FDI 9 tháng chảy mạnh vào địa ốc, cơ hội cho bất động sản công nghiệp

Nam Phương - 07/10/2022 09:33 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 9 tháng năm 2022, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18,7 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong số đó, thị trường bất động sản đón nhận hơn 3,5 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

VNF
Khu công nghệ cao TP. HCM, một điển hình thành công đón dòng vốn FDI

Đầu tư nước ngoài “hào hứng” với bất động sản công nghiệp Việt Nam

Bất động sản tiếp tục chiếm vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn “ngoại” trong gần 9 tháng qua, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư đăng ký. Con số này tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái với chỉ khoảng 1,8 tỷ USD.

Điều này cho thấy, bất chấp tình hình kinh tế thế giới biến động khó lường và diễn biến thị trường bất động sản Việt Nam đang có dấu hiệu trầm lắng, giới đầu tư nước ngoài vẫn rất kỳ vọng vào lĩnh vực địa ốc ở Việt Nam, nhất là phân khúc bất động sản công nghiệp.

Theo Savills Việt Nam, Việt Nam hấp dẫn FDI nhờ vào các hiệp định thương mại tự do, điển hình là hiệp định EVFTA, đã giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều vốn ngoại, đặc biệt là từ châu Âu. Nhờ vậy, thị trường bất động sản công nghiệp đứng trước nhiều cơ hội “bùng nổ”. Các khu công nghiệp tại hai đầu cầu kinh tế lớn là Hà Nội và TP. HCM có tỷ lệ lấp đầy cao, đưa công nghiệp Việt Nam trở thành “bến đỗ” cho vốn đầu tư nước ngoài.

Theo các chuyên gia phân tích, chính sách “mở cửa đón đại bàng” được áp dụng hiệu quả đã tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp ngoại đến và làm việc tại Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc còn “loay hoay” vấn đề “Zero Covid”. Nhờ vậy bất động sản công nghiệp có cơ hội đón dòng vốn lớn dịch chuyển đến khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, ổn định của tỷ giá VND/USD tạo môi trường đầu tư an toàn cũng góp phần đưa Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư quốc tế đáng mơ ước. “Một trong những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư khi rót tiền vào thị trường Việt Nam đó là đồng Việt Nam ổn định so với các đồng ngoại tệ khác như của Thái Lan, Indonesia...”, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, chia sẻ.

Mặt khác, Chính phủ đang có những quyết sách tích cực cho lực lượng lao động như hỗ trợ tài chính sau đại dịch, xây nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp… Điều này đã giúp nhà đầu tư tận dụng hiệu quả ưu thế vốn có của Việt Nam về nguồn nhân lực. 

Có thể nói, bất chấp những thách thức đến từ sự suy giảm thương mại toàn cầu, công nghiệp Việt Nam vẫn đang sở hữu vị thế thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là các khu bất động sản công nghiệp vẫn đạt công suất hoạt động cao cùng nhiều dự án mới tiềm năng được triển khai - ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định.

Cần gia tăng nguồn cung và tháo gỡ vướng mắc pháp lý

Trước thực trạng nguồn cung bất động sản công nghiệp đang có dấu hiệu thiếu hụt, Chính phủ Việt Nam đã có những định hướng phát triển và bổ sung nguồn cung nhất định. Trong 2 quý đầu của năm 2022, đã có 9 khu công nghiệp mới được phê duyệt và sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn 2023 - 2025 với tổng diện tích 2.472ha, tổng vốn đầu tư lên đến 29,4 nghìn tỷ đồng.

Đối với các doanh nghiệp đang duy trì hoạt động kinh doanh khu công nghiệp như Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc, Becamex IDC… việc mở rộng quỹ đất để đầu tư bất động sản công nghiệp, dự kiến đưa vào hoạt động trong ba năm tới đang được tăng tốc triển khai.

Ngoài ra, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hay Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa cũng xây dựng kế hoạch chuyển đổi vườn cao su thành khu công nghiệp trong giai đoạn 2022 - 2025.

Ông Matthew Powell cho rằng tình trạng khan hiếm nguồn cung tại các tỉnh thành lớn vừa là thách thức vừa là cơ hội. Tỷ lệ lấp đầy gần như tuyệt đối cùng giá thành tăng cao đã phản ánh mức độ và nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Điều này mở ra cánh cửa để các nhà phát triển bất động sản trong và ngoài nước đưa ra những sản phẩm mới nhằm đáp ứng nguồn cầu trong thị trường. Đặc biệt, sự tham gia của các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài lớn như Tập đoàn LEGO từ Đan Mạch hay Tập đoàn YSL từ Hàn Quốc... đang nâng tầm chất lượng và tiêu chuẩn của các khu công nghiệp tại Việt Nam.

Vốn FDI đổ vào Việt Nam, bất động sản công nghiệp đang có nhiều cơ hội và thách thức

Tuy nhiên, ngoài vấn đề nguồn cung, bất động sản công nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế pháp lý liên quan, cần tháo gỡ “nút thắt” này cho dòng vốn FDI chảy mạnh.

Tại hội nghị “Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững” diễn ra tháng 7 vừa qua, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, vấn đề thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản theo đầu tư mới hiện vẫn có 2 vướng mắc cần tháo gỡ.

Thứ nhất, việc chỉ có các dự án kinh doanh xây dựng nhà để bán kết hợp với cho thuê mới được giao đất, việc bồi thường giải phóng mặt bằng do nhà nước thực hiện nhưng triển khai rất chậm mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có quyền thỏa thuận hoặc thương lượng với người dân.

Thứ hai, các dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được thuê đất của nhà nước, gặp nhiều khó khăn, một trong những lý do là không được thỏa thuận trực tiếp với người dân.

Thực trạng này dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian vừa qua phải tìm kiếm các đối tác hoặc không giao nhận chuyển nhượng hoặc chuyển nhượng một phần dự án bất động sản, bà Ngọc chia sẻ.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

(VNF) - Dự án ở địa phần Đà Nẵng đến nay đã được giải phóng mặt bằng trên một diện tích lớn và vẫn còn một số hộ dân. Những căn hộ dời đi mặt bằng đã được đập để bàn giao mặt bằng sạch.