Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên và sự 'lộng quyền' của ông Hoàng Như Cương

Lê Ngà - 26/12/2018 01:22 (GMT+7)

(VNF) - Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho rằng tại dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. HCM tuyến Bến Thành – Suối Tiên, UBND TP. HCM đã thực hiện các quyết định điều chỉnh dự án chưa đúng giá trị, chưa tuân thủ trình tự thủ tục và chưa đúng thẩm quyền.

VNF
UBND TP.HCM phê duyệt sai thẩm quyền tại dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Theo báo cáo, UBND TP. HCM đã phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư theo Quyết định số 4480/QĐ-UBND ngày 21/9/2011. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho rằng việc phê duyệt này là chưa đúng giá trị, chưa tuân thủ trình tự và chưa đúng thẩm quyền. 

Nguyên do là dự án điều chỉnh có tổng mức đầu tư là 47.325 tỷ đồng (lớn hơn 35.000 tỷ đồng) và đã trở thành dự án quan trọng của quốc gia (thuộc tiêu chí về vốn tại Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010). Do đó, theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 Nghị quyết số 49/2010/QH12 thì dự án phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Ngoài ra, theo quy định của Khoản 2 Điều 39 Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 và Điểm a Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP thì thẩm quyền quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia là Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng cho hay quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án của TP. HCM chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và chưa rõ ràng về nguồn vốn. Bên cạnh đó, quyết định phê duyệt điều chỉnh không đúng với giá trị lập. Cụ thể, giá trị tổng mức đầu tư được lập với 2 loại tiền, với mỗi loại tiền lại được tính trượt giá khác nhau (tiền đồng là 10,6% năm, tiền yên Nhật là 2,4% năm) và giá trị lập là 99.925 triệu yên và 27 tỷ đồng.

“Giá trị phê duyệt 236.626 triệu yên chỉ là giá trị tương đương tại thời điểm lập tháng 10/2009. Trường hợp phê duyệt chi bằng một loại tiền yên thì tất cả trượt giá phải được tính theo tiền yên và giá trị tổng mức đầu tư điều chỉnh chi là 206.126 triệu yên (giảm 30.500 triệu yên)”, báo cáo nêu rõ.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng nhấn mạnh việc UBND TP. HCM phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ hoàn thành năm 2017 sang hoàn thành năm 2019 theo Quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 27/1/2015 là không tuân thủ trình tự và thẩm quyền. Cụ thể, theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị quyết 49/2010/QH12, với dự án quan trọng quốc gia, khi kéo dài thời gian thực hiện từ 1 năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Chưa hết, việc UBND TP. HCM chỉ đạo đơn vị thẩm định sử dụng kết quả thẩm tra tổng mức đầu tư của tư vấn CPG&SMRT (do JICA thuê) cũng được xác định là không phù hợp với quy định.

“Theo quy định tại Nghị định số 112/2009/NĐ-CP, đơn vị thẩm tra phải do người quyết định đầu tư thuê. Về vấn đề đơn vị thẩm tra do JICA thuê, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có đề nghị chủ đầu tư cân nhắc việc lựa chọn đơn vị tư vấn độc lập, có đủ năng lực (không phải tư vấn do JICA thuê) để thẩm định lạo về quy mô và tổng mức đầu tư của dự sán sẽ đảm bảo tính khách quan hơn”, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.

Ai ký sai thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án?

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ rõ sai phạm liên quan đến Ban quản lý đường sắt đô thị (QLĐSĐT), cụ thể là Phó trưởng ban Hoàng Như Cương. Ông Cương đã phê duyệt điều chỉnh dự án trái thẩm quyền khi chỉ nắm vai trò là Phó trưởng ban QLĐSĐT.

Cụ thể, giá trị tổng mức đầu tư tại thời điểm 21/9/2011 là 99.925 triệu yên và 27 tỷ đồng nhưng tại thời điểm tháng 7/2014 giá trị tổng mức đầu tư tương đương là 219.839 triệu yên. 

"Như vậy Ban QLĐSĐT khi phê duyệt tổng mức đầu tư với giá trị 236.626 triệu yên là điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên 16.788 triệu yên", báo cáo nêu.

Về quy mô đầu tư, nhà ga Bến Thành 2 tầng có diện tích sàn 12.720m2 với chức năng ga trung tâm. Tuy nhiên, quy mô đầu tư đã được điều chỉnh lên 4 tầng với diện tích sàn hơn 30.000m2 với chức năng ga trung tâm tích hợp trung tâm thương mại ngầm, ngoài ra điều chỉnh 310m kết cấu hầm với kết cấu vòm sang kết cấu hộp kết hợp tường vây.

Kiểm toán Nhà nước xác định việc ký sai thẩm quyền của UBND TP. HCM là do dự án đã phát sinh vấn đề thuộc tiêu chí công trình quan trọng quốc gia, việc thẩm định phải được thực hiện bởi Hội đồng thẩm định Nhà nước.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài gần 20 km, tuyến đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP. HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Hiện, công trình đã hoàn thành hơn 57% khối lượng công việc, tuy nhiên có nguy cơ ngừng thi công do tình trạng thiếu vốn do những rắc rối vốn đầu tư.

Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020. Hồi năm 2007, thành phố phê duyệt dự án metro số 1 với tổng mức đầu tư gần 17.400 tỷ đồng (hơn 126.500 triệu yên). Sau đó dự án được chuyển giao cho Ban quản lý đường sắt đô thi làm chủ đầu tư. Hồi năm 2009, đơn vị này chọn nhà thầu cùng với việc làm rõ thiết kế cơ sở dẫn đến tăng tổng mức đầu tư của dự án lên là 47.325 tỷ đồng (hơn 235.500 triệu yên).

Xem thêm: Hầm tuyến Metro số 1-TP.HCM tự ý thay đổi thiết kế chiều dày tường vây?

Cùng chuyên mục
Tin khác