'Đói' thông tin, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thanh Long - 28/10/2020 08:20 (GMT+7)

(VNF) - SSI đánh giá thông tin phát hành trái phiếu riêng lẻ được công bố trên HNX rất vắn tắt và không có các thông tin cơ bản về lãi suất, bên mua, tài sản đảm bảo (TSBĐ)… Bên cạnh đó, khảo sát cho thấy phần lớn trái phiếu doanh nghiệp không có TSBĐ, TSBĐ bằng cổ phiếu hoặc không rõ thông tin TSBĐ. Những vấn đề này khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư.

VNF
'Đói' thông tin, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thống kê cho thấy trong quý III/2020, các doanh nghiệp đã phát hành tổng cộng 164,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu, tăng 29% so với quý trước và tăng tới 95% so với cùng kỳ năm 2019.

Lũy kế 9 tháng, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành 9 tháng đầu năm là 341 nghìn tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2019. Quy mô thị trường TPDN tính trên GDP tăng nhanh từ mức 11,4% tại cuối 2019 lên 14,4% vào cuối tháng 9/2020.

Đáng chú ý, lượng phát hành riêng lẻ tăng vọt trong tháng 8 và sụt giảm mạnh trong tháng 9. Có tới 86,4 nghìn tỷ trái phiếu phát hành trong tháng 8, tăng 71% so với tháng 7 và chiếm 57% lượng phát hành riêng lẻ cả quý. Sang tháng 9, chỉ có 14,1 nghìn tỷ TPDN được phát hành riêng lẻ, giảm tới 84% so với tháng 8 và chủ yếu là trái phiếu của các ngân hàng thương mại (NHTM).

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, diễn biến này không có nhiều bất ngờ khi các điều kiện phát hành riêng lẻ bị siết chặt hơn tại Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/9/2020, theo đó, các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu sẽ phải chuyển sang hình thức phát hành ra công chúng.

Dữ liệu 9 tháng cũng cho thấy tỷ lệ phát hành/chào bán lên đến 98%, phản ánh nhu cầu thị trường ở mức cao.

Các doanh nghiệp bất động sản phát hành 137,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 40,3% tổng phát hành 9 tháng, chiếm tỷ trọng cao nhất toàn thị trường. Trong khi đó, các NHTM phát hành 36 nghìn tỷ trái phiếu tăng vốn cấp 2 để cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR).

Đặc biệt, nguồn vốn đang chảy rất mạnh vào nhóm trái phiếu năng lượng.

9 tháng năm 2020, tổng lượng phát hành của các doanh nghiệp nhóm này là 27,8 nghìn tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2019; kỳ hạn trái phiếu bình quân là 6,74 năm, dài hơn so với mức 5,53 năm của 2019.

Đi sâu hơn, các ngân hàng tăng giải ngân cho các dự án sản xuất và phân phối điện thông qua cả kênh cho vay và trái phiếu doanh nghiệp. Nhiều trái phiếu của các công ty năng lượng như Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, các công ty Ea Súp, Công ty Năng lượng Bắc Phương… do các NHTM nắm giữ.

Trong nửa đầu năm 2020, dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất và phân phối điện của khối các NHTM cổ phần cũng tăng thêm 11,9% so với cuối năm 2019, cao hơn rất nhiều mức tăng trưởng cho vay chung của các NHTM cổ phần chỉ là 4,55%.

Chuyên gia của SSI cảnh báo mặc dù tất cả các trái phiếu năng lượng đều có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh thanh toán bởi bên thứ 3 và điện mặt trời cũng đang được Nhà nước khuyến khích nhưng nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng vì thời hạn trái phiếu rất dài, cùng với đó, mạng lưới truyền tải điện quốc gia chưa đủ đáp ứng công suất các nhà máy điện mặt trời, đặc biệt ở khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận.

Thêm nữa, mức giá ưu đãi 2.086 đồng/kWh chỉ áp dụng với các dự án điện mặt trời nằm trong quy hoạch và vận hành thương mại trước 1/1/2021 (theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg).

Không chỉ các trái phiếu năng lượng, SSI cũng cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng với các trái phiếu không có tài sản bảo đảm (TSĐB) hoặc được đảm bảo bằng cổ phiếu.

SSI nhấn mạnh ngày 28/7/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ban hành Quy chế vận hành Chuyên trang thông tin TPDN tại HNX, theo đó thông tin phát hành trái phiếu riêng lẻ được công bố trên HNX sau đó rất vắn tắt và không có các thông tin cơ bản về lãi suất, bên mua, tài sản đảm bảo…

Thống kê trong 9 tháng năm 2020, nếu loại trừ 98 nghìn tỷ đồng TPDN không có thông tin về tài sản đảm bảo và toàn bộ 101,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu ngân hàng và công ty chứng khoán không có tài sản đảm bảo, số trái phiếu không có tài sản đảm bảo là 43,5 nghìn tỷ, gồm: 20,5 nghìn tỷ là trái phiếu bất động sản (TNR Holdings, Địa ốc Phú Long, Công ty Bất động sản Mỹ, Công ty Đầu tư và Xây dựng Phú Thượng…) và 22,6 nghìn tỷ trái phiếu của các doanh nghiệp khác (Sovico, Masan, BCG, IPA…)

Có 29,1 nghìn tỷ trái phiếu được bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức phát hành hoặc của bên thứ 3, gồm: 22,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản (Vinhomes, Công ty Phát triển bất động sản Phát Đạt, Novaland…); và các trái phiếu của Tổng công ty Thiết bị Điện Việt Nam, Camimex, Uniben, Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM…

"Chúng tôi không đánh giá cao chất lượng tài sản đảm bảo là cổ phiếu vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, giá trị cổ phiếu sẽ sụt giảm rất nhanh, thậm chí giá trị cổ phiếu của tổ chức phát hành có thể về 0 nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán/phá sản. Bởi vậy, các nhà đầu tư cần cẩn trọng khi xem xét đầu tư vào các trái phiếu không có TSĐB hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu", chuyên gia của SSI khuyến nghị.

Có ít nhất 42% trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 9 tháng năm 2020 không có tài sản bảo đảm

Dự báo thị trường TPDN trong quý cuối năm, SSI cho rằng các doanh nghiệp cần huy động vốn sẽ quay trở lại với kênh tín dụng.

Hiện đang có nhiều tín hiệu hỗ trợ kênh tín dụng. Cụ thể, tín dụng 9 tháng năm 2020 chỉ tăng 6,09% so với cuối năm 2019. Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 có thể đạt 8-10%, tức là có khoảng 150-320 nghìn tỷ đồng tín dụng tăng thêm trong quý IV/2020. Cùng với việc Ngân hàng Nhà nước giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung vào dài hạn, cơ quan này cũng đã giảm trần lãi suất tiền gửi và cho vay ngắn hạn lần thứ 3 trong năm nay.

Trong khi đó, kênh trái phiếu doanh nghị bị "siết" bởi quy định mới. Theo đó, ngoại trừ các NHTM thực hiện phát hành trái phiếu riêng lẻ theo Thông tư 34/2013/TT-NHNN, các doanh nghiệp khác đều tuân thủ theo Nghị định 81/2020/NĐ-CP nên sẽ giảm mạnh phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý IV/2020.

SSI cũng dự báo rằng việc phát hành ra công chúng khó có thể tăng mạnh do các quy định pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, thị trường TPDN thứ cấp được kỳ vọng vẫn sẽ hết sức sôi động.

Theo thống kê, lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm mạnh (0,70-1,1 điểm%) trong quý III/2020 đưa lãi suất tiền gửi về vùng thấp lịch sử, hiện chỉ giữ ở mức 3-3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7-5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, 4,9-5,8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.

"Chênh lệch lãi suất giữa TPDN trên thứ cấp và lãi suất tiền gửi tiếp tục giãn rộng, chúng tôi khảo sát mức chênh lệch này đang khoảng từ 2%-4%/năm. Nhu cầu với TPDN tăng cao trong khi nguồn cung sụt giảm sẽ khiến thị trường thứ cấp tiếp tục tăng nhiệt trong quý IV/2020", chuyên gia của SSI nêu quan điểm.

Ngoài ra, hoạt động xếp hạng tín nhiệm TPDN dự kiến sẽ được đẩy mạnh triển khai trong quý cuối năm.

Hiện mục tiêu đến năm 2030 là Việt Nam sẽ cấp giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho tối đa 5 doanh nghiệp và đến 2020, toàn bộ các đợt phát hành TPDN đều được xếp hạng tín nhiệm.

Đến thời điểm hiện tại chỉ có 2 doanh nghiệp có giấy phép nhưng mới triển khai dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho rất ít các doanh nghiệp.

Hiện tại, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) đang phối hợp với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody’s, Standard and Poor’s thành lập tổ chức xếp hạng định mức tín nhiệm. Hoạt động định hạng tín nhiệm được kỳ vọng sẽ triển khai mạnh hơn trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục
Tin khác