Đồng Nai: Dự kiến bổ sung 189 dự án, hơn 1,4 nghìn ha vào kế hoạch sử dụng đất 2022

Trần Lê - 28/07/2022 20:11 (GMT+7)

(VNF) - UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ trì cuộc họp với các sở ngành, địa phương để lấy ý kiến về việc bổ sung 189 dự án vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022.

VNF
Huyện Long Thành 32 dự án, với diện tích 212 ha (ảnh minh họa)

Theo giải trình của các huyện, TP. Biên Hòa, TP. Long Khánh, những dự án trên đều đã được đưa vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030. Do đó, các địa phương đề xuất UBND tỉnh bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022 để tiếp tục triển khai. Những dự án đề xuất bổ sung đợt này có tổng diện tích hơn 1,4 nghìn ha.

Có 5 địa phương bổ sung nhiều dự án trong dịp này gồm: huyện Xuân Lộc khoảng 55 dự án với diện tích 138ha; huyện Long Thành 32 dự án, với diện tích 212 ha; TP. Biên Hòa 18 dự án với diện tích hơn 740 ha; huyện Định Quán 18 dự án với diện tích gần 90 ha và huyện Trảng Bom 16 dự án với diện tích 123 ha.

Trong số này, có một số dự án lớn như: khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1, khu đô thị Hiệp Hòa (TP. Biên Hòa), đường Phước Bình - Bàu Cạn - Cẩm Đường, khu đô thị mới An Phước (huyện Long Thành), khu dân cư Giang Điền B (huyện Trảng Bom).

Hiện UBND tỉnh đã có quyết định về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 phân khu 2.3 theo điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phân khu 2.3 có diện tích hơn 3,5 ngàn ha thuộc địa giới hành chính các xã: Phú Thạnh, Phú Hữu, Phú Đông, Vĩnh Thanh, Đại Phước và Phước Khánh. Phân khu 2.3 có quy mô dân số đến năm 2035 khoảng hơn 68,5 ngàn người và đến sau năm 2035, khi đô thị lấp đầy dự báo có khả năng dung nạp khoảng 140-160 nghìn người.

Phân khu 2.3 được định hình lập quy hoạch là trung tâm thể dục thể thao cấp vùng; trung tâm y tế, thương mại dịch vụ cấp đô thị. Phân khu này cũng là khu vực phát triển đô thị mới kết hợp nhà ở xã hội và cải tạo, nâng cấp các cộng đồng dân cư hiện hữu, duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp phù hợp với tính chất của toàn khu vực.

Với dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường vành đai 3 - TP. HCM, các tuyến đường cao tốc: Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương… đang được ưu tiên triển khai và đẩy nhanh tiến độ, Đồng Nai trở thành nơi thu hút nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.

Theo đó, giá đất nông nghiệp, phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh liên tục tăng từ năm 2018 đến đầu năm 2022. Hiện giá đất đã hạ nhiệt nhưng vẫn giữ ở mức khá cao và thiết lập mặt bằng giá mới. Giá đất bị đẩy lên cao hơn giá trị thực đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút đầu tư vào tỉnh và các dự án đang triển khai ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất.

Theo Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Đồng Nai, so với đầu năm 2018, giá đất ở Đồng Nai đã tăng 2-5 lần, trong đó có những khu vực giá bị các “cò đất” thổi lên cao hơn giá trị thật làm ảnh hưởng rất lớn đến các công trình, dự án đang triển khai đến khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nguyên do là người dân có đất bị thu hồi sẽ so sánh giá bồi thường với giá đất “sốt ảo” ngoài thị trường và thường khiếu nại về giá. Dự án khó thu hồi đất sẽ ảnh hưởng đến tiến độ vì vốn đầu tư tăng cao.

Tại một số địa phương, giá đất nông nghiệp tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Cụ thể, khu vực huyện Xuân Lộc, huyện Cẩm Mỹ dao động 6-15 tỷ đồng/ha, tùy theo từng vị trí, càng gần các trục đường giao thông lớn giá càng cao.

Tương tự, tại khu vực huyện Tân Phú, huyện Định Quán, đất nông nghiệp cũng được sang nhượng với giá 3-8 tỷ đồng/ha; khu vực huyện Thống Nhất, huyện Trảng Bom dao động 10-16 tỷ đồng/ha…

Tại một số tuyến đường mới mở ra, giá đất nông nghiệp ven đường tăng 8-10 lần. Người mua đa số từ nơi khác đến và chủ yếu là đầu tư đợi giá tăng sẽ bán ra. Vì giá đất tăng cao nên nhiều người đã tách nhỏ đất nông nghiệp 1-2 nghìn m2/thửa cho dễ bán. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tích tụ đất đai và phát triển nông nghiệp thành vùng sản xuất lớn theo hướng hàng hóa.

Đồng Nai nằm ở trung tâm đầu mối giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong những năm gần đây, bất động sản đóng góp hơn 10% cho GRDP của tỉnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác