Dự án đường sắt đô thị đội vốn 80 nghìn tỷ: Ai chịu trách nhiệm?

​Thành Nam - 16/08/2019 07:32 (GMT+7)

Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng cho rằng, trách nhiệm về dự án đường sắt đô thị “đội vốn” trước tiên thuộc về chủ đầu tư, sau đó đến “trách nhiệm liên quan” của các bộ, ngành. Còn “tư lệnh” ngành KH&ÐT lý giải, đường sắt đô thị tăng vốn là do “chưa tính hết đầy đủ”.

VNF
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Ðông đội vốn hàng chục ngàn tỷ đồng, liên tục chậm tiến độ thi công. Ảnh: Nhật Minh

Dự án càng kéo dài chi phí càng lớn

Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận bằng hoạt động chất vấn. Quan tâm đến việc quản lý, sử dụng vốn vay ODA, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) chất vấn hai Bộ trưởng Tài chính, KH&ĐT về 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. HCM chậm tiến độ, “đội vốn” khoảng 80.000 nghìn tỷ đồng. "Nguyên nhân, trách nhiệm của bộ trưởng trong quản lý điều hành, sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài thời gian qua và giải pháp thời gian tới, ra sao?”, ông Bình hỏi.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Trước 1/7/2018, chức năng quản lý nhà nước về ODA thuộc Bộ KH&ĐT. Sau khi Luật Quản lý nợ công có hiệu lực thi hành, Bộ Tài chính cũng chỉ là đầu mối đàm phán, ký kết các hiệp định. Còn nguyên nhân giải ngân chậm, theo Bộ trưởng là do giao dự toán chậm, giao kế hoạch cũng chậm. “Liên quan đến dự án chậm tiến độ, đội vốn…trước hết là trách nhiệm của chủ đầu tư, sau đó là trách nhiệm các bộ, ngành có liên quan trong quá trình xem xét, phê duyệt, triển khai dự án. Chúng tôi có tham gia nên có trách nhiệm liên quan”, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói.

“Chia lửa” với tư lệnh ngành Tài chính, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng lý giải: Do lần đầu tiên chúng ta thực hiện dự án đường sắt đô thị nên kinh nghiệm, năng lực tư vấn, quản lý chưa theo kịp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo Bộ trưởng, nguyên tắc sử dụng vốn ODA là thu hút công nghệ, kinh nghiệm của quốc tế nên các nhà thầu, tư vấn của quốc tế lập dự án và các cơ quan của ta xem xét phê duyệt. Nhưng chúng ta không lường hết được từ khâu đầu đến khâu cuối dự án, vì vậy đã phải điều chỉnh tăng vốn rất lớn.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Tuyến đường sắt đô thị thứ nhất của TP Hồ Chí Minh đã tăng vốn khoảng 30 nghìn tỷ đồng, còn dự án của Hà Nội cũng tăng khoảng 40 - 50 nghìn tỷ đồng.Theo Bộ trưởng từ việc điều chỉnh tăng vốn dẫn đến những hệ lụy phải xử lý là: Nguồn vốn ở đâu? Thẩm quyền phê duyệt dự án thế nào? Vốn đã tính vào kế hoạch trung hạn chưa? Khả năng cấp phát và vay lại của địa phương thế nào? Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định, đến nay, các dự án đường sắt đô thị đã đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện, chỉ còn chờ TP. HCM phê duyệt lại các quyết định điều chỉnh.

Xử nghiêm tín dụng đen, đòi nợ thuê

Trả lời chất vấn liên quan đến tội phạm tín dụng đen, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, “tín dụng đen” là vấn đề bức xúc của xã hội, được nhiều đại biểu chất vấn và dư luận hết sức quan tâm. Bộ đã nhiều lần báo cáo, đề ra nhiều giải pháp khắc phục tình trạng này, tham mưu Chính phủ ban hành chỉ thị về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen”.

Ông cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019 đã khởi tố 436 vụ với 766 bị can liên quan “tín dụng đen”, bảo kê, đòi nợ thuê; khởi tố 214 vụ và hơn 900 bị can liên quan cho vay nặng lãi. Bộ trưởng Công an khẳng định, do trấn áp mạnh nên tội phạm được kiềm chế, giảm tính phức tạp so với trước đây, nhiều nơi các tổ chức liên quan “tín dụng đen” tự tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng.

Về vấn đề có hay không sự bảo kê của lực lượng chức năng đối với hoạt động “tín dụng đen”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, qua điều tra chưa phát hiện trường hợp nào. “Chúng tôi sẽ làm rõ và sẽ xử lý nghiêm nếu có bảo kê hoặc có liên quan bảo kê, không có vùng cấm nào”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tham nhũng vặt nhưng tác hại không vặt

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu câu hỏi liên quan việc chống tham nhũng vặt. “Qua theo dõi tôi được biết, Chính phủ đã triển khai rất nhiều giải pháp để chống tham nhũng vặt. Tuy nhiên, hiệu quả trên thực tế chưa có nhiều chuyển biến và người dân vẫn rất bức xúc, nhất là những người dân có công việc liên quan đến các cơ quan công quyền”, đại biểu Thủy nói và đề nghị Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết nguyên nhân chính của việc chưa cải thiện đáng kể tình trạng trên. Giải pháp quan trọng có tính đột phá mà Chính phủ sẽ tiến hành trong thời gian tới để chống tham nhũng vặt là gì?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, bên cạnh phòng, chống các đại án, vụ án tham nhũng lớn, chủ trương của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhấn mạnh đến việc chống tham nhũng vặt. “Tham nhũng vặt là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận, nhân dân. Nó liên quan đến đạo đức công vụ của công chức, viên chức. Tuy tham nhũng vặt nhưng tác hại không vặt, nên người ta ví những con đê cao, to, hùng vĩ có thể vỡ bất cứ lúc nào vì tổ mối rất nhỏ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, tham nhũng vặt làm băng hoại đạo đức của công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ; làm xói mòn niềm tin, đồng thời làm tăng chi phí không chính thức của người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về kinh tế, bảo đảm thống nhất, rõ ràng, không chồng chéo. Điều này ngăn cản được cán bộ, cơ quan thanh tra, kiểm tra, tùy tiện trong quá trình thực thi công vụ tránh tình trạng nhũng nhiễu, sách nhiễu từ pháp luật. 

Theo TPO
Cùng chuyên mục
Tin khác