Tài chính quốc tế

FDI xuống thấp kỷ lục, Trung Quốc kêu gọi DN nước ngoài chia sẻ khó khăn

(VNF) - Bộ Thương mại Trung Quốc trong tuần qua đã gặp gỡ các doanh nghiệp nước ngoài tại Bắc Kinh trong nỗ lực giải quyết các thách thức trong hoạt động đầu tư.

Hội nghị bàn tròn giữa lãnh đạo Trung Quốc và các nhà đầu tư diễn ra khi các cuộc trao đổi giữa Mỹ và Trung Quốc đang sôi nổi và cả hai bên đều cố gắng ổn định mối quan hệ căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.

FDI vào Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm.

Mặc dù cuộc họp của Bộ Thương mại không tiết lộ nhiều tiến bộ mới về 24 biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài được công bố vào mùa hè năm ngoái, nhưng những người tham dự cho biết họ có thể chia sẻ những thách thức cụ thể khi kinh doanh tại Trung Quốc.

Tháng 8 năm ngoái, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã ban hành kế hoạch 24 điểm để thu hút các công ty nước ngoài với cam kết cung cấp cho họ cách xử lý thuế tốt hơn và giúp người lao động của họ có được thị thực dễ dàng hơn.

Ông Jens Eskelund, chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc, cho hay: “Ấn tượng mà hầu hết chúng tôi có được là Bộ thương mại Trung Quốc thực sự mong muốn thực hiện các biện pháp này”.

“Tôi nghĩ rằng các nhà chức trách đã khuyến khích sự cởi mở và tôi nghĩ một số người tham gia đã khá thẳng thắn trong những nhận xét mà họ đưa ra”, ông Eskelund nhận định.

Tuy nhiên, cũng theo ông Eskelund, việc yêu cầu chuyển giao công nghệ và luật mới về bí mật nhà nước đã không được đưa ra trong cuộc họp, đồng thời lưu ý rằng sự phân biệt trong mua sắm công vẫn là một vấn đề.

Trung Quốc trong tuần này đã công bố luật cập nhật về bí mật nhà nước sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5, nhấn mạnh sự chú trọng ngày càng tăng của nước này trong việc đảm bảo an ninh quốc gia.

Theo ông Eskelund, điều nảy sinh là những lo ngại về những thay đổi trong quy định an ninh quốc gia ảnh hưởng đến khả năng tiến hành thẩm định của các công ty ở Trung Quốc.

Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 29/2 rằng ít nhất 60% trong số 24 biện pháp đã được thực hiện hoặc thấy có tiến bộ và họ sẽ tiếp tục thực hiện. Bộ cho biết đại diện của hơn 60 doanh nghiệp nước ngoài và 9 hiệp hội đã tham dự hội nghị bàn tròn trong tuần qua.

Ông Michael Hart, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, người tham dự hội nghị bàn tròn, cho biết: “Một vấn đề mà chúng tôi nêu ra tại cuộc họp với Bộ Thương mại Trung Quốc là nước này quá chú trọng đến việc tìm kiếm đầu tư từ các công ty mới. Động lực này thường đến từ các quan chức địa phương, vì họ thường được đánh giá dựa trên khả năng thu hút FDI”.

Theo dữ liệu chính thức, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và tốc độ tăng trưởng chậm lại ở nước này.

Ông Hart nói rằng rất khó để các công ty chưa có mặt tại Trung Quốc có thể hoàn thành quá trình thẩm định và phê duyệt các khoản đầu tư mới. “Thay vào đó, chúng tôi khuyến khích chính phủ tập trung giải quyết các vấn đề của các công ty đã có mặt ở đây, nhiều công ty đã hiện diện ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ”, ông nhấn mạnh thêm.

Tăng cường đàm phán Mỹ - Trung

Căng thẳng Mỹ - Trung đã giảm bớt kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại San Francisco vào tháng 11 năm ngoái.

Ông Biden, người sắp tái tranh cử vào mùa thu năm nay, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cạnh tranh với Trung Quốc trong khi tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường gặp Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ Suzanne Clark vào sáng 28/2.

Bộ Giao thông vận tải Mỹ trong tuần này cho biết các hãng hàng không chở khách Trung Quốc có thể bổ sung thêm 15 chuyến bay khứ hồi đến Mỹ mỗi tuần, bắt đầu từ ngày 31/3. Dù vậy, con số này chỉ bằng khoảng 1/3 so với mức trước đại dịch.

Các chuyến thăm chính thức và không chính thức giữa hai nước đã tăng lên trong những tháng gần đây, bao gồm chuyến đi kéo dài một tuần tới Trung Quốc vào tháng 1 của học sinh một trường trung học ở Mỹ.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã gặp Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ Suzanne Clark vào sáng 28/2, theo thông tin trên Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết hai nước “đã tổ chức một vòng tham vấn chính sách đối ngoại mới”, trong đó “hai bên đã trao đổi thẳng thắn, sâu sắc và mang tính xây dựng về các chính sách đối ngoại tương ứng, tình hình quốc tế và các vấn đề điểm nóng trong khu vực”.

Phía Trung Quốc cho biết Salman Ahmed, giám đốc nhân viên hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ và Miao Deyu, trợ lý ngoại trưởng kiêm tổng giám đốc vụ hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã gặp nhau tại Thượng Hải đầu tuần qua.

Tuần tới, Trung Quốc sẽ khai mạc các cuộc họp quốc hội thường niên để thảo luận về chính sách kinh tế và các chính sách khác.

Xem thêm >> Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc co lại 5 tháng liên tiếp

Tin mới lên