(VNF) - Gần 20 năm trước, một vùng đất hoang sơ nằm ở huyện Văn Giang chỉ được biết đến là vùng trồng hoa, trồng cây cảnh… nhưng giờ đây là sự hiện hữu khu đô thị sinh thái Ecopark lớn nhất miền Bắc có quy mô gần 500ha.
Ý tưởng về một dự án có bản sắc
Để có một khu đô thị Ecopark điển hình như ngày nay, ít ai biết rằng ông Lương Xuân Hà - Chủ tịch Tập đoàn Ecopark cùng cộng sự đã rất dày công nghiên cứu trong nhiều năm. Năm 2003, khi lên kế hoạch phát triển một khu đô thị, ông Hà và cộng sự loay hoay chưa biết làm như thế nào, vì thời điểm đó trở về trước, hầu hết các dự án khu đô thị đều được giao cho các doanh nghiệp nhà nước như HUD, Vinaconex, trong khi một số dự án lớn khác vẫn do các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện.
Lúc đó, các nhà sáng lập xác định phải kiếm được vị trí đắc địa để đầu tư, bởi bất động sản có thành công hay không, vị trí là yếu tố quyết định đầu tiên. Nhận thấy Văn Giang (Hưng Yên) hội tụ đủ yếu tố để triển khai ý tưởng, bởi có một dòng sông chảy qua, đồng thời là vùng dân cư trồng cây nên thuận lợi về phát triển môi trường. Hơn nữa, Văn Giang, chỉ cách trung tâm Hà Nội hơn 10km, giao thông lại thuận tiện, địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu... cho phép phát triển một khu đô thị có bản sắc riêng.
Nhưng làm thế nào để có bản sắc riêng? Ngổn ngang với các ý tưởng, ông Lương Xuân Hà và cộng sự đã nhiều lần xuất ngoại để tìm hiểu và từ những chuyến đi thực tế ở nước ngoài, các nhà sáng lập nhận ra dù ở các nước đã phát triển với hàng trăm tòa nhà chọc trời với những trung tâm đô thị sầm uất, con người vẫn mong được về sống giữa thiên nhiên, nơi có những con đường rợp bóng cây, công viên, mặt hồ… Từ đó, ý tưởng phác hoạ về khu đô thị sinh thái dần hình thành. Những người sáng lập Ecopark cho rằng câu chuyện phát triển bất động sản phải dựa trên một tình yêu nhưng cũng phải dựa trên một cơ sở khoa học, có tư duy sáng tạo. Theo đó, thành công đối với một nhà phát triển bất động sản không đơn thuần đo đếm bằng doanh số bán hàng càng nhiều càng tốt, mà bằng những ô cửa sổ sáng đèn khi về đêm.
… đến siêu đô thị sinh thái tỷ USD
Trong suốt quá trình phát triển dự án, chủ đầu tư đã mất 10 năm chỉ để trồng cây và dễ dàng nhận thấy tại Ecopark không xây dựng các tòa nhà một cách ồ ạt mà làm từng phần. Nhờ cách làm bền bỉ đó đã tạo ra một đại đô thị sinh thái có quy mô lớn nhất miền Bắc, có tổng vốn đầu tư ước tính gần 10 tỷ USD và tổng diện gần 500ha, trong đó diện tích hồ điều hòa lên tới 100ha. Cũng là phố thị, nhưng khi đặt chân đến Ecopark sẽ thấy được sự khác biệt khi những tòa biệt thự, dãy nhà phố, công viên, trường học… nép mình trong những “cánh rừng” và dòng sông, khác với sự “bành trướng” của những khối bê tông, ồn ào, khói bụi.
Lãnh đạo Tập đoàn Ecopark cho biết, sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, Ecopark đã trở thành khu đô thị xanh kiểu mẫu của Việt Nam và các nước trong khu vực. “Thành công của Ecopark đã tạo được sự tín nhiệm đối với các nhà đầu tư, chính quyền địa phương, các đối tác lớn và cộng đồng dân cư”, vị lãnh đạo nói và cho hay trong quá trình hình thành, doanh nghiệp không quên thực hiện trách nhiệm của mình với xã hội khi tuyển dụng, đào tạo nhân lực khu vực lao động, tạo việc làm cho hơn 2.200 lao động địa phương có thu nhập ổn định…
Cho đến nay, khi nhắc đến Ecopark, giới chuyên gia, nhà quản lý nhận định rằng đây là một trong những nhà phát triển bất động sản đầu tiên “đánh thức” vùng đất Văn Giang. Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đánh giá nếu xét về địa kinh tế, vùng đất Văn Giang mà chủ đầu tư đặt dự án rất phù hợp về vị trí, được thừa hưởng mọi thứ gắn với Hà Nội nhưng giá đất lại rẻ vì ở Hưng Yên.
“Số lượng người đến ở Ecopark ngày một đông, đặc biệt người Thủ đô đến mua nhà để ở rất nhiều, kéo theo giá đất cao không kém gì đất Hà thành. Đặc biệt, kể từ khi có quyết định bỏ hộ khẩu cũng cởi bỏ được tính địa phương đối với dự án, nghĩa là người Hà Nội đến ở thì không thể gọi là người Hưng Yên nữa”, ông Đặng Hùng Võ nói.
Vị nguyên Thứ trưởng nhìn nhận “sự thay da đổi thịt” của vùng đất nay đã hiện rõ. Đây là sự thành công của Ecopark và nó chứng minh cho ý tưởng phát triển của chủ đầu tư khi lựa chọn điểm đó là đúng, không chỉ là một khu cảnh quan cực kỳ đẹp mà cuộc sống nơi đây dần sôi động, họ kéo được các trường học của nước ngoài về, kéo được nhà đầu tư sản xuất kinh doanh đến khu vực.
Tạo hiệu ứng tích cực… cho các đại đô thị
Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, cho biết trước khi dự án Ecopark được đầu tư, Văn Giang từ một huyện chưa phát triển, chủ yếu làm nông nghiệp với sản phẩm chính là hoa, cây cảnh. Sau hơn một thập kỷ kể từ ngày Ecopark được xây dựng, huyện đã “lột xác” thành một đô thị văn minh hiện đại với điểm nhấn là các đại dự án đô thị và cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, là điểm đến của nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Theo ông Nguyễn Hùng Nam, với lợi thế giáp Thủ đô Hà Nội, được tỉnh, Chính phủ quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, bài bản, trên địa bàn huyện có những tuyến đường lớn chạy qua như đường trục kinh tế Bắc – Nam, đường cao tốc 5B Hà Nội – Hải Phòng, đường vành đai 3,5, đường vành đai 4.... cùng với đó là 2 đại dự án đô thị đang được Vingroup đầu tư, hoàn thiện với tiến độ rất nhanh. “Đến nay, khi lợi ích của dự án thực sự đi vào đời sống, chính những người dân địa phương đã ủng hộ và có điều kiện tốt hơn về kinh tế nhờ dự án Ecopark. Đây chính là những hiệu ứng tích cực của dự án đem lại, nhờ đó việc giải phóng mặt bằng cho các đại dự án đến sau rất thuận lợi”, ông Hùng nói.
Sự góp mặt của Ecopark đã giúp tỷ lệ đô thị hoá tại huyện Văn Giang, Hưng Yên tăng gấp 7 lần từ 9,3% năm 2000 lên 65% năm 2020, giúp thăng hạng đô thị từ loại 5 lên loại 3; góp phần lớn vào việc tăng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh; kinh tế của tỉnh chuyển dịch dần từ thuần nông sang công nghiệp, dịch vụ gắn với phát triển đô thị xanh, thông minh.
“Khu đô thị Ecopark là một mô hình thành công điển hình về phát triển đô thị của tỉnh, của cả nước cũng như trong khu vực, đây là vừa là động lực, vừa là hình mẫu về môi trường, sinh thái để các khu đô thị sau này học hỏi và phát huy. Tỉnh Hưng Yên chủ trương sẽ kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án khu đô thị xanh, hiện đại trong tương lai, phấn đấu sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2037”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hùng Nam nhấn mạnh.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.