Đường tới Quốc hội: Doanh nhân Nguyễn Như So - người đứng sau thành công của Dabaco
Bảo Duy -
16/05/2021 11:41 (GMT+7)
(VNF) - Suốt quá trình hoạt động trên thương trường, doanh nhân Nguyễn Như So đã tạo dựng được vị thế và uy tín lớn trong xã hội, ông đã đưa một doanh nghiệp từng đứng bên bờ vực phá sản vào những năm 1996 trở thành thương hiệu top đầu trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và con giống tại Việt Nam.
Trong số 868 ứng viên chính thức để bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XV, đáng chú ý là sự có mặt của doanh nhân Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco.
Doanh nhân Nguyễn Như So sinh 23/08/1957 tại huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Ông Nguyễn Như So cũng đã có quãng thời gian 15 năm phục vụ trong quân đội. Sau khi xuất ngũ và lấy được tấm bằng cử nhân kinh tế, năm 1988, ông được điều về làm Phó Giám đốc Công ty Vật tư Hà Bắc.
Năm 1996, khi đang làm tốt công việc thì ông được tỉnh điều chuyển về làm Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Hà Bắc - một doanh nghiệp làm ăn bết bát và đang nằm trong diện giải thể. Thời điểm đấy, Công ty Dâu tằm tơ Hà Bắc sắp phá sản. Khi ông So về, tỉnh đổi tên doanh nghiệp này thành Công ty Nông sản Bắc Ninh.
“Khi đó, công ty không còn hoạt động sản xuất, chỉ còn lại vài công nhân. Cơ sở vật chất hầu như không có gì ngoài mấy cái máy hàn trị giá 2,5 triệu và khu đất cỏ mọc xanh um”, ông So từng chia sẻ.
Quá trình vượt khó, vực dậy Công ty Nông sản Bắc Ninh của doanh nhân Nguyễn Như So có thể nói là một câu chuyện dài. Tiếp nhận một doanh nghiệp mà tài sản gần như con số không, ông So quyết tâm tìm hướng đi mới cho doanh nghiệp. Ông nhận thấy Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng 80% thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu từ bên ngoài. Vậy là ông chuyển hướng sang sản xuất thức ăn chăn nuôi và con giống.
Ông lên một kế hoạch cần phải dùng tới 20 tỷ đồng (thời giá 1996) với mục tiêu xây dựng được một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và một trại gà giống. Nhưng tỉnh Bắc Ninh chỉ cho đúng 1 tỷ đồng.
Ngay sau đó, ông So lập hồ sơ dự án xin vay vốn ngân hàng, song ngân hàng cũng từ chối nốt. Phải đến khi có sự bảo lãnh của UBND tỉnh, ông mới vay được 500.000 USD từ ngân hàng để nhập khẩu dây chuyền sản xuất và thiết bị.
Có tiền, ông So đã cùng đội ngũ kỹ thuật sang Thái Lan và một số nước có công nghệ nông nghiệp tiên tiến để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Sau rất nhiều nỗ lực, đến cuối năm 1997, mẻ sản phẩm thức ăn chăn nuôi đầu tiên của công ty cũng hoàn thành.
Song thời gian đầu, do công thức pha trộn chưa chuẩn, sản phẩm không như mong đợi. Đứng trước nguy cơ mất vốn, ông So một lần nữa lại lặn lội sang Thái Lan mời chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi sang hướng dẫn kỹ thuật.
Sau khi nắm được công thức pha trộn chuẩn, công ty thực sự đi vào giai đoạn phát triển sản xuất và chỉ một năm sau đó, sản lượng đã tăng lên gần gấp đôi.
Dưới sự lãnh đạo của ông So, Công ty Nông sản Bắc Ninh dần phát triển. Năm 2008, Công Nông sản Bắc Ninh được đổi tên thành Công ty Cổ phần Dabaco Việt Nam, cổ phiếu của công ty cũng chính thức được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ngày 26/3/2011, đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam.
Đến nay, sau 25 năm, Dabaco là một trong số ít doanh nghiệp hoạt động trong toàn bộ chuỗi giá trị khép kín của ngành công, nông nghiệp thực phẩm, 3F - sạch từ trang trại, nhà máy tới bàn ăn, sở hữu hệ thống trên 60 đơn vị thành viên.
Dabaco hiện nay theo đuổi mô hình chăn nuôi nông nghiệp quy mô lớn và công nghệ cao.
Được biết, năm 2020, Dabaco đạt doanh thu 10.022 tỷ đồng, tăng trưởng 39%. Trong đó, lợi nhuận ròng 1.400 tỷ đồng, gấp 4,6 lần năm 2019. Trong năm qua, mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt 3.105 tỷ đồng, tăng 35%; mảng sản xuất con giống và chăn nuôi đạt 5.941 tỷ đồng, tăng 27%...
Lợi nhuận sau thuế của 2 mảng này đạt lần lượt 996 tỷ đồng và 1.045 tỷ đồng, cao lần lượt gấp 4,6 lần và 13,7 lần so với năm 2019.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dabaco Nguyễn Như So cho biết đơn vị này sẽ phấn đấu hoàn thành tốt nhất mục tiêu đã đề ra cho giai đoạn 2020 – 2025, trở thành doanh nghiệp "tỷ đô" trong thời gian sớm nhất theo tiêu chí tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Nói về "bí quyết" cân bằng giữa công việc kinh doanh và xã hội, ông So gói gọn trong 4 chữ: "Tự tin, chân thành". Theo vị doanh nhân, tự tin vào bản thân mình thì mới thuyết phục được người khác cùng tin và cùng hành động; sống chân thành, đối xử với mọi người bằng cái tâm trong sáng thì việc khó mấy cũng vượt qua.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone