Ông Donald Trump doạ đánh thuế 60%, Trung Quốc lên cơn ‘đau đầu’
(VNF) - Kế hoạch áp thuế 60% trở lên đối với hàng nhập khẩu của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump khiến các doanh nghiệp ở Trung Quốc lo lắng.
- Đồng USD giảm trước thềm bầu cử Mỹ, Fed chuẩn bị giảm lãi suất 04/11/2024 09:45
Loay hoay tìm thị trường thay thế
Khi Li Wei tiếp quản doanh nghiệp sản xuất thủy tinh của cha mình tại Thương Châu, miền bắc Trung Quốc vào năm 2020, ông đã ngay lập tức bắt tay vào tối ưu hóa hoạt động của công ty.
Ông Li đã di chuyển nhà máy duy nhất của Hebei Yiyue Glass Products từ thành phố đến một địa điểm bên ngoài Thương Châu, giúp tiếp cận tốt hơn với mạng lưới đường bộ quan trọng và có thêm không gian để mở rộng cơ sở.
Đồng thời, ông cũng đã thay đổi trọng tâm chính của công ty từ việc bán các thành phần thủy tinh cho khách hàng ở Trung Quốc sang xuất khẩu các sản phẩm thủy tinh thành phẩm cho khách hàng ở nước ngoài.
Ngày nay, ông giám sát một doanh nghiệp xuất khẩu thành công chuyên bán cốc, bình và lọ trên toàn thế giới và sử dụng gấp đôi số công nhân so với khi ông tiếp quản.
Phần lớn thành công của Li là nhờ nhu cầu đối với sản phẩm của ông tại Mỹ, trở thành điểm đến cho tới 80% sản phẩm xuất khẩu của công ty ông trong những năm gần đây.
Nhưng hiện nay, Li và các đồng nghiệp lo ngại rằng thành công của họ có thể sụp đổ nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử vào Nhà Trắng vào ngày 5/11.
Ông Trump hiện đang chạy đua sát nút với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong một cuộc đua quá sít sao, đã đưa ra kế hoạch áp thuế 60% trở lên đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ.
Các nhà kinh tế đã gọi kế hoạch của ông Trump là "Chiến tranh thuế quan 2.0", sau khi đảng Cộng hòa áp đặt mức thuế cao tới 25% đối với nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, khiến Bắc Kinh phải công bố mức thuế quan của riêng mình.
Chia sẻ với Al Jazeera, ông Li cho hay: “Việc Mỹ tăng thuế quan nhiều như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến tôi và doanh nghiệp của tôi. Điều này sẽ khiến sản phẩm của chúng tôi không có sức cạnh tranh và ít nhất là doanh số bán hàng của chúng tôi tại Mỹ sẽ giảm mạnh”.
Kể từ khi ông Trump công bố các chiến lược kinh tế trong cuộc đua vào Nhà Trắng, ông Li đã làm việc 12 giờ mỗi ngày để tìm kiếm các điểm đến xuất khẩu khác có thể bù đắp cho sự suy thoái trong hoạt động kinh doanh của công ty ông tại Mỹ.
Cho đến nay, ông vẫn chưa tìm được thị trường thay thế cho thị trường lớn nhất thế giới này.
"Tôi rất bận rộn cố gắng tìm giải pháp, nhưng có những ngày tình hình trở nên tồi tệ. Thường thì tôi không muốn nghĩ về điều đó", ông bộc bạch.
Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao của ngân hàng đầu tư Natixis tại Hong Kong, cho biết các nhà xuất khẩu Trung Quốc có lý do thích đáng để lo ngại nếu ông Trump tái đắc cử vào Nhà Trắng và thực hiện các kế hoạch của mình.
“Với mức thuế suất 60%, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc sẽ không còn khả năng cạnh tranh hoặc không thể thu được lợi nhuận từ việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đối với các công ty Trung Quốc có hoạt động đặc biệt tại thị trường Mỹ, điều này sẽ gây ra nhiều vấn đề và họ có thể phải chịu rất nhiều áp lực”, Ng nói với Al Jazeera.
Giám đốc bán hàng Dong Sion của Sotech, nhà sản xuất linh kiện điện tử tiên tiến có trụ sở tại Thượng Hải, chia sẻ: “Tôi đã bị sốc"
Hơn 90% sản phẩm của Sotech, bao gồm kính thông minh, được xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó khoảng 30% là sang Mỹ.
Ông Dong cho biết: “Nếu áp dụng mức thuế 60% thì nó có thể làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của chúng tôi tại Mỹ hoặc thậm chí chấm dứt hoàn toàn. Và chúng tôi sẽ buộc phải cắt giảm nhân sự".
Ảnh hưởng mạnh tới Trung Quốc
Ông Allan Von Mehren, nhà phân tích trưởng và chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Danske Bank, cho biết đối với một số công ty Trung Quốc, mức thuế quan bổ sung có thể là đòn chí mạng vào thời điểm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gặp nhiều thách thức.
“Điều này sẽ gây ra hậu quả lớn ở Trung Quốc”, ông Von Mehren nhận định.
Mỹ cho đến nay là điểm đến hàng đầu cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc, tiếp nhận hơn 400 tỷ USD hàng hóa mỗi năm.
Với quá nhiều rủi ro về thương mại, ngân hàng UBS ước tính rằng việc áp dụng mức thuế 60%, ngoài mức thuế hiện hành, sẽ làm giảm 2,5 điểm% tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong 12 tháng tới.
Một đòn giáng như vậy xảy ra vào thời điểm không thích hợp cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi ngành bất động sản đang gặp khó khăn, lòng tin của người tiêu dùng thấp và chi tiêu hộ gia đình thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu đang gây sức ép lên tăng trưởng. Trong khi đó, mô hình phát triển truyền thống dựa vào đầu tư và xuất khẩu của đất nước này đang phải vật lộn để thích ứng.
Trước những khó khăn như vậy, chính quyền Trung Quốc được cho là khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% của chính phủ - một thách thức sẽ trở nên khó khăn hơn nếu các nhà xuất khẩu Trung Quốc mất quyền tiếp cận thị trường Mỹ do mức thuế quan mới.
Một số công ty Trung Quốc đã cố gắng đa dạng hóa cơ cấu xuất khẩu hoặc chuyển sản xuất sang các quốc gia khác rồi xuất khẩu sang Mỹ từ đó.
Tại Hebei Cangzhou New Century International Trade, một công ty vật liệu xây dựng tại tỉnh Hà Bắc, nơi xuất khẩu khoảng 40% sản phẩm sang Mỹ, ban quản lý đang cân nhắc hợp tác với các nhà sản xuất tại Indonesia.
Phó chủ tịch Lucy Zhang phát biểu với Al Jazeera rằng: "Lợi nhuận xuất khẩu của chúng tôi không thể trang trải được mức thuế suất 60%. Vì vậy, chúng tôi đang tìm cách xuất khẩu gián tiếp sang Mỹ".
Đồng thời, chính phủ Trung Quốc cũng đang nỗ lực phát triển các thị trường mới cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc.
Vào tháng 9, Bắc Kinh đã tổ chức Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi với sự tham gia của 50 quốc gia châu Phi, nhằm mục đích thúc đẩy nhập khẩu các sản phẩm Trung Quốc của châu Phi, đặc biệt là tấm pin mặt trời và xe điện.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, đồng thời là đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các quốc gia Nam Mỹ.
Ông Von Mehren cho biết: "Bắc Kinh đã biết từ lâu rằng quan hệ với Mỹ sẽ không sớm được cải thiện đáng kể và đã cố gắng mở rộng khả năng tiếp cận cho các công ty của mình tại các quốc gia có quan hệ song phương thân thiện hơn".
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc đang mở rộng thương mại với các quốc gia thân thiện hơn, vẫn chưa rõ liệu có giải pháp thay thế cho khối lượng lớn hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ hay không.
'Làm thân' với ông Trump, tỷ phú Elon Musk kỳ vọng điều gì?
- Big Tech đổ tiền vào AI, 'canh bạc' 200 tỷ USD gây lo ngại cho Phố Wall 04/11/2024 08:00
- Trung Quốc chậm dần kéo cả châu Á rơi vào trì trệ 03/11/2024 12:00
- Hậu bầu cử ở Mỹ: Số người giàu lên kế hoạch rời bỏ đất nước tăng kỷ lục 02/11/2024 10:45
Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.