Bất động sản

Doanh nghiệp thủy sản, hóa chất, giày dép… đổ xô vào bất động sản

(VNF) – Bên cạnh làn sóng doanh nghiệp địa ốc thành lập mới, thị trường bất động sản cũng chứng kiến nhiều doanh nghiệp "tay ngang" đang "đổ bộ" vào lĩnh vực này.

Doanh nghiệp thủy sản, hóa chất, giày dép… đổ xô vào bất động sản

Doanh nghiệp tay ngang đang đổ xô vào đầu tư bất động sản (ảnh minh họa)

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 3.156 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 65,8% so với cùng kì năm trước; số vốn đăng ký đạt 217.139 tỷ đồng, tăng 62,8%.

Sự tăng lên về số lượng và vốn đăng ký của các doanh nghiệp địa ốc được xem là hệ quả tất yếu trong bối cảnh thị trường đang trong chu kì tăng trưởng. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý bên cạnh các doanh nghiệp chuyên môn, thị trường hiện có khá nhiều doanh nghiệp tay ngang đang lấn sang lĩnh vực bất động sản.

Mới đây nhất, thị trường nghỉ dưỡng Nha Trang bất ngờ ghi nhận sự xuất hiện của Công ty Cổ phần Nam Tiến Lào Cai với dự án Scenia Bay (23 – 25 Phạm Văn Đồng).

Nam Tiến Lào Cai được biết đến là một "đại gia" tại Lào Cai, hoạt động trong lĩnh vực thủy điện, hóa chất và xây dựng cơ bản. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ khoảng 500 tỷ đồng, nắm trong tay 6 đơn vị thành viên và doanh thu hợp nhất mỗi năm đạt khoảng 1.200 tỷ đồng. Trước khi đầu tư vào Nha Trang, Nam Tiến Lào Cai cũng đã "thử sức" mình với các dự án Tiểu khu đô thị số 1, Tiểu khu đô thị số 3, số 5, Khu đô thị mới Lào Cai – Cam Đường…

Được biết, tại Nha Trang, Nam Tiến Lào Cai sẽ đổ vốn để xây dựng dự án Scenia Bay với quy mô 976 căn, trong đó có 704 căn hộ để bán và 262 phòng khách sạn; tổng diện tích đất dự án là 7.661 m2.

Dự án Scenia Bay của Nam Tiến Lào Cai

Một "đại gia" tỉnh lẻ khác mới đây cũng đã đổ hàng trăm tỷ đồng để đầu tư vào địa ốc, đó là Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa. Đơn vị này gây chú ý nhờ thương vụ mua lại dự án Sky Park Residence (ô đất 25D khu đô thị mới Cầu Giấy, số 3 Tôn Thất Thuyết).

Sky Park Residence được giới thiệu là khu tổ hợp văn phòng thương mại và căn hộ bán. Dự án gồm 2 tháp: tháp văn phòng 25 tầng và tháp chung cư 35 tầng, nối liền với nhau bằng 3 tầng hầm để xe và khối đế 5 tầng. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.600 tỷ đồng.

Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa có ngành nghề kinh doanh chính là hạ tầng giao thông, kho bãi và vận tải, xây lắp các công trình dân dụng. Gần đây, Công ty đổ vốn khá mạnh vào bất động sản với hàng loạt dự án tại Thanh Hóa như: Khu công nghiệp và đô thị Hoàng Long, khu dân cư Hồ Toàn Thành…

Một trường hợp tiêu biểu khác là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn. "Ông vua thủy sản Sài Gòn" một thời hiện đã từ bỏ mảng thủy sản để tập trung đầu tư rất mạnh vào bất động sản. Chẳng hạn hồi tháng 4/2016, Công ty đã chi 303 tỷ để mua 99,9% cổ phần của Công ty cổ phần Thương mại du lịch Sài Gòn - đơn vị đang sở hữu 8.000 m2 đất tại quận 2, nhằm góp đất hợp tác với một tập đoàn bất động sản Singapore để phát triển dự án căn hộ cao cấp.

Trước đó, Công ty cũng rót tới 535 tỷ đồng để triển khai dự án chung cư kết hợp trung tâm thương mại Centa Park trên đường Âu Cơ (quận Tân Bình).

Cách đây ít lâu, Công ty đã tuyên bố sẽ rót thêm 250 tỷ đồng vào dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng và căn hộ 20 tầng ở quận Tân Bình, TP. HCM. Theo kế hoạch, trong 5 năm tới, Công ty sẽ đẩy mạnh hoạt động mua bán và sáp nhập nhằm gia tăng quỹ đất trong nội ô thành phố lên khoảng 6 ha.

Không có tham vọng lớn như Thủy sản Sài Gòn nhưng Công ty Cổ phần Thủy sản Hùng Vương cũng đang cho thấy ý chí tiến vào bất động sản của mình. Tại Đại hội cổ đông vừa qua, lãnh đạo Thủy sản Hùng Vương cho biết công ty đang sở hữu một quỹ đất khoảng 10 ha ở Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. HCM và quỹ đất này có thể được khai thác làm dự án bất động sản.

Trong khi đó, một dự án khác của công ty tại quận 6 sẽ không bán cho đối tác dù được trả giá 550 tỷ đồng. Công ty dự kiến sẽ đầu tư dự án trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp để gia tăng giá trị tài sản tại đây.

Ngoài các doanh nghiệp trên, thị trường địa ốc tới đây được dự báo sẽ còn ghi nhận thêm vô số cái tên mới lạ ngoài ngành khác. Ví dụ như Bitis – một doanh nghiệp chuyên sản xuất giày dép – mới đây cũng đã đánh tiếng cho biết sẽ đầu tư căn hộ để tận dụng quỹ đất lớn của mình ở TP. HCM. Hiện dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Chiến thuật "đầu tư cơ hội" vào thị trường địa ốc tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp không chuyên

Theo đánh giá của các chuyên gia, làn sóng đổ xô vào đầu tư địa ốc của các doanh nghiệp "tay ngang" là không mới. Tại các giai đoạn nóng sốt trước của thị trường, đã có hàng loạt doanh nghiệp không chuyên nhảy vào làm nhà đất. Tuy nhiên, những diễn biến khốc liệt của thị trường sau đó đã đánh bật các nhà đầu tư này.

Việc từ bỏ lĩnh vực cốt lõi để chuyển sang một mảng không chuyên luôn chứa đựng những rủi ro rất lớn. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo khi đầu tư vào địa ốc, các nhà đầu tư mới nên có những bước đi thận trọng, tìm kiếm đối tác tốt và bắt đầu làm những dự án quy mô nhỏ. Còn nếu ngay từ đầu đã lao vào làm dự án lớn ngay trong khi năng lực tài chính còn yếu sẽ phải chịu sức ép đi vay, dễ dẫn tới sa lầy về tài chính và khó rút chân khi thị trường khủng hoảng.

Tin mới lên