Nhân vật

Doanh nhân Việt trải lòng trong ngày đặc biệt 13/10: Trăn trở, dấn thân và cầu thị

(VNF) - Doanh nhân, những con người có khát vọng và ý chí, vươn lên làm giàu đã dần khẳng định vị trí và đóng góp của mình vào công cuộc phát triển chung của đất nước. Cùng VietnamFinance lắng nghe những trải lòng của các doanh nhân trong ngày kỷ niệm Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Doanh nhân Việt trải lòng trong ngày đặc biệt 13/10: Trăn trở, dấn thân và cầu thị

Doanh nhân Nguyễn Trọng Phi

Trên trang Facebook cá nhân, doanh nhân Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch Giovanni Group gửi lời chúc mừng tới những đồng nghiệp “đang ngày đêm trăn trở cho sự phát triển của doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế và sự phồn vinh của Việt Nam”.

Chủ tịch Giovanni Group tin rằng “những ý tưởng kinh doanh táo bạo mang tính đột phá, cùng với sự can đảm và tinh thần tiên phong của một dân tộc gan dạ, những doanh nhân Việt Nam chắc chắn tạo ra một Việt Nam phú cường và thịnh vượng, một ngày không xa”.

Theo doanh nhân Nguyễn Trọng Phi, khái niệm “doanh nhân” – “Entrepreneur” có gốc từ chữ tiếng Pháp mang nghĩa là “bắt đầu”, hàm ý người đi đầu, tiên phong. Nó khác với “Businessman” nghĩa là “Thương gia”. Nếu thương gia là người buôn bán, mua đi bán lại hàng hóa để kiếm lợi nhuận thì doanh nhân là người khởi xướng ra một ý tưởng, biến ý tưởng đó thành một sản phẩm/dịch vụ và góp phần vào sự tiến bộ của xã hội, nhân loại.

Vẫn theo ông Nguyễn Trọng Phi, Việt Nam từ đầu thế kỷ 21 đã luôn nung nấu một khát vọng vươn lên thịnh vượng và phú cường: “Ở thời điểm cách đây 10, 20 năm… đã có một số ý tưởng táo bạo, mong muốn Việt Nam vươn lên không phải chỉ dừng lại ở một công xưởng bên cạnh Trung Quốc, cạnh tranh với Campuchia hay Ấn Độ. Đây là 1 tư duy ngược lại hoàn toàn với dòng chảy phát triển. Bởi lẽ, khát vọng chinh phục thế giới là hướng đi vượt ra khỏi biên giới quốc gia, được xem như bất khả thi với số đông. Có những thời điểm, những ý tưởng táo bạo này vấp phải sự hoài nghi”.

Dẫn chứng cụ thể trong ngành may mặc, da giày, ông Nguyễn Trọng Phi cho biết, Việt Nam luôn đặt trọng tâm vào mô hình gia công, xuất khẩu. Những thương hiệu Việt của người Việt đều đang khai thác phân khúc trung bình, đại chúng. Vì thế thời điểm cách đây 15, 16 năm, khi khởi nghiệp xây dựng 1 thương hiệu thời trang cao cấp cho người Việt, ông đã gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.

“Một trong những trở ngại lớn nhất, đó là sự hoài nghi và phản đối với lý lẽ: không ai đi mua một sản phẩm cao cấp, xa xỉ của người Việt, hay người Việt không thể nào tạo ra được những sản phẩm sang trọng ngay tại Việt Nam. Nhưng cuối cùng, những ý tưởng táo bạo vẫn luôn nhận được sự đồng lòng, ủng hộ. Sản phẩm thời trang cao cấp Made-by-Viet-Nam đã xây dựng được vị thế vững chắc trên thị trường, phát triển suốt nhiều năm qua nhờ chiến lược phát triển dựa trên sự hội tụ những giá trị tinh túy nhất của chuỗi cung ứng thời trang toàn cầu tới Việt Nam”, Chủ tịch Giovanni Group nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Nguyễn Trọng Phi còn nhắc đến thành công của dự án Vinfast không chỉ tạo ra ô tô xăng mà sự táo bạo và tiên phong của tinh thần doanh nhân Việt Nam còn giúp kiến tạo ra những sản phẩm công nghệ hiện đại. “Hình ảnh những chiếc ô tô điện Vinfast được tán thưởng, chào đón và ngưỡng mộ trên toàn cầu chính là thành quả của sự miệt mài và tinh thần can đảm mãnh liệt mà những doanh nhân Việt Nam đang tiên phong, dẫn đầu trên một cuộc chơi ngày càng rộng lớn và thử thách, nhưng không kém phần vinh quang”, ông Nguyễn Trọng Phi cho biết.

Bài đăng của ông Nguyễn Duy Hưng trên trang Facebook cá nhân

Trong ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI bày tỏ việc trở thành doanh nhân chính là lựa chọn của bản thân nên ông luôn cảm thấy làm doanh nhân là “sướng” chứ không thấy “khổ”. Ông yêu nghề chứng khoán nên luôn chấp nhận mọi thứ thuộc về nó. “Đã là yêu thì chẳng bao giờ muốn rời bỏ kể cả nhiểu lúc nó không theo ý mình thậm chí còn làm tổn thương mình!”.

Trong ngày lễ đặc biệt này, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình lại nhắc về những ngày đầu khởi nghiệp.

“Những năm 1986-1989, trong đầu lứa học sinh cấp 3 chúng tôi không tồn tại từ doanh nhân… Thời đó, hầu như cũng không có sách dạy về kinh doanh. Suốt những năm đại học, lứa sinh viên chúng tôi không hào hứng nhiều với kinh doanh như thế hệ trẻ ngày nay. Chúng tôi không chuẩn bị được gì, chứ đừng nói là chuẩn bị được tốt cho công việc kinh doanh sau này, trừ một số người, nhất là những tay học ở Đông Âu, phải đi kiếm tiền nuôi mình từ rất sớm”.

Ông Nguyễn Cảnh Bình cho biết thêm, nhiều người lớn tuổi thường nghĩ doanh nhân “là những người thực dụng, chỉ nghĩ đến tiền và có kiểu gì đó giống con buôn, lợi dụng cơ chế và cái gì cũng làm, làm chỉ để kiếm tiền”.  Còn thế hệ của ông ngày đó nghĩ về doanh nhân “có cái gì đó xa vời, không thật và luôn thấy có khoảng cách”, vì thế, ông không hề có mong muốn, cũng chẳng có dự định nào trở thành doanh nhân…

Doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình

Khi tốt nghiệp đại học năm 1994, đám bạn thân của ông đều về cơ quan Nhà nước, hay "xịn" nhất khi đó là các tổng công ty, khi đó chưa có chữ tập đoàn. "Chúng tôi cũng không nghĩ về làm cho một công ty tư nhân vì thời đó công ty tư nhân rất ít hầu như ở quy mô nhỏ lẻ, lèo tèo, không có mấy tên tuổi. Các hãng nước ngoài cũng rất ít", ông Nguyễn Cảnh Bình cho biết.

Sau khi làm việc cho nhà nước 8 năm, ông Nguyễn Cảnh Bình mới rời ra ngoài. Ông chia sẻ thật tâm, ban đầu, ông cũng không có ý định lập doanh nghiệp, nhưng sở thích xuất bản sách, viết sách, đọc sách khiến ông gặp nhiều người đồng chí hướng và dần dần, ông nghĩ lập một doanh nghiệp là cách tốt nhất để sống và làm được điều mình thích.

“Càng làm, cái thấy ham thích công việc kinh doanh, thấy ý nghĩa, thấy được cái môi trường thể hiện được mình, được cái tôi, được làm điều mình thích, được tự do về suy nghĩ, về hành động có một cuộc sống vật chất tốt hơn… Công việc kinh doanh cũng đầy thách thức và hấp dẫn, lôi cuốn tôi.

Ngày xưa, tôi không hình dung được những khó khăn mà doanh nhân gặp phải lớn đến vậy, phức tạp đến vậy. Từng có lúc tôi nghĩ mình sẽ làm rất tốt nhưng ban đầu, hầu như tôi không chuẩn bị tinh thần và kỹ năng làm doanh nhân cho mình nên rất vất vả và cái giá phải trả rất lớn. Bây giờ, tôi vẫn chưa thấy mình giỏi, chưa thấy đủ… mà vẫn cần phải học nữa, học cách tổ chức công việc, học cách tìm ý tưởng và phát triển, xây dựng dự án và rất, rất nhiều việc cần làm, cần học hỏi”, Chủ tịch Alpha Books chia sẻ.

Tin mới lên