bởi vì, họ không vay ngân hàng được, không bán hàng được… đó chính là sự nguy hiểm”, ông Toản nói.

Giải pháp trước mắt, ông Toản cho rằng doanh nghiệp phải đàm phán với trái chủ của mình để khoanh nợ, giãn nợ, để làm sao cùng thoát ra được. Trong trường hợp đến hạn nhưng tất cả cùng ép phải trả nợ thì doanh nghiệp có thể bị phá sản, lãnh đạo doanh nghiệp đi tù và nhà đầu tư bị thiệt hại.

“Trong tình huống tốt nhất bây giờ là doanh nghiệp nên đàm phán và phải đàm phán sớm với các trái chủ, thay vì nước đến chân mới nhảy”, ông Toản gợi ý.

“Thanh khoản khó khăn cho đến lúc nhà đầu tư bình tĩnh trở lại”

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, nhận định trên thị trường trái phiếu có những doanh nghiệp không có khả năng trả nợ xảy ra rất cao, song đây là điều bình thường trong thị trường vốn và không có gì bất thường.

Theo ông Hiển, trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cao hơn ngân hàng thì rủi ro sẽ cao hơn, đặc biệt với doanh nghiệp càng không tên tuổi lại có lãi suất càng cao.

Trong trường hợp nhà đầu tư mua phải trái phiếu mà doanh nghiệp vỡ nợ, vị chuyên gia nói: “Không có cách gì ngoài việc chờ cơ quan nhà nước xử lý”. Dù vậy, ông cũng nhấn mạnh một lần nữa chuyện này xảy ra là bình thường.

Cũng theo TS Đinh Thế Hiển, hiện nay, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng không đúng mục đích đang “vạ lây” những doanh nghiệp chân chính. Theo ông, trái phiếu của những doanh nghiệp bất động sản có dự án tốt và có chiến lược phát triển đang phải “gánh” theo trái phiếu của các công ty phát hành riêng lẻ hoặc công ty con của một số tập đoàn mà họ lập ra để gọi vốn một cách dưới chuẩn.

“Thị trường thanh khoản trái phiếu sẽ khó khăn cho đến lúc nhà đầu tư bình tĩnh trở lại và khi Chính phủ xử lý nghiêm những công ty làm gian dối thì lúc đó hoạt động trái phiếu dần dần mới trở lại bình thường”, ông Hiển nói và bình luận đây cũng là giai đoạn thanh lọc để lộ rõ hơn những doanh nghiệp làm tốt trên thị trường.

Đồng quan điểm với TS Đinh Thế Hiển, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup cũng cho rằng với trái phiếu phải chấp nhận thực tế là có nợ xấu như tín dụng ngân hàng mà trên thị trường vốn gọi là “vỡ nợ”.

“Chúng tôi đang làm việc để xin ý kiến của các cơ quan quản lý, thành viên thị trường để xây dựng phân hạng chất lượng tín dụng của trái phiếu, không tương thích hoàn toàn với 5 mức từ nợ bình thường đến mất vốn như của ngân hàng nhưng sẽ có mức nhất định trước khi doanh nghiệp thực sự hết tiền trả nợ”, Chủ tịch FiinGroup cho biết.

Theo ông Thuân, việc này không chỉ bảo vệ nhà đầu tư mà cũng đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động ổn định. “Trong nhiều tình huống, doanh nghiệp họ cũng chỉ mất thanh khoản tạm thời thôi, không trả được lãi vài ngày mà đã lên báo chí rồi cả thị trường rút tiền thì họ chết luôn. Chúng ta cần công bằng”, ông Thuân nhận định.

“Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dư nợ hiện nay khoảng 1,5 đến 1,6 triệu tỷ đồng thì chúng ta cũng không nên bất ngờ nếu có khoảng 1%, thậm chí 3% số doanh nghiệp chậm trả lãi, gốc; tức là khoảng 30 đến 50 nghìn tỷ”, Chủ tịch FiinGroup chia sẻ.

Để có cái nhìn khách quan về tình trạng vỡ nợ, nợ xấu trên thị trường trái phiếu, ông Thuân cho rằng nhà đầu tư nhìn sang các thị trường trong khu vực. Chẳng hạn Trung Quốc, quy mô thị trường trái phiếu của họ là 8.000 tỷ USD và nợ xấu khoảng 1,35%. Tuy nhiên muốn phát triển thị trường thì cũng phải chấp nhận một tỷ lệ nhất định như thế.

Tin mới lên