Doanh nhân, chuyên gia nói gì về cuộc tranh luận ‘trọc phú kiến thức’

Hoài Anh - 24/09/2022 08:08 (GMT+7)

(VNF) - Với việc chỉ ra sự thất thế của “trọc phú kiến thức” và đề cao giá trị của “tri thức nguyên bản”, bài phát biểu của nhà báo Đinh Đức Hoàng (Hoàng Hối Hận) tại buổi lễ khai giảng trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) tháng 9/2022 đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Trước cuộc tranh luận về “trọc phú kiến thức” này, nhiều doanh nhân, chuyên gia cũng thẳng thắn nêu lên các quan điểm của mình.

VNF
Đinh Đức Hoàng phát biểu tại lễ khai giảng Trường Đại học Fulbright Việt Nam ngày 18/9/2022

Trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI thừa nhận: “Khái niệm “trọc phú kiến thức” Hoàng Hối Hận đưa ra gây ra nhiều tranh cãi trái chiều vì thực sự những chí sỹ trên Facebook trong đó có tôi đều ít nhiều nhìn thấy mình trong đó nhưng không nhiều người muốn thừa nhận điều ấy”.

Theo Chủ tịch SSI, cũng giống như với tiền bạc có “trọc phú” và “người giàu”, thì cũng có “trọc phú kiến thức” và “giàu kiến thức”. Người giàu kiến thức là người dùng kiến thức của mình để tạo ra các giá trị sống cho cá nhân, cho gia đình và nếu đạt mức “tỷ phú kiến thức” thì sẽ tạo ra các giá trị sống cho xã hội”. Còn “trọc phú kiến thức” thì đơn thuần chỉ dùng bằng cấp kiến thức đề khoe mẽ để chỉ trích người khác, để chứng minh ta độc quyền lẽ phải.

Ông trùm chứng khoán Việt cho rằng: “Trong mỗi con người đều có phần “trọc phú” và “giàu”, ai cũng muốn mình được người khác đánh giá mình là “giàu” và sợ bị coi là “trọc phú” nên luôn thể hiện để mong muốn nhằm tới đích ấy. Còn cộng đồng đánh giá ai “giàu” ai “trọc phú” thường công bằng không giống với mong muốn của các “trọc phú”. Thực sự mình là gì thì mình biết rất rõ, ta “trọc phú kiến thức” hay “giàu kiến thức” đâu phụ thuộc người ngoài nghĩ gì!”.

Là một người công tác trong ngành giáo dục, PGS.TS Võ Trí Hảo (Hiệu trưởng trường Đại học Gia Định, TP. HCM), cho rằng Đinh Đức Hoàng đã tạo ra “awareness” cho đám đông và tạo ra một cuộc tranh luận theo đúng triết lý “critical thinking” mà FUV mong muốn.

“Xin chúc mừng Hoàng một thì chúc mừng FUV mười. Trong khi các tổ chức tầm thấp, đang miệt mài viết hàng nghìn bài PR, với số lượt like, share tầm 100 likes/ post, theo trường phái quảng cáo cưỡng bức, dán thang máy, cột điện đầu ngõ, hẻm, thì FUV, suốt mùa tuyển sinh, chỉ lặng lẽ có 3 bài không có dáng dấp quảng cáo, đạt hàng triệu likes”, ông Võ Trí Hảo viết trên trang cá nhân.

Bài đăng của PGS.TS Võ Trí Hảo, Hiệu trưởng trường Đại học Gia Định, trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)

Cũng theo PGS.TS Võ Trí Hảo, thành công lớn nhất ở bài viết của Đinh Đức Hoàng là “đã chạm nọc của hàng ngàn "trọc phú kiến thức" và như mong đợi, sẽ có hàng ngàn con bọ cạp cong cái đuôi lên tìm cách "chích". Qua đó, giúp công chúng nhận diện được hàng chục "trọc phú kiến thức" đang miệt mài trích dẫn các triết gia, các học giả, các tác phẩm, các trích đoạn từ Tây Đen đến Tây Đỏ, từ Ga Hàng Cỏ đến Chợ Đồng Xuân để tấn công Hoàng”.

Ông cũng chia sẻ thêm, có hai vấn đề cần minh định. Một là thông điệp chính của bài viết là “tin vào triết lý giáo dục khai phóng, tin vào “critical thinking” ở bậc giáo dục đại học. Muốn vậy thì phải sẵn sàng lật lại vấn đề, lật đổ tượng đài học thuật, phải biết đặt câu hỏi nghi ngờ, tránh lệ thuộc vào chủ nghĩa kinh nghiệm, trở thành robot của người khác.

Hai là, ở thế kỷ 21, thế hệ Gen Z, có nhiều thuận lợi nhưng cũng đối diện nhiều thách thức. Những gì thành công với thế hệ cũ, kiếm tiền dễ dàng bằng "trọc phú kiến thức" như chính bản thân Hoàng sẽ không lặp lại với chính Hoàng và càng không lặp lại với thế hệ Gen Z. Từ đó, khuyến khích đọc nhiều hơn nữa, nhưng không tự mãn, tránh ngộ nhận; đọc có chọn lọc, đọc có nghiền ngẫm, hướng sinh viên FUV tới việc có “original ideas” trong kỷ nguyên mà “bildungsfilister” không còn giúp ích nhiều cho việc kiếm tiền.

Ông Phạm Tuấn Anh, nhà sáng lập Minh Việt LLC (một công ty được đăng ký tại bang Nevada, Hoa Kỳ) lại cho rằng nội dung bài phát biểu của Đinh Đức Hoàng “đi ngược lại hoàn toàn tinh thần khai phóng của nền đại học Mỹ”.

Bài chia sẻ của ông Phạm Tuấn Anh, nhà sáng lập Minh Việt LLC trên trang Facebook

Theo ông Phạm Tuấn Anh, tinh thần của giáo dục khai phóng nói chung khuyến khích người ta truy tầm hiểu biết theo bất kỳ cách nào phù hợp với cá nhân người học.

“Học tập cả đời là một hành trình rất cá nhân đi từ những bước chập chững đầu tiên tới một chút tự mãn khi người ta đạt được những thành quả đầu tiên, rồi tiếp theo sau khi đã đọc thêm, hiểu thêm, tranh luận thêm thì là cảm giác mình còn biết còn hiểu ít quá và tới đích là sự khiêm nhường khi biết là biết ít không sao cả miễn là mình vẫn cố học tập thêm, hiểu biết thêm mỗi ngày.

Cái gọi là "trọc phú kiến thức" mà diễn giả nhắc đến có lẽ là để nói về những người mới đi đoạn đầu của hành trình, mới leo được một vài con dốc đầu tiên và cảm thấy một nhu cầu cấp bách được khoe, được khen, được thừa nhận cho những nỗ lực ban đầu.

Hiểu ra điều đó chúng ta nên có một thái độ bao dung, đồng cảm và vì thế cũng nên ân cần cười vui hơn là lên án theo kiểu ghét cái thái độ. Làm thế không chỉ tốt cho người khác mà còn tốt cho cả chính chúng ta”, ông Phạm Tuấn Anh viết trên trang cá nhân.

Vẫn theo ông Phạm Tuấn Anh, sự "trọc phú" từng là tiền đề phát triển cho của cải của quốc gia, cho nghệ thuật, tư tưởng nhân loại. Chúng ta ở Việt Nam, cũng chỉ mới thoát nghèo vật chất và kiến thức chưa được bao lâu. Chúng ta cũng chỉ đang đi lẫm chẫm trên hành trình của mình truy tìm kiến thức, xác định một danh tính người học, vị trí của chúng ta trong biển học. "Bao dung không lên án những người đang cùng chúng ta lao ra đại dương kiến thức của nhân loại có lẽ là thái độ tốt nhất để khử cái nhiễu loạn học phiệt ở trong lòng chính chúng ta…", ông Phạm Tuấn Anh nhắn gửi.

Cùng chuyên mục
Tin khác