Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới vào thế cùng quẫn

Anh Minh - 06/05/2018 18:18 (GMT+7)

Doanh thu giá dịch vụ bình quân mỗi ngày chỉ đạt chưa đầy 12,5% phương án tài chính khiến Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 đã thực sự phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

VNF
Cảnh đìu hiu tại trạm thu giá 79 + 930 trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới. Ảnh: Anh Minh

Vỡ trận

Cho đến thời điểm này, Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km 75 - Km 100 là gánh nặng lớn về tài chính cho liên danh nhà đầu tư Tập đoàn Cienco4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc, khi doanh thu thu giá thấp rất xa so với kỳ vọng và phương án tài chính tại hợp đồng BOT.

Cụ thể, sau 3 tháng tiến hành thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Km 72+930, tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới (25/1/2018 - 25/42018), tổng doanh thu lũy kế đạt 6,687 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi ngày chỉ có chưa đầy 1.735 PCU (phương tiện quy đổi lấy xe 5 chỗ ngồi làm chuẩn) qua trạm thu giá này, mang lại khoản doanh thu 74 triệu đồng.

Được biết, trong phương án tài chính, lưu lượng xe trung bình 1 ngày phải đạt tối thiểu 9.398 PCU, doanh thu đạt 594,5 triệu đồng, nhà đầu tư mới đạt đến điểm hòa vốn. Trong khi đó, tính đến cuối tháng 4, Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới - doanh nghiệp dự án đã chi ra 219 tỷ đồng (bao gồm trả lãi vay cho ngân hàng 183 tỷ đồng, trả nợ gốc 26 tỷ đồng, chi phí quản lý thu 6,1 tỷ đồng, chi phí duy tu bảo trì 3,3 tỷ đồng).

“Doanh nghiệp dự án đang gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng và duy trì dự án hoạt động bình thường. Nếu tiếp tục kéo dài thêm vài tháng, việc mất thanh khoản là điều chắc chắn sẽ diễn ra”, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, CEO Tập đoàn Cienco4 cho biết.

Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km 75 - Km 100 có tổng mức đầu tư ban đầu là 2.746,3 tỷ đồng. Để hoàn vốn cho Dự án gồm 2 hợp phần không thể tách rời này, nhà đầu tư được sử dụng 2 trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Km 72+930) và trên Quốc lộ 3 hiện tại (Km 77+922) để hoàn vốn trên cơ sở sự thống nhất cao của liên bộ Tài chính, Giao thông - Vận tải (GTVT) và 2 tỉnh là Thái Nguyên và Bắc Kạn.

Tuy nhiên, do vấp phải sự phản đối của một số người dân địa phương và UBND tỉnh Thái Nguyên, Dự án hiện chỉ thu giá tại trạm thu giá Km 72+930 trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới, với thời gian thu giá bắt đầu 0h ngày 25/1/2018.

Trước đó, UBND tỉnh Thái Nguyên kiến nghị Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư, theo hướng xem xét dỡ bỏ trạm thu phí Bờ Đậu tại Km 77+922,5 Quốc lộ 3 đoạn qua TP. Thái Nguyên cho phép nhà đầu tư mở rộng, hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đặt hai trạm thu phí trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và đường Thái Nguyên - Chợ Mới và có chính sách đặc thù hỗ trợ ngân sách Trung ương cho nhà đầu tư phần doanh thu bị giảm do bỏ trạm thu phí trên, để tránh nguy cơ phá sản cho nhà đầu tư..

Theo ông Huỳnh, việc chỉ được thu giá tại trạm Km 72+930 tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới dẫn đến các phương tiện đổ dồn vào tuyến Quốc lộ 3 (hiện vẫn bỏ ngỏ khả năng thu giá). Trong khi đó, tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới xây dựng 4 làn xe chỉ hút được một phần xe con - loại xe có giá dịch vụ thấp nhất trong 5 loại xe chịu phí.

Bế tắc

Cần phải nói thêm rằng, trong quyết định đồng ý cho nhà đầu tư thu giá, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ: sau 3 tháng kể từ ngày bắt đầu thu giá, trên cơ sở kiểm đếm lưu lượng phương tiện và xác định được doanh thu thực tế, nhà đầu tư tính toán lại phương án tài chính, báo cáo Bộ Giao thông vận tải phương án giải quyết tổng thể.

Lãnh đạo Tập đoàn Cienco4 cho biết, sẽ không cần thêm thời gian thu giá để chứng minh phương án thu 1 trạm sẽ khiến Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 – Km 100 rơi vào tình trạng phá sản.

Trên cơ sở số liệu thu giá thực tế, giá trị vốn đầu tư Dự án, Liên danh Cienco4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải 2 phương án “giải cứu”.

Theo đó, phương án 1, nhà đầu tư đề nghị Bộ Giao thông vận tải có giải pháp để doanh nghiệp dự án được thực hiện thu thêm giá sử dụng đường bộ tại Km 77+922 trên Quốc lộ 3 như thỏa thuận tại Hợp đồng đã ký. Thời gian thu giá tại trạm Km 77+922, Quốc lộ 3 sẽ bắt đầu ngay từ tháng 5/2018, có thực hiện giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ mà nhà đầu tư đã đạt được sự thống nhất với Bộ Giao thông vận tải và 2 địa phương hồi tháng 10/2017. Nếu thực hiện được phương án này, thời gian hoàn vốn Dự án vào khoảng 17 năm 4 tháng, tăng 1 năm 3 tháng so với phương án hoàn vốn ban đầu.

Trong trường hợp không được thu 2 trạm, nhà đầu tư kiến nghị Bộ Giao thông vận tải trưng mua lại Dự án với giá trị khoảng 2.775 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế VAT), dự kiến chi trả 1 lần trong tháng 1/2019.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ Giao thông vận tải), phương án trưng mua lại Dự án mà nhà đầu tư đề xuất nằm ngoài tầm với của Bộ Giao thông vận tải. Ngoài việc phải xin ý kiến Chính phủ, ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017 - 2020 được phân khai cho Bộ Giao thông vận tải không còn bất kỳ khoản kinh phí nào dành cho việc xử lý các bất cập tại các dự án BOT.

Đối với Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km 75 - Km 100, Bộ Giao thông vận tải cho biết, sau khi chốt được số liệu thu thực tế trong 3 tháng, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ tính toán các phương án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.

Cần 21.000 tỷ đồng để xóa trạm thu giá trên các quốc lộ song hành cao tốc

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đánh giá các trạm thu giá BOT còn bất cập, vào giữa tháng 4/2018, Bộ GTVT cho biết, hiện có 4 dự án với 6 trạm thu trên cả tuyến quốc lộ và cao tốc khi đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc và cải tạo quốc lộ song hành mà Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 là ví dụ điển hình.

Đối với 3 dự án (Quốc lộ 6 và cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Quốc lộ 1; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 5), theo Bộ GTVT, nếu bỏ các trạm thu giá trên các tuyến quốc lộ, phương án tài chính các dự án sẽ không khả thi do nhà nước phải bố trí ngân sách để bù phần thiếu hụt doanh thu. Tính toán sơ bộ cho thấy, phần thiếu hụt này có thể lên tới 21.000 tỷ đồng, trong đó Quốc lộ 5 cần tới 16.000 tỷ đồng.

Trong điều kiện ngân sách khó khăn như hiện nay, phương án này là không khả thi, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục thu giá tại các trạm này đi kèm với việc miễn, giảm giá dịch vụ đối với người dân quanh trạm và ưu tiên giảm giá chung cho các phương tiện nếu phương án tài chính các dự án còn khả thi.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác