Dự án khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc (TP. HCM): Vỡ trận sau 23 năm bê bết

Ngô Nguyên - 09/05/2020 11:51 (GMT+7)

Dù liên doanh tỏ thiện chí xin tiếp tục, nhưng trước sai phạm lớn và kéo dài tại Dự án Khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh, TP.HCM), UBND TP. HCM đã quyết định đầu tư lại dự án này theo hướng xã hội hóa.

VNF
Tình trạng buông lỏng quản lý dẫn tới xây dựng trái phép tại dự án, khiến chính quyền địa phương phải cắm biển cảnh báo. Ảnh: N.S.

Bê bết hơn 23 năm

Thanh tra TP. HCM vừa có Thông báo số 41/TB-TTTP-P2 Kết luận thanh tra đối với Dự án Khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc, diện tích trên 370 ha, đã “treo” hơn 23 năm.

Cụ thể, năm 1996, UBND TP. HCM giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố làm chủ đầu tư Dự án cải tạo vùng trũng phèn Vĩnh Lộc nhằm xây dựng khu sinh thái văn hóa.

Đến năm 1997, UBND TP. HCM có quyết định thay đổi, giao Công ty Đầu tư xây dựng Bình Chánh (huyện Bình Chánh) làm chủ đầu tư. Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1104/QĐ-TTg về việc giao đất gần 370 ha cho Công ty Đầu tư xây dựng Bình Chánh để đầu tư khu sinh thái văn hóa.

Tuy nhiên, đến năm 2002, UBND TP. HCM lại tiếp tục thay đổi chủ đầu tư, chuyển giao cho Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) làm chủ đầu tư Dự án. Đến năm 2008, UBND TP. HCM chấp thuận chủ trương cho Sagri hợp tác với Công ty cổ phần quốc tế C&T (Công ty C&T) lập Công ty Vĩnh Lộc để đầu tư Dự án.

Dự án vẫn bê bết không triển khai, cho đến giờ vẫn chưa lập được quy hoạch chi tiết, chưa chọn được đơn vị tư vấn…

Căn nguyên “vỡ trận”

Theo Thanh tra TP.HCM, Dự án án chậm triển khai xuất phát từ nguyên nhân nội tại. Do Dự án có diện tích lớn, trong khi nguồn lực ngân sách hạn chế, nên việc UBND TP. HCM chấp thuận chủ trương cho Sagri hợp tác với Công ty C&T là cần thiết. Tuy nhiên, Dự án trì trệ bởi trình tự, thủ tục pháp lý và quá trình thay đổi pháp nhân, cũng như việc điều chỉnh chủ trương liên quan tỷ lệ góp vốn bị kéo dài do có sự chỉ đạo chưa thống nhất của chính quyền Thành phố về điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước chi phối.

Ngoài cơ quan công quyền, việc Sagri ký hợp đồng hợp tác với Công ty C&T trước khi có chỉ đạo của UBND TP.HCM là không đúng trình tự và không đảm bảo tỷ lệ vốn góp của Nhà nước chiếm cổ phần chi phối, dẫn tới hợp đồng này không thể thực hiện được.

Đáng nói hơn, trong giai đoạn được giao, chủ đầu tư là Sagri không đủ tiềm lực thực hiện Dự án. Do vậy, sau khi ký thỏa thuận hợp tác, cả Sagri và Công ty C&T chưa góp đủ vốn điều lệ vào Công ty Vĩnh Lộc.

Mặt khác, việc hợp tác giữa Sagri và Công ty C&T trên cơ sở góp vốn bằng tiền, không phải bằng quyền sử dụng đất và phần diện tích 221 ha chưa được cấp sổ đỏ, nên việc xác định giá trị lợi thế thương mại của Sagri cũng không có cơ sở.

Ngoài các bên nêu trên, sự tham mưu ẩu tả của Sở Tài nguyên và Môi trường cũng khiến việc thu hồi Dự án trở nên phức tạp. Cụ thể, năm 2011, do việc điều chỉnh vốn góp tại Công ty Vĩnh Lộc chưa được thực hiện, trong khi Dự án kéo dài, gây nhiều bức xúc, UBND TP.HCM đã quyết định ngưng thực hiện dự án này, dựa vào tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu dựa các căn cứ pháp lý không chặt chẽ, sai phạm vi, đối tượng…, dẫn tới UBND TP.HCM ký quyết định thu hồi, rồi các cơ quan chức năng lúng túng trước sự khác nhau giữa thủ tục thu hồi đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (370 ha) với quy hoạch chung theo quyết định của UBND TP.HCM (410 ha).

Đầu tư lại theo hướng xã hội hóa

Thanh tra TP. HCM cho biết, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố đã thống nhất cơ bản về nội dung kết luận thanh tra và đưa ra những chỉ đạo liên quan.

Theo đó, kiến nghị của Công ty Vĩnh Lộc xin được tiếp tục Dự án là không có cơ sở xem xét. Lý do là, Công ty Vĩnh Lộc là đơn vị được thành lập bởi Sagri và Công ty C&T để thực hiện Dự án, song đến nay, Sagri chưa hoàn tất các thủ tục để Công ty Vĩnh Lộc làm chủ đầu tư. Mặt khác, Sagri cũng xác định không tiếp tục thực hiện Dự án.

Đối với Công ty C&T, nếu có nhu cầu được thực hiện dự án này, thì có thể xem xét, nhưng phải thực hiện theo hình thức xã hội hóa theo chỉ đạo của UBND TP. HCM.

Thanh tra TP. HCM cũng cho hay, Chủ tịch UBND TP. HCM đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND Thành phố thu hồi đất của Công ty Đầu tư xây dựng Bình Chánh đã được giao theo Quyết định số 1104/QĐ-TTg ngày 26/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định pháp luật.

Sau khi có kết quả phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/2.000, UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND huyện Bình Chánh và các đơn vị liên quan xây dựng tiêu chí, kế hoạch lựa chọn, tham mưu UBND TP. HCM lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án theo hướng xã hội hóa.

UBND TP. HCM yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM phải tổ chức kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có thiếu sót trong việc tham mưu sai; UBND huyện Bình Chánh tổ chức kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân sai phạm trong quản lý đất đai, xử lý vi phạm về xây dựng và lấn chiếm đất đai tại khu đất thuộc dự án; Sagri tổ chức kiểm điểm xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan và thoái vốn tại Công ty cổ phần Sinh thái Văn hóa Vĩnh Lộc theo quy định, các phát sinh tranh chấp (nếu có) với Công ty C&T, Công ty cổ phần Sinh thái Văn hóa Vĩnh Lộc sẽ được phân xử tại tòa.

 

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.