Nhân vật

Doanh nhân nói về nghề báo nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

(VNF) - Nhìn nhận từ nhiều lãnh đạo doanh nghiệp về nghề báo và nhà báo nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023).

Doanh nhân nói về nghề báo nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Doanh nhân nói về ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Giữa thời bình, các nhà báo vẫn phải đứng giữa “trận địa” 

TS Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng: "Tôi không phải là nhà báo, không phải người làm báo nhưng lại có cơ duyên tiếp xúc và hàn huyên với rất nhiều với các phóng viên. Vẫn biết xã hội phân công mỗi người một việc, mỗi người một vai trò nhưng từ trong thâm tâm, tôi luôn tôn trọng và nể phục những người làm báo.

Dù trong bất cứ lĩnh vực nào từ chính trị, kinh tế, xã hội hay môi trường… tôi cho rằng, báo chí đều có vai trò rất quan trọng. 98 năm qua, kể từ ngày Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên (21/6/2025) và được chọn là ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam đến nay, báo chí đã có sự phát triển mạnh mẽ trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tiếng nói của quần chúng nhân dân. Báo chí đã tiếp cận động giả thông qua nhiều kênh, với nhiều định dạng vô cùng phong phú, hấp dẫn. Tôi cho rằng, dù ở bất cứ giai đoạn nào, dù ở bất cứ lĩnh vực gì, chúng ta không thể phủ nhận vai trò đặc biệt quan trọng của các cơ quan báo chí.

Những năm tháng chiến tranh, chúng ta có những phóng viên chiến trường lăn xả với súng đạn. Còn thời bình, các phóng viên, nhà báo cũng đang phải đứng giữa “trận địa” thông tin để đập tan các luận điệu sai trái, xuyên tạc và phản ánh những góc khuất, những nhóm lợi ích.

Còn nhiều điều rất đáng giá để bạn dấn thân

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land: "Những điều làm mình yêu mến và trân quý nghề báo! Đầu tiên làm nghề báo là những người yêu chữ nghĩa. Mình biết những nhà báo có ngòi bút sắc sảo và tốc độ xử lý tin bài cực nhanh. Vừa thực chiến vừa gõ tin tức để chuyển thông tin nóng về tòa soạn. Cuộc chạy đua về thời gian cũng là thử thách không nhỏ của nghề báo. Đối diện với một đề tài khó cũng căng não không khác gì bước vào một cuộc chiến.

Kế đến phải kể đến khả năng tiếp cận nguồn thông tin đa chiều, đa phương thức. Nhờ vậy nhà báo giống như kho từ điển sống với dữ liệu thông tin đa dạng và phong phú. Ngồi với họ bạn sẽ cảm thấy rất thú vị vì những thông tin đa dạng không phải lúc nào cũng viết được trên mặt báo, kiểu như "phía sau hậu trường" vậy đó.

Tiếp theo nghề báo đòi hỏi tính năng động và thích ứng cao trong mọi tình huống. Người bạn gặp có thể là một nhân vật tầm cỡ nhưng cũng có thể chỉ là một người dân bình thường. Nhà báo có cơ hội nắm bắt nhiều ngữ cảnh khác nhau tùy theo đối tượng mà mình tiếp xúc mỗi ngày.

Nghề báo giúp bạn học hỏi rất nhiều kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Viết về mảng nào bạn có điều kiện tiếp xúc với những con người và chuyên gia trong những lĩnh vực đó. Không phải ai cũng có cơ hội tăng thêm kiến thức, sự hiểu biết và nhiều trải nghiệm phong phú như vậy trong cuộc đời.

Và cuối cùng phải kể đến niềm vui khi nghề báo giúp bạn được đi đến nhiều nơi, được mở rộng thêm nhiều mối quan hệ xã hội, có thêm nhiều người bạn đáng quý, nhiều sự gắn kết giúp bạn làm việc hiệu quả hơn và cuộc sống ý nghĩa hơn.

Còn nhiều và rất nhiều điều rất đáng giá để bạn dấn thân vào nghề, để tự hào và viết nên câu chuyện của chính mình.

Nhà báo phải đánh đổi rất rất nhiều thứ

CEO Đoàn Hiếu Minh, Chủ tịch HĐQT Ngũ Phúc Đường: "Nghề báo là một nghề rất phức tạp và vô cùng vất vả. Để có một bài báo khoảng nghìn chữ, các anh chị nhà báo phải đánh đổi rất rất nhiều thứ.

Đầu tiên là việc lấy thông tin. Thông tin bây giờ có rất nhiều trên mạng xã hội, nhưng không phải tin nào cũng dùng được. Phải nghiên cứu, xem xét cẩn thận xem tin đấy đăng có phù hợp với hoàn cảnh không? Cái từ “hoàn cảnh” chỉ có 8 chữ cái thôi nhưng phạm vi nó rộng lắm. Phù hợp với tôn chỉ mục đích này, phù hợp với bối cảnh chính trị này, phù hợp quan điểm của các đối tượng tác động này, phù hợp với các mối quan hệ xung quanh này… Riêng phần lựa chọn thông tin cho phù hợp là đã cần phải uống bổ não rồi.

Chọn xong tin đương nhiên là phải xác minh. Khi đã xác minh là phải đi hiện trường. Nhưng đâu phải hiện trường nào cũng xịn xò, cũng thuận lợi? Nắng này, mưa này, đường sá xa xôi này, tiếp cận khó này… như thế đương nhiên là phải vận động nhiều rồi, chân tay mềm yếu thì cũng không đảm đương được. Rất rất cần sản phẩm tăng lực để đảm bảo.

Thế xác minh tin xong thì sao? Thì phải viết bài chứ sao?! Mà đâu phải ai cũng viết một lèo là được luôn đâu? Viết xong chưa ưng thì lại còn sửa nữa. Bài là phải lên nhanh nhất có thể chứ không lại mất tính thời sự, thế là phải lọ mọ đêm hôm vừa viết vừa sửa. Ngồi máy tính như thế mỏi mắt là cái chắc. Đấy là còn chưa kể đến các bệnh về cổ, vai, gáy nữa!

Viết xong thì gửi đăng. Thở phào vì làm xong bài, nhưng thở thế thôi chứ chưa xong đâu, vẫn còn khoản nhuận bút và thanh toán chi phí. Thế là lại tập hợp hoá đơn, chứng từ, lập bảng kê chi phí, viết đề nghị thanh toán. Xong xuôi hết hồ sơ thì gửi lên và chờ. Cái khoản này thì nó cũng không nhanh lắm đâu, thế nên cái bệnh cổ vai gáy lại càng bị nặng hơn.

Thế mới thấy, nghề báo là một nghề rất tổn hại về sức khoẻ, nhìn tưởng sung sướng nhưng chẳng ngon ăn tý nào cả.

Tin mới lên