Tài chính quốc tế

Evergrande chuyển trụ sở chính khỏi Thâm Quyến để trốn nợ?

(VNF) - Ngày 10/1, tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc cho biết đã chuyển trụ sở chính từ toà nhà thuộc thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) sang một địa điểm khác cùng thành phố.

Evergrande chuyển trụ sở chính khỏi Thâm Quyến để trốn nợ?

Logo của Evergrande bị dỡ bỏ khỏi trụ sở cũ.

Trái với suy đoán của nhiều người cho rằng tập đoàn này đang tìm cách “trốn tránh” các chủ nợ bằng việc chuyển địa điểm trụ sở, Evergrande cho biết việc di dời trụ sở công ty nhằm mục đích cắt giảm chi phí trong bối cảnh đang phải xoay sở từng đồng để trả nợ.

Tuyên bố của tập đoàn được đưa ra sau khi truyền thông Trung Quốc thông tin về việc Evergrande đã chuyển trụ sở từ Thâm Quyến tới Quảng Châu.

Cụ thể, Evergrande cho biết họ đã chuyển trụ sở chính khỏi toà nhà Excellence Centre của Thâm Quyến, vốn thuộc sở hữu của một công ty khác, tới một tòa nhà mà Evergrande sở hữu trong cùng thành phố, nhưng không cho biết thêm chi tiết về cơ sở mới.

Theo Reuters, vào chiều 10/1, logo của Evergrande đã bị xóa một phần tại toà nhà cũ. Nhân viên an ninh cho biết công ty đã rời khỏi toà nhà từ tháng 12/2021 – thời điểm bắt đầu vỡ nợ. Được biết, trụ sở này được Evergrande thuê từ năm 2017 cho tới nay.

Tháng 9/2021, tòa nhà tại Thâm Quyến là hiện trường của các cuộc biểu tình hỗn loạn khi các nhà đầu tư của Evergrande kéo đến để yêu cầu hoàn trả các khoản vay và các sản phẩm tài chính.

Ngoài ra, nhiều nguồn tin cũng cho biết các vụ kiện chống lại công ty từ khắp Trung Quốc đang được xử lý bởi một tòa án ở Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, nơi cũng có trụ sở tại Thâm Quyến.

Với khoản nợ hơn 300 tỷ USD bao gồm gần 20 tỷ USD nợ trái phiếu bằng đồng USD, Evergrande hiện được coi là “con nợ” trái phiếu nước ngoài lớn nhất thế giới. Tập đoàn bất động sản hàng đầu của Trung Quốc đã chính thức bị các cơ quan xếp hạng hạ mức tín nhiệm xuống mức vỡ nợ và đánh giá là vỡ nợ chéo sau khi không hoàn thành các khoản thanh toán lãi trái phiếu đến kỳ hạn.

Cuối năm 2021, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã cử một nhóm quan chức cấp cao xuống tập đoàn để “xử lý khủng hoảng”, nhằm tránh để vụ vỡ nợ của Evergrande trở thành rủi ro lan ra toàn ngành bất động sản vốn đang yếu kém của Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 10/1, một nhà phát triển bất động sản khác của Trung Quốc là Shimao Group đã bị các trang xếp hạng toàn cầu là S&P và Moody hạ mức tín nhiệm sau khi bất ngờ vỡ nợ tín chấp vào tuần trước. Tập đoàn này cho biết đã bán tất cả các dự án bất động sản của mình, bao gồm cả bất động sản nhà ở và thương mại, đẩy nhanh việc thanh lý tài sản.

Xem thêm >> Nhà đầu tư kéo đến trụ sở đòi tiền, Evergrande xin hoãn trả lãi trái phiếu trong nước

Tin mới lên