Doanh nghiệp dược phẩm ăn nên làm ra, lần lượt công bố lãi kỷ lục

Anh Phan - 03/02/2023 17:51 (GMT+7)

(VNF) - Nhờ nhu cầu tiêu thụ lớn về thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sau dịch, nhiều doanh nghiệp ngành dược lần lượt báo kết quả kinh doanh tích cực, thậm chí kỷ lục trong năm 2022.

VNF
Doanh nghiệp dược phẩm ăn nên làm ra, lần lượt công bố lãi kỷ lục.

Tính riêng quý IV/2022, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) đạt 1.330 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu bán thành phẩm 1.196 tỷ đồng, tăng 18%; doanh thu bán hàng hóa 133 tỷ đồng, tăng 70%.

Giá vốn hàng bán tăng ít hơn mức tăng của doanh thu nên lãi gộp đạt 709 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ 2021. Sau khi trừ các chi phí, DHG lãi sau thuế 236 tỷ đồng, tăng 39% so với quý IV/2021.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của DHG đạt 4.674 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Công ty cũng báo lãi năm này khoảng 988 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước đó và vượt 29% kế hoạch đề ra. Đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục kể từ khi DHG công bố thông tin từ năm 2005.

Theo DHG, doanh thu tăng do sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ thuốc, đặc biệt là các sản phẩm kháng sinh và các sản phẩm phòng bệnh, tăng cường hệ miễn dịch. Bên cạnh đó công ty đã chủ động tăng dự trữ nguyên liệu, thành phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và tổ chức chặt chẽ hệ thống phân phối và kết nối tốt với khách hàng.

Báo cáo tài chính quý IV/2022 của Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) cũng cho thấy trong quý này, doanh thu của công ty tăng 41% so với cùng kỳ lên 557 tỷ đồng. Công ty báo lãi sau thuế gần 79 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ và là kết quả theo quý cao nhất lịch sử.

IMP cho biết, nhu cầu người dân phục hồi sau dịch, cộng với các hoạt động mở rộng thị trường đã giúp công ty báo lãi tăng trưởng sau thuế.

Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của IMP đạt 1.643 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 302 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và tăng 26% so với năm trước và thiết lập mốc kết quả kỷ lục. So với kế hoạch năm 2022, công ty đã vượt 13% kế hoạch doanh thu và vượt 10% chỉ tiêu lợi nhuận.

Là thành viên được FPT chăm sóc đặc biệt trong năm nay, doanh thu của chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu tiếp tục tăng vọt, đạt 9.596 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2021. Năm qua, FPT Long Châu cũng đã cán mốc 1.000 nhà thuốc trong tháng 12/2022, vượt xa kế hoạch mở mới năm 2022. Nhờ đó mà Long Châu đang trở động lực tăng trưởng mới của FPT Retail.

Tương tự, Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC (HoSE: OPC) cũng thiết lập mức lãi kỷ lục trong năm ngoái với lãi ròng đạt 142,4 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 15,4% so với năm trước. Đây cũng là khoản lãi kỷ lục của công ty từ khi bắt đầu công bố báo cáo tài chính.

Nhận định về tình hình kinh doanh năm 2023, tại báo cáo vừa công bố, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng tăng trưởng của ngành y tế và dược phẩm trong năm 2023 sẽ hạn chế, lợi nhuận có thể ghi nhận mức thấp hơn trước khi khá dần lên. SSI kỳ vọng doanh thu ngành sẽ tăng 8%, đạt 169.000 tỷ đồng (7,2 tỷ USD) vào năm 2023. Bối cảnh sau đại dịch sẽ ổn định ở hầu hết các khía cạnh, nhưng suy thoái kinh tế có thể làm đình trệ chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe.

Nửa đầu năm 2023 sẽ là khoảng thời gian khó lường đối với nguồn cung hoạt chất (API) và tá dược. Khoảng 65% API được sử dụng trong việc sản xuất thuốc tại Việt Nam là từ Trung Quốc – quốc gia đã mở cửa trở lại; nhưng công ty cũng lo ngại tình trạng thiếu hụt vẫn có thể xảy ra.

Thêm vào đó, cuộc chiến giữa Nga-Ukraine vẫn đang diễn ra, các hoạt chất và thuốc nhập khẩu từ châu Âu có nguy cơ bị thiếu hụt. Các công ty có thể sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ giành được vị thế tốt hơn.

Cùng chuyên mục
Tin khác