Tài chính quốc tế

Đội tuyển nữ Việt Nam dự World Cup sôi động nhất lịch sử: New Zealand, Úc thu lợi lớn

(VNF) - World Cup nữ 2023 bán ra đã vượt quá 1 triệu vé, biến giải đấu năm nay trở thành giải đấu có đông đảo cổ động viên nhất và sôi động nhất trong lịch sử.

Đội tuyển nữ Việt Nam dự World Cup sôi động nhất lịch sử: New Zealand, Úc thu lợi lớn

Tiềm năng của World Cup

World Cup nữ 2023 sẽ chính thức diễn ra vào cuối tháng 7 tới tại New Zealand và Úc. 8 đội tuyển tham dự World Cup bóng đá nữ năm nay bao gồm Việt Nam, Philippines, Morocco, Zambia, Haiti, Panama, CH Ireland và Bồ Đào Nha.

Theo Chủ tịch FIFA Gianni Infantino, số vé World Cup nữ 2023 bán ra đã vượt quá 1 triệu vé, biến World Cup nữ năm nay trở thành giải đấu có đông đảo cổ động viên nhất và sôi động nhất trong lịch sử. Giá vé trung bình rơi vào khoảng 50 USD, mang lại cho FIFA tổng doanh thu bán vé ước tính là 70 triệu USD. World Cup nữ 2023 dự kiến sẽ thu hút 2 tỷ người xem truyền hình, cũng là tỷ lệ cao nhất trong lịch sử.

World Cup nữ 2023 dự kiến sẽ mang lại khoản lợi nhuận 30,5 triệu USD cho nền kinh tế Úc

Bên cạnh ý nghĩa về thể thao, World Cup nữ 2023 còn có mang đến nhiều lợi ích cho nền kinh tế của quốc gia đăng cai. Theo ước tính của các chuyên gia, nền kinh tế New Zealand dự kiến thu lợi khoảng 44 triệu USD nhờ kỳ World Cup này. Khoản lợi nhuận này đến từ du khách quốc tế và trong nước trong thời gian diễn ra giải đấu.

Sân vận động FMG Waikato sẽ diễn ra 5 trận đấu từ ngày 20/7 đến ngày 20/8 năm nay. Ước tính khu vực này sẽ đón 12.500 du khách quốc tế, góp 13,7 triệu USD vào nền kinh tế khu vực, theo Nzherald. Các ngành hưởng lợi trực tiếp từ World Cup nữ 2023 bao gồm du lịch, khách sạn, vận tải, bán lẻ và dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đó, World Cup nữ 2023 cũng tạo cơ hội việc làm ngắn hạn cho nhiều người ở New Zealand.

Trong khi đó, World Cup nữ 2023 dự kiến sẽ mang lại khoản lợi nhuận 30,5 triệu USD cho nền kinh tế Úc. Ngoài ra, giải đấu này còn tạo 107 việc làm toàn thời gian cho người dân địa phương. Stirling Hinchliffe - Bộ trưởng Bộ Du lịch, Sáng tạo và Thể thao cho hay các trận đấu trong khuôn khổ World Cup nữ 2023 dự kiến sẽ thu hút hơn 40.000 du khách nước ngoài. “Nó sẽ thúc đẩy sự phát triển của các khách sạn, nhà hàng, quán bar trong khu vực và là cơ hội quảng bá cho nền du lịch nước nhà”, ông khẳng định.

Cỗ máy kiếm tiền của nhiều nước chủ nhà

Vào năm 2015, Canada đã thu lợi 493,6 triệu đô la Canada từ việc tổ chức World Cup nữ 2015, trong đó phần lớn lợi nhuận đến từ khách du lịch.

Các kỳ World Cup nam cũng được xem là cơ hội kiếm tiền của các nước chủ nhà. World Cup 2018 đã mang về cho nước chủ nhà Nga khoản lợi 235 triệu USD. World Cup đã đóng góp khoảng 0,1 – 0,2% GDP của Nga trong 2 quý cuối năm 2018.

Nga kiếm lời từ World Cup 2018

Trong một tháng diễn ra giải đấu, có tổng cộng 3 triệu khách du lịch quốc tế đến Nga, tăng 60% so với cùng kỳ. Bên cạnh lợi nhuận từ tiền bản quyền, du lịch, khách sạn và ngành hàng bán lẻ, World Cup 2018 còn giúp Nga thành công trong việc quảng bá hình ảnh đất nước.

Theo The Economist, kỳ World Cup 2010 đã trực tiếp tạo ra 130.000 việc làm trong lĩnh vực xây dựng và gián tiếp tạo ra 415.000 việc làm trong các lĩnh vực khác tại Nam Phi. Nó cũng đóng góp thêm 0,5% vào GDP của Nam Phi trong năm 2010.

Pháp, quốc gia đăng cai kỳ World Cup 1998 đã chứng kiến mức tăng trưởng 3,4% trong GDP, cao hơn mức 2,3% của năm trước đó. Các nước chủ nhà World Cup khác như Tây Ban Nha, Mỹ và Ý cũng có tốc độ tăng trưởng GDP đáng kể sau khi sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh diễn ra.

Bên cạnh ý nghĩa về mặt tài chính ngắn hạn, nhiều quốc gia lại nhìn thấy một khía cạnh đáng giá hơn cả tiền bạc từ việc đăng cai World Cup. Đơn cử như Qatar – đất nước đăng cai World Cup 2022 – đã sẵn sàng dùng tiền để đổi lại những lợi ích lâu dài khác.

Qatar đổ tiền vào World Cup 2022 vì nhiều mục đích khác nhau

Qatar được cho là đã đổ vào World Cup 2022 khoảng 229 tỷ USD, biến nó trở thành giải đấu đắt đỏ nhất hành tinh từ trước đến nay. Số tiền này dành cho việc xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông, sân vận động, khách sạn hay các cơ sở huấn luyện.

Thành công của World Cup 2022 giúp nâng tầm hình ảnh Qatar trong mắt bạn bè quốc tế. Chính phủ Qatar kỳ vọng nhờ hiệu ứng World Cup 2022, số lượng khách du lịch quốc tế đến đây sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2030, từ 2 triệu người vào năm 2019 lên 6 triệu người vào cuối thập kỷ này.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng phục vụ cho World Cup 2022 cũng được tận dụng để thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch hậu World Cup. Những con đường mới với tổng chiều dài 1.600 km, các trung tâm mua sắm, ga tàu điện ngầm và 20.000 phòng khách sạn mới được xây dựng phục vụ cho World Cup 2022 cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của đất nước, giúp thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Từ đó, nền kinh tế của Qatar sẽ giảm đi phần nào phụ thuộc vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch.

“Canh bạc” may rủi

Tuy nhiên, không phải nền kinh tế của quốc gia chủ nào cũng tăng trưởng hậu World Cup. Việc chi quá nhiều tiền vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, sân vận động, khách sạn khiến nền kinh tế của nhiều quốc gia bị “tổn thương” sau khi đăng cai World Cup.

Kinh tế Brazil bị tổn thương sau kỳ World Cup 2014

Brazil là một ví dụ điển hình. Vào năm 2014, quốc gia này đã bỏ ra số tiền ước tính lên tới 11,6 tỷ đô la phục vụ cho việc đăng cai tổ chức World Cup. Số tiền này được dùng để xây dựng đường xá, khách sạn và sân vận động. Khoản đầu tư khổng lồ này khiến kinh tế Brazil kiệt quệ trong khi các cơ sở vật chất sử dụng cho World Cup 2014 không được tái sử dụng. Sân vận dộng Mane Garrincha ở Brasilia với chi phí xây dựng gần 1 tỷ USD hiện đang được sử dụng làm bến xe buýt.

Các nhà kinh tế học từng phân tích về ảnh hưởng của các sự kiện thể thao tới thị trường việc làm và đi đến kết luận: Hầu như chúng không có một tác động tích cực dài hạn nào cho thị trường việc làm. Chưa kể, nhiều vấn đề liên quan như vi phạm nhân quyền, bóc lột sức lao động của công nhân cũng gây nhức nhối trong dư luận. Nhiều công nhân nhận cư xây dựn sân vận động World Cup 2022 tại Qatar từng lên tiếng tố cáo họ bị bóc lột nghiêm trọng, phải làm việc liên tục trong nhiều giờ, bị bùng lương hay trả lương thấp hơn cam kết.

Những kỳ vọng như World Cup sẽ thúc đẩy nền du lịch nước chủ nhà hậu đăng cai cũng không trở thành hiện thực ở nhiều quốc gia. Australia từng hy vọng sự kiện Olympics 2000 sẽ giúp tăng số lượng du khách tới thăm nhưng trên thực tế, số lượng khách du lịch trước và sau sự kiện này không thay đổi là bao, tờ ABC News nhận định.

Tin mới lên