Dự trữ xăng dầu: Bộ Công Thương muốn 'đẩy' qua, Bộ Tài chính liền từ chối

Mai Anh - 16/12/2023 11:05 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Công Thương đề xuất chuyển nhiệm vụ quản lý dự trữ mặt hàng xăng dầu sang Bộ Tài chính nhưng Bộ Tài chính cho rằng Bộ Công Thương làm việc này mới phù hợp.

VNF

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo công tác dự trữ xăng dầu.

Trong văn bản gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cho hay, theo quy định, Bộ Công Thương được Chính phủ phân công quản lý mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính quản lý Nhà nước về lĩnh vực dự trữ quốc gia.

"Hơn nữa, xăng dầu là hàng hóa đặc biệt, dễ cháy nổ, độc hại và là ngành hàng kinh doanh có điều kiện. Việc bảo quản, vận chuyển, mua bán, nhập, xuất phải tuân theo những tiêu chuẩn kỹ thuật chặt chẽ; các bể chứa xăng dầu, hệ thống đường ống và phương tiện vận tải phải là các loại chuyên dụng, đặc thù.", Bộ Tài chính phân tích

Bộ này cho rằng cơ quan quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia phải là cơ quan có năng lực, có chuyên môn, nghiệp vụ; có chức năng quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực.

Do đó, việc Chính phủ phân công cho Bộ Công Thương quản lý dự trữ mặt hàng xăng dầu quốc gia là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và phù hợp năng lực, điều kiện thực tế về tổ chức bộ máy quản lý của Bộ Công Thương.

Trước đó, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Chính phủ đề xuất chuyển nhiệm vụ quản lý dự trữ mặt hàng xăng dầu sang Bộ Tài chính trong giai đoạn 2024-2025.

Trong văn bản này, Bộ Công Thương nhận định việc bảo quản riêng mặt hàng xăng dầu chưa thực hiện được do chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu của Nhà nước, phải thuê các doanh nghiệp xăng dầu để bảo quản. Bộ Tài chính cho rằng nhận định này "không có cơ sở".

Bởi theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia và quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch hệ thống kho xăng dầu dự trữ quốc gia, xăng dầu dự trữ quốc gia được cất giữ riêng, được thực hiện thuê kho để bảo quản theo quy định.

Xăng dầu dự trữ quốc gia phải được bảo quản riêng, nhưng thực tế triển khai, xăng dầu dự trữ quốc gia đang được Bộ Công Thương bảo quản chung với xăng dầu kinh doanh của doanh nghiệp.

"Do quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia và thực tiễn quản lý, bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia còn khác nhau nên trong thực hiện xây dựng cơ chế chính sách dưới luật (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế kỹ thuật quốc gia) còn chưa triển khai được", Bộ Tài chính lý giải.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương đánh giá kỹ cơ sở pháp lý, các ưu điểm, nhược điểm, giải pháp và lộ trình thực hiện để có cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Liên quan tới giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo quản xăng dầu dự trữ Quốc gia, tại văn bản ngày 14/12/2023 gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cho biết từ khi Luật Dự trữ quốc gia được ban hành năm 2012 đến nay, Bộ Công Thương bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia chung với xăng dầu kinh doanh theo hợp đồng ký với 4 doanh nghiệp. Bộ Tài chính quản lý nhà nước về lĩnh vực dự trữ quốc gia. 

Hàng năm, từ năm 2014 đến năm 2022, Bộ Công Thương thực hiện chuyển tiếp các hợp đồng bảo quản đã ký năm 2014 thông qua các phụ lục hợp đồng để bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia. Riêng năm 2023, Bộ Công Thương chưa ký hợp đồng bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia.

Đối với công tác nhập, xuất xăng dầu dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính nêu rõ: từ khi luật Dự trữ quốc gia ban hành năm 2012 đến nay, Bộ Công Thương không xây dựng và thực hiện mua tăng, mua bổ sung, mua bù xăng dầu dự trữ quốc gia.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.