Xe

Dùng phù hiệu xe hộ đê giả có thể bị xử lý hình sự

(VNF) - “Nếu phát hiện các đối tượng chủ động làm giả phù hiệu (phù hiệu hộ đê, giấy ra vào Bộ Công an, giấy Công lệnh Chính phủ, giấy giới thiệu Ban cố vấn đặc biệt Chính phủ…) thì sẽ bị xử lý hình sự theo pháp luật”, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho biết.

Dùng phù hiệu xe hộ đê giả có thể bị xử lý hình sự

Dùng phù hiệu giả có thể bị xử lý hình sự.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Cách nào quản xe hộ đê tràn lan trốn phí đường bộ”, thực trạng nhiều phương tiện mang phù hiệu hộ đê giả và nạn buôn bán phù hiệu hộ đê để trốn phí đường bộ đã được nêu ra.

Trả lời về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông - Cục Cảnh sát giao thông, cho biết: “Việc sử dụng các thiết bị, tín hiệu giả xe ưu tiên, theo Nghị định 46, sẽ xử phạt từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. Ở đây là dùng cờ, còi giả xe ưu tiên hộ đê. Còn nếu chủ động làm giả phù hiệu thì sẽ phải xử lý hình sự".

Theo ông Nhật, không chỉ sử dụng phù hiệu xe hộ đê giả, các lái xe còn sử dụng nhiều hình thức giấy tờ giả để lưu thông với nhiều mục đích khác nhau như: giấy ra vào Bộ Công an, giấy Công lệnh Chính phủ, giấy giới thiệu Ban cố vấn đặc biệt Chính phủ…

"Việc sử dụng phù hiệu xe hộ đê giả là một việc nguy hiểm, bởi đây là loại xe không chỉ được ưu tiên về phí mà còn có nhiều quyền ưu tiên khác khi tham gia giao thông như đi không hạn chế tốc độ, được đi ngược chiều, đi vào đường ưu tiên... Vì vậy rất cần thiết phải ngăn chặn ngay tình trạng này”, ông Nhật nói.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng việc sử dụng phù hiệu hộ đê để trục lợi chính là ăn cắp tiền của người dân, của nhà nước. Do đó cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra trách nhiệm của tổ chức đã buông lỏng quản lý trong việc cấp phù hiệu, hoặc đối tượng sử dụng phù hiệu giả để trục lợi. 

“Đáng nói là các công ty quản lý, khai thác cao tốc cũng có biểu hiện vô cảm, vô trách nhiệm với thực trạng này. Nhiều năm trời thất thoát hàng chục tỷ đồng mà không phản ánh đề xuất giải pháp. Phải chăng là nếu hụt thu thì các đồng chí lại xin kéo dài thời gian thu phí? Tôi cho rằng phải chỉ rõ trách nhiệm ai cấp phát biển sai, ai buông lỏng kiểm soát? Ai làm giả giấy tờ để trục lợi”, ông Thanh đặt câu hỏi.

Ông Thanh cho rằng cần phải xử lý hình sự và làm rõ trách nhiệm cá nhân trong việc làm giả và mua bán phù hiệu, không để vụ việc bị chìm xuồng.

Về giải pháp ngăn chặn thực trạng trên, ông Thanh cho biết cần phải rà soát lại quy định pháp lý về cấp phù hiệu xe hộ đê để cấp đúng đối tượng, đúng thời hạn, phạm vi hoạt động.

Đồng thời, phải cung cấp thông tin công khai số liệu xe được cấp phù hiệu tới các cơ quan thu phí, cơ quan chức năng. Cơ quan thu phí phải tỏ thái độ cương quyết, phát hiện biển giả cần báo lại cho cơ quan chức năng ngay để xử lý giải quyết.

Nhận biết phù hiệu giả - thật, giải pháp thế nào?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho biết theo Nghị định 109 Chính phủ, tín hiệu xe hộ đê, làm nhiệm vụ hộ đê phải có cờ hiệu hộ đê cắm phía trước xe, bên trái người lái. Đây là dấu hiệu nhận biết đầu tiên để người tham gia giao thông nhường đường. Nếu xe không có cờ hiệu thì không phải là xe được ưu tiên.

Theo Thông tư 159 Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu phí, xe hộ đê phải xuất trình được phù hiệu và giấy phép xe ưu tiên. Do đó nhân viên thu phí phải giám sát xe xem có cờ hiệu, phù hiệu xe hộ đê hay không?

Xem thêm: 7.598 xe hoạt động ở Hà Nội bằng phù hiệu của địa phương khác

Tin mới lên