Tiêu điểm

Doanh nghiệp chông chênh vì độ vênh chính sách

(VNF) - Tình trạng các văn bản pháp luật không thống nhất khi quy định cùng một vấn đề là điều không hề mới nhưng đã không được giải quyết triệt để trong nhiều năm qua, khiến doanh nghiệp chông chênh như bơi một mình giữa biển lớn.

Doanh nghiệp chông chênh vì độ vênh chính sách

Ảnh minh họa

Chồng chéo quy định

Là người đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, ông Nguyễn Minh Đức - thành viên Ban Pháp chế VCCI, cho hay trong những năm gần đây, doanh nghiệp phản ánh khá nhiều về tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong các quy định liên quan đến đầu tư kinh doanh. Đây là “điểm nghẽn” của môi trường đầu tư hiện nay. Dù nhà nước đã có nhiều biện pháp khắc phục, thông qua các hoạt động rà soát, sửa đổi các quy định gây vướng, nhưng các hoạt động này chỉ mang tính chất “giải quyết tình huống”, sửa chữa một vài quy định bất cập mà chưa xem xét một cách tổng thể hệ thống văn bản pháp luật.

Từ thực tế kinh doanh, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã đưa ra ví dụ về sự chồng chéo, không thống nhất giữa các luật như: Luật Quy hoạch đô thị quy định dự án phải được chấp thuận chủ trương đầu tư rồi mới tiến hành làm quy hoạch và xin phê duyệt trong khi Luật Đầu tư 2020 lại quy định dự án muốn được chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải có quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Như vậy, chỉ một vấn đề nhưng hai luật quy định không thống nhất, không khác gì “đánh đố” doanh nghiệp. Một ví dụ khác là Luật Kinh doanh bất động sản, Điều 57 quy định bên bán chỉ được thu tiền đến 95% giá trị hợp đồng khi bên mua chưa được cấp giấy chứng nhận, nhưng Luật Đất đai lại quy định phải nộp 100% tiền thì cơ quan quản lý mới được cấp giấy chứng nhận. Hai luật quy định khác nhau khiến doanh nghiệp lúng túng, không biết đường nào mà lần.

Mắc kẹt giữa dự thảo luật và luật

Thực tế kinh doanh của các doanh nghiệp còn cho thấy những điều đáng quan ngại hơn câu chuyện quy định chồng chéo, ví dụ như mắc kẹt giữa luật và… dự thảo luật.

Chẳng hạn, Điều 172 Luật Đất đai 2013 (vẫn còn nguyên hiệu lực) quy định, doanh nghiệp thuê đất có quyền lựa chọn hình thức trả tiền một lần hoặc trả tiền hàng năm. Thông thường, các doanh nghiệp sẽ ưu tiên lựa chọn hình thức trả tiền một lần, vì vừa bảo đảm số tiền thuê đất không tăng đột biến các năm sau, vừa có quyền thế chấp quyền sử dụng đất để vay ngân hàng. Tuy nhiên, tháng 6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về đất đai. Nghị quyết yêu cầu phải hoàn thiện các quy định về cho thuê đất theo hướng cơ bản thực hiện hình thức thuê đất trả tiền hàng năm và quy định cụ thể các trường hợp thuê đất trả tiền một lần. Dựa theo đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến chỉ quy định đất nông nghiệp và đất khu công nghiệp được thuê trả tiền một lần, các loại đất thuê khác phải trả tiền hàng năm. Nhưng để bảo đảm quyền lợi doanh nghiệp, dự thảo Luật Đất đai cũng sẽ sửa đổi, cho phép vẫn có quyền chuyển nhượng và thế chấp đất trả tiền hàng năm.

Tại một hội thảo về pháp luật kinh doanh mới đây, một doanh nghiệp phản ánh việc áp dụng pháp luật khó hiểu của cơ quan nhà nước. Cụ thể, doanh nghiệp này thuê đất tại Hà Nội năm 2022 và muốn thuê đất trả tiền một lần, nhưng chính quyền không đồng ý, chỉ cho phép trả tiền hàng năm. Lý do được chính quyền nêu ra là chủ trương giảm các trường hợp được thuê đất trả tiền một lần đã được đưa ra trong các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương.

Nói cách khác, chính quyền Hà Nội đã từ chối áp dụng Điều 172 Luật Đất đai 2013 còn nguyên hiệu lực, mà áp dụng các văn bản mang tính định hướng, chủ trương, đường lối và quy định mới đang được đề xuất. Trong khi đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW nói rõ, đây là giải pháp để hoàn thiện các quy định pháp luật, chứ không phải là văn bản áp dụng trực tiếp. Các chủ trương này còn phải qua quá trình thể chế hoá, tức là soạn thảo và ban hành các văn bản pháp luật, thì mới có thể áp dụng. Và nếu Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua đúng lộ trình (vào cuối năm 2023), thì ít nhất đến giữa năm 2024 mới có thể có hiệu lực thi hành.

Trong khi doanh nghiệp đã tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của nhà nước trả tiền thuê đất một lần cuối năm 2021, thì việc áp dụng dự thảo luật còn đang trong quá trình hoàn thiện đã khiến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp bị đổ bể. Doanh nghiệp mang đất trả tiền hàng năm ra ngân hàng thế chấp, ngân hàng cũng không nhận với lý do Luật Đất đai 2013 không cho phép thế chấp đất trả tiền hàng năm, cho dù doanh nghiệp này đã đầu tư không nhỏ vào lĩnh vực nông nghiệp với nhiều vùng nguyên liệu hữu cơ ở nhiều tỉnh, thành phố như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Nội, Ninh Bình, Hải Dương…

Không thuê được đất, đồng nghĩa với việc không xây dựng được nhà máy, khiến doanh nghiệp không thể hoàn thành cam kết bao tiêu sản lượng cho nông dân, dẫn đến nguy cơ phá vỡ vùng nguyên liệu, đặc biệt là những vùng đã đáp ứng được tiêu chuẩn USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ như Đồng Phú (Hà Nội), Sơn La, Lai Châu… mà rất lâu mới thiết lập được.

Sự thay đổi chính sách quá… bất ngờ này đã khiến doanh nghiệp mắc kẹt giữa 2 Luật Đất đai.

Thay đổi chất lượng làm luật như thế nào?

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng luật pháp chồng chéo, không thống nhất, phải sửa đổi nhiều, không ổn định là do có quá nhiều luật. Mỗi bộ chuyên ngành “ôm” một vài luật thì tình trạng trên không thể khắc phục. Có nhiều luật có thể bãi bỏ được như: Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở; chỉ cần có Luật Xây dựng là đủ. Những luật này nếu được bỏ đi thì tự khắc sẽ giảm bớt các khâu quản lý trung gian, giảm tình trạng sửa cái này lại vướng cái khác trong khi quản lý nhà nước vẫn đảm bảo.

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI cho biết, quá trình cải cách môi trường kinh doanh vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của các doanh nghiệp; quyền tự do kinh doanh chưa thực sự được bảo vệ; môi trường kinh doanh vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; gánh nặng chính sách đối với các doanh nghiệp vẫn rất lớn. Để giải quyết vấn đề này, việc minh bạch hơn nữa về quy trình xây dựng thông tư, thống nhất các tiêu chí về điều kiện kinh doanh, minh bạch về quy định tiếp nhận phản ánh vướng mắc của doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết.

Cần phải có giải pháp để chống chồng chéo, xung đột pháp luật - do đó, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng cần phải rà soát, kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật, đây phải được coi là giải pháp rất quan trọng. Hiện nay, Chính phủ và Quốc hội rất tích cực trong hoạt động này, tuy nhiên cần phải tăng cường công khai lấy ý kiến doanh nghiệp và người dân. Bất kỳ một văn bản pháp luật nào cũng cần minh bạch hóa quy trình soạn thảo. Việc công khai hóa quá trình này giúp văn bản pháp luật ít lỗi nhất, phù hợp thực tế nhất, từ đó sẽ đảm bảo yếu tố chống việc cài cắm, hay quyền lợi riêng của từng bộ, ngành.
 

Tin mới lên