Diễn đàn VNF

Doanh nghiệp gia đình và nỗi lo mất tự chủ khi niêm yết

(VNF) - Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam, khi phát triển đến một quy mô nhất định, nhiều doanh nghiệp gia đình đứng trước ngã ba đường với hàng loạt câu hỏi: Mô hình tiếp theo nên là gì? Làm thế nào để phát triển bền vững? Nên giữ nguyên mô hình công ty gia đình hay trở thành công ty đại chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán?

Doanh nghiệp gia đình và nỗi lo mất tự chủ khi niêm yết

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam.

Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận trong một hội thảo gần đây, với sự tham gia của ông Nguyễn Cảnh Hồng - CEO Eurowindow, ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch Alphanam, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái…và nhiều doanh nhân khác.

Sáng lập và điều hành một doanh nghiệp gia đình trong hơn 30 năm, ông Lê Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thể thao Động lực cho rằng doanh nghiệp gia đình có quyền tự chủ lớn hơn nhiều so với công ty đại chúng. Công ty gia đình hoàn toàn có thể phát triển bền vững, không chỉ vài chục năm mà cả trăm năm.

“Đối với tôi bây giờ thì tôi thấy mình rất tự do, muốn làm gì thì làm, muốn thay đổi chiến lược thì tự quyết, không bị phụ thuộc hay chờ ý kiến ai cả”, ông Lê Văn Thành nói.

Nhưng, ở một góc nhìn khác, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn cho rằng chính sự kiểm soát của đối tác, của cổ đông khiến doanh nghiệp phát triển.

“Thành công liên tục là dấu hiệu của sắp phá sản. Đôi khi mình cứ làm, rồi có thành công mình cứ tưởng mình hoành tráng, đẳng cấp đâm ra mình chẳng nghe ai nữa. Vì vậy, khi các đối tác nước ngoài vào họ tạo cho mình rất nhiều thách thức nhưng đi kèm đó là cơ hội”.

Là một doanh nghiệp gia đình đã có ý định niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2006 nhưng không thành, Chủ tịch Eurowindow Nguyễn Cảnh Hồng cho rằng việc quyết định niêm yết hay không niêm yết tuỳ vào mục tiêu của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp phải biết rõ tại sao mình cần ngoại lực? Doanh nghiệp cần huy động vốn hay cần tăng cường quản trị?

“Eurowindow xuất phát là công ty gia đình. Chúng tôi từ nước ngoài trở về, sau một thời gian phát triển thì chúng tôi chọn cách thu hút nhà đầu tư chiến lược tham gia vào công ty. Thực tế hiện nay công ty chúng tôi cũng có hơn 30% vốn nước ngoài rồi. Vì vậy, dù không lên sàn, chúng tôi vẫn đạt được mục tiêu: vốn và quản trị nước ngoài (kinh nghiệm)”, ông Nguyễn Cảnh Hồng giải thích lý do vì sao Eurowindow có kế hoạch niêm yết từ năm 2006 nhưng không thực hiện.

Ông Nguyễn Cảnh Hồng nhấn mạnh: “Mấu chốt để trường tồn là quản trị. Dù doanh nghiệp gì, gia đình hay đại chúng cũng phải đề cao quản trị”.

Chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải đồng tình với ông Nguyễn Cảnh Hồng. Theo ông Tuấn Hải, một công ty gia đình muốn chuyển tiếp lên thành công ty đại chúng thì chủ doanh nghiệp phải xác định chính xác cái mình thiếu.

Alphanam là doanh nghiệp đã từng niêm yết trên sàn chứng khoán với mã APL và chủ động rút khỏi sàn vào năm 2013. Tính đến ngày giao dịch cuối cùng sắp tới, cổ phiếu ALP đã niêm yết trên HoSE hơn 7 năm.

“Năm 2001, tôi có tham gia một khoá học của anh Trương Gia Bình (Chủ tịch FPT - PV). Sau đó, tôi thấy rằng thị trường chứng khoán dứt khoát là kênh huy động vốn rất tốt. Tôi có sự ‘mài dao’ chuẩn bị rất kỹ trong 5 năm từ 2001 đến năm 2006,  chuyển đổi Alphanam từ công ty TNHH sang công ty cổ phần, phát hành cho cán bộ nhân viên, tìm kiếm đối tác, hoạch định chiến lược”, ông Nguyễn Tuấn Hải chia sẻ.

“Kinh nghiệm của tôi cho thấy nếu 1 công ty gia đình mà chuyển tiếp lên thành công ty đại chúng thì phải tìm được đối tác chiến lược cái đã. Vai trò của họ thế nào? Họ đi theo mình hay dẫn dắt mình?”, ông Nguyễn Tuấn Hải cho biết.

Ông Nguyễn Tuấn Hải nói thêm, sàn chứng khoán là một kênh huy động vốn rất tốt, ngoài ra còn giúp bổ sung nguồn lực quản trị và gia tăng nhận diện doanh nghiệp trên thương trường.

Ông Hải cho biết, sau khi lên sàn Alphanam tăng trưởng rất nhanh: “Cổ phiếu của Alphanam lúc đó đạt mức giá 70.000 đồng đến 90.000 đồng/cổ phiếu. Có tiền rồi, cũng phải nói là tiền hơi dễ dãi thế là mình đi đầu tư cũng hơi nhiều, trong đó có bất động sản. Đó là lý do vì sao bây giờ Alphanam chuyển sang làm bất động sản chứ bản chất của công ty chúng tôi trước kia là sản xuất công nghiệp”.

Năm 2013, Alphanam rút lui khỏi sàn HoSE, mà theo ông Nguyễn Tuấn Hải, đó là một sự chủ động.

Ông Hải nói rằng một trong 2 mục tiêu quan trọng đối với doanh nghiệp niêm yết là huy động vốn thì lúc đó không còn tác dụng nữa: “Khi đó, VN-Index rơi từ 1.100 điểm xuống còn 400 điểm. Vì thế mình rút niêm yết. Tôi nghĩ đó là thời cơ. Giá cổ phiếu xuống 4.000 đồng, dưới mệnh giá rất nhiều. Bởi vậy,  tôi tranh thủ mua lại để sở hữu hơn 90% và Alphanam trở lại mô hình công ty gia đình”.

Hiện, ông Nguyễn Tuấn Hải đã gần như giao quyền điều hành Alphanam cho các con là Nguyễn Minh Nhật và Nguyễn Ngọc Mỹ.

Tin mới lên