Tài chính quốc tế

Quan hệ đối tác 'không giới hạn' giữa Trung Quốc và Nga đối mặt thử thách

(VNF) - Bộ tài chính Nga đang thảo luận về các khoản vay bằng nhân dân tệ với các đối tác Trung Quốc, nhưng quyết định bị trì hoãn cho thấy mối quan hệ đối tác "không giới hạn" giữa hai nước dường như đang có phần căng thẳng.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đầu tuần qua nói với hãng thông tấn nhà nước RIA rằng Nga đang thảo luận vấn đề này với chính quyền Trung Quốc.

"Các cuộc đàm phán với đối tác Trung Quốc đã diễn ra trong một thời gian dài. Cho đến nay vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra. Chúng tôi đã thảo luận về chủ đề này vào cuối năm ngoái tại cuộc đối thoại liên bộ trưởng", ông Siluanov cho hay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chia sẻ với South China Morning Post, các nhà phân tích cho rằng phía Trung Quốc có thể đang cố gắng cân nhắc xem liệu lợi ích từ hợp đồng cho vay bằng đồng nhân dân tệ có xứng đáng với những rủi ro kinh tế và chính trị khi giao dịch với Nga hay không.

Bà Dong Jinyue, nhà kinh tế cấp cao tại BBVA Research có trụ sở tại Madrid, thì nhận định: “Các ngân hàng thương mại Trung Quốc cũng nên xem xét sự an toàn và lợi nhuận của các khoản vay bằng nhân dân tệ cho Nga, ngoài những cân nhắc về chính trị”.

“Ví dụ, phần bù rủi ro là bao nhiêu trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra và họ sẽ phòng ngừa rủi ro tiền tệ như thế nào trước sự biến động lớn của đồng rúp Nga?”, bà Jinyue cho hay.

Bắc Kinh và Moscow tuyên bố tình hữu nghị "không giới hạn" của họ vào ngày 4/2/2022, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Trung Quốc để tham dự Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh.

Trong khoảng thời gian hai năm sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine kéo theo loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga và Trung Quốc dường như vẫn tiếp tục tiến hành hoạt động kinh doanh như thường lệ.

Nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine kéo theo hơn 13.000 hạn chế và trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, theo Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế. Dự trữ ngoại hối bị đóng băng và Nga bị cắt khỏi hệ thống ngân hàng SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu).

Mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc dường như đã góp phần giúp Nga có khả năng phục hồi kinh tế và làm nản lòng những nỗ lực của phương Tây nhằm buộc Moscow chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.

Tác động của các lệnh trừng phạt thứ cấp

Mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước đã góp phần giúp Nga có khả năng phục hồi kinh tế.

Người dùng Nga cho biết đã gặp trục trặc khi sử dụng hệ thống thanh toán UnionPay của Trung Quốc, hệ thống được quảng cáo rộng rãi ở Nga như một giải pháp thay thế cho Visa và Mastercard sau khi các công ty thanh toán thẻ rút lui vì cuộc chiến ở Ukraine.

Tờ Moscow Times cho rằng những hạn chế này có thể là kết quả của lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Hệ thống thẻ thanh toán quốc gia (NSPK) của Nga, nơi xử lý tất cả các giao dịch thẻ UnionPay tại nước này.

UnionPay được quảng cáo rộng rãi là hoạt động giải cứu của Trung Quốc tới Nga sau khi Visa, Mastercard và American Express đình chỉ hoạt động ở Nga do cuộc chiến ở Ukraine và SWIFT bị chặn. Nó trở thành một trong những phương thức duy nhất mà người Nga có thể sử dụng để thanh toán ở nước ngoài.

Cổng tin tức 66.ru đưa tin rằng mặc dù thanh toán bằng thẻ UnionPay vật lý dường như vẫn hoạt động như bình thường nhưng các thẻ tương tự được liên kết với dịch vụ Huawei Pay lại bị từ chối ở Nga.

Bộ phận hỗ trợ của Huawei cho biết Huawei Pay hiện không khả dụng để sử dụng ở Nga do những thay đổi trong hoạt động của nhà cung cấp dịch vụ thanh toán.

Diễn biến này diễn ra vài ngày sau khi ba ngân hàng lớn nhất Trung Quốc được cho là đã ngừng nhận thanh toán từ các tổ chức tài chính Nga bị trừng phạt.

Các ngân hàng Trung Quốc đang thắt chặt kiểm tra việc tuân thủ với các doanh nghiệp Nga vì họ lo ngại bị vướng vào các biện pháp trừng phạt ngày càng hạn chế của phương Tây đối với Nga.

Chúng bao gồm các biện pháp trừng phạt thứ cấp mà Mỹ đã ủy quyền vào tháng 12, nhằm vào các tổ chức tài chính giúp Nga vượt qua các hạn chế. Washington đe dọa sẽ chặn các ngân hàng nước ngoài tiến hành kinh doanh với các công ty hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Nga khỏi hệ thống tài chính của nước này.

Điện Kremlin đã thừa nhận các vấn đề với các giao dịch ngân hàng Trung Quốc, với người phát ngôn Dmitry Peskov hồi đầu tháng này nói rằng chính quyền đang "làm việc" để giải quyết chúng với Bắc Kinh.

Xem thêm >> Nga 'né tránh triệt để' các rào cản thương mại của EU

Tin mới lên