Bất động sản

Đối thoại với khách hàng Cocobay Đà Nẵng, Thành Đô cam kết gì?

(VNF) - Chủ đầu tư dự án Cocobay hứa trả khoản tiền thu nhập cam kết còn nợ năm 2019 chậm nhất vào ngày 30/9/2020 và sẽ trả lãi 10% cho phần thanh toán chậm trả, đồng thời sẽ làm việc với ngân hàng để thực hiện bảo lãnh tiến độ cho nhà đầu tư...

Đối thoại với khách hàng Cocobay Đà Nẵng, Thành Đô cam kết gì?

Buổi đối thoại giữa khách hàng mua bất động sản tại dự án Cocobay Đà Nẵng và chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô và Ngân hàng tài trợ vốn đã chốt xong biên bản làm việc vào chiều 21/5. Biên bản có chữ ký của đại diện chủ sở hữu, đại diện phía Thành Đô và ngân hàng

3 nhóm giải pháp tháo gỡ cho khách hàng cần được làm rõ

Tại buổi đối thoại, ban đại diện chủ sở hữu cho biết khoảng 470 nhà đầu tư đã uỷ quyền, yêu cầu chủ đầu tư và ngân hàng làm rõ nhiều nội dung.

Nội dung thứ nhất, nếu chọn phương án thanh lý thì bao giờ sẽ được nhận lại tiền.

Thứ hai, nếu chọn phương án nhận nhà hoặc chuyển đổi căn hộ condotel thành chung cư thì bao giờ nhận và lúc nào được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Thứ ba, nếu chọn phương án tiếp tục đồng hành cùng chủ đầu tư thì cơ sở nào để tin tưởng Thành Đô có thể trả được mức thu nhập cam kết 6%/năm.

Ngoài ra, nhóm nhà đầu tư cũng yêu cầu ngân hàng khoanh nhóm nợ cho đến khi Thành Đô hoàn thành chi trả thu nhập cam kết còn nợ từ 2019 và thực hiện nghĩa vụ giải quyết quyền lợi.

Ông Trần Công Hoan, chủ sở hữu căn hộ tại tòa R2 bày tỏ bản thân ông cũng như nhiều người khác mua sản phẩm tại Cocobay Đà Nẵng không muốn phải đấu tranh đòi quyền lợi vì mệt mỏi, mất thời gian mà chính Thành Đô và ngân hàng cũng bị ảnh hưởng về uy tín.

Tuy nhiên, ông Hoan cho hay cách hành xử của Thành Đô thiếu chuẩn mực vì không tuân thủ luật pháp, không tuân thủ đạo đức kinh doanh và không tuân thủ nguyên tắc công bằng trong đầu tư.

“Chúng tôi đứng trước nguy cơ mất cửa, mất nhà, gia đình tan nát, nhiều lần chúng tôi gửi đơn thư để yêu cầu đối thoại 3 bên nhưng đều không được. Vì vậy chúng tôi buộc phải đấu tranh đòi quyền lợi, thậm chí gây bất ổn xã hội”, ông Hoan nói.

Ông Hoan cho rằng ông có cảm giác bị chiếm đoạt tài sản khi bỏ tiền tỷ mua căn hộ với cam kết lợi nhuận trong hợp đồng rất rõ ràng, hợp đồng được pháp luật bảo hộ rồi lại tuyên bố dừng không trả. 

Đáng chú ý, chủ sở hữu căn hộ tòa R2 cũng phản bác thông tin ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch Công ty Thành Đô cung cấp trước đó rằng “chỉ còn 10 hoặc 30 khách hàng không chọn giải pháp nào mà phía chủ đầu tư đưa ra”.

Ông Hoan khẳng định đây là thông tin sai sự thật và cho biết: “Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng chứng minh cụ thể còn trên 200 chủ sở hữu chưa đồng ý phương án nào vì đều gây thiệt hại kinh tế”.

Tương tự, bà Mai Thị Nga, chủ sở hữu căn hộ 0207 - tòa R1 cho biết muốn đối thoại trực tiếp với ngân hàng bảo lãnh và chủ đầu tư để giải quyết quyền lợi.

Bà cho biết đã bán ruộng, vay ngân hàng để đầu tư vào Cocobay Đà Nẵng, hiện đã đóng đủ 100% giá trị căn hộ. Thế nhưng, khi Thành Đô tuyên bố chấm dứt chi trả cam kết thu nhập, bà gần như không có khả năng chi trả các khoản vay và lãi suất ở ngân hàng.

Một thành viên khác của ban đại diện khách hàng là ông Nguyễn Hải Long cũng cho biết đầu tư vào Cocobay Đà Nẵng vì tin tưởng vào ngân hàng bảo lãnh. Mặc dù giá bán sản phẩm chủ đầu tư đưa ra cao hơn thị trường nhiều lần, ông vẫn chấp nhận đầu tư vì mức thu nhập cam kết 12%/năm.

Ông Long cho hay các giải pháp đã được ban đại diện gửi công văn đến Thành Đô và ngân hàng nhưng đều không nhận được phản hồi. Vì vậy, tại buổi đối thoại lần này, ông mong muốn thương thảo để chấm dứt khủng hoảng.

Theo ông Long, ngân hàng thay đổi lãi suất không thông báo cho khách hàng là sai với hợp đồng tín dụng. Thêm một lý do đẩy các chủ sở hữu vào nhóm nợ xấu sớm là trong hợp đồng tín dụng quy định thu nợ gốc và lãi theo quy định nhưng trong thực tế ngân hàng thu quá số đó, thu luôn tiền vay gốc trước hạn và không hề xin ý kiến khách hàng là vi phạm luật tín dụng, gây khó khăn cho khách hàng.

Cũng theo ông Long, mới đây Thành Đô thông tin với báo giới là không thu thêm 15% chi phí chuyển đổi thành chung cư, nhưng hiện chưa có văn bản chính thức. Ông Long đặt câu hỏi nhiều tòa S1, S2 chưa xây xong thì bàn giao theo cách nào và vấn đề sổ đỏ cũng chưa rõ ràng, quy chế chưa có.

Còn về phía chủ đầu tư, ông Trần Văn Long, trợ lý của ông Nguyễn Đức Thành, thừa nhận hiện nay một số tòa nhà chưa được thực hiện theo đúng tiến độ do tác động của dịch Covid-19.

“Nếu chủ đầu tư chọn hướng nhận lại nhà, trường hợp nhà chưa hoàn thiện, Thành Đô sẽ làm việc với ngân hàng để thực hiện bảo lãnh tiến độ cho nhà đầu tư”, vị trợ lý nói.

Về vấn đề sổ đỏ, ông Long cho biết Thành Đô vẫn cố gắng để đảm bảo cung cấp đủ cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, thời gian cấp phụ thuộc vào chính quyền TP. Đà Nẵng.

Về giải pháp thanh lý hợp đồng mua bán, ông Long cho hay, ngân hàng sẽ cấp bảo lãnh không hủy ngang cho nhà đầu tư cho đến khi nhà đầu tư nhận được tài sản.

Đối với mức thu nhập cam kết còn nợ năm 2019, chủ đầu tư cam kết sẽ trả khoản tiền này chậm nhất vào ngày 30/9/2020 và sẽ trả lãi 10% cho phần thanh toán chậm trả.

Vào ngày 25/11/2019, Empire Group - chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng phát đi thông báo sẽ không tiếp tục trả thu nhập cam kết cho khách hàng từ ngày 1/1/2020 do những khó khăn về dòng tiền.

Trước thông báo đơn phương chấm dứt của Empire Group, hàng nghìn chủ sở hữu đã bỏ tiền từ vài tỷ đến vài trăm tỷ để đầu tư vào Cocobay Đà Nẵng vô cùng "sốc" và hoang mang.

Dù vậy, Empire Group vẫn khẳng định khoản thu nhập cam kết từ khi kí hợp đồng mua bán đến ngày 31/12/2019 mà Empire Group đã chi trả cho chủ sở hữu sẽ không bị thu hồi. Empire Group sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm chi trả cho chủ sở hữu.

Tin mới lên